1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Azerbaijan "thay da đổi thịt" sau 30 năm độc lập

Đức Hoàng

(Dân trí) - Tròn 30 năm sau khi tuyên bố độc lập, Azerbaijan từ một quốc gia gặp nhiều khó khăn về kinh tế, chính trị và bị ảnh hưởng bởi chiến tranh đã vươn mình mạnh mẽ để "lột xác" như ngày nay.

Azerbaijan thay da đổi thịt sau 30 năm độc lập - 1

Đại sứ Azerbaijan tại Việt Nam Anar Imanov (Ảnh: Tiến Tuấn).

Ngày 19/10/2021, Đại sứ quán Azerbaijan tại Việt Nam tổ chức Hội thảo với chủ đề: "Kỷ niệm 30 năm giành lại độc lập của Azerbaijan: Sự trỗi dậy của đất nước". Sự kiện đã có sự tham gia của các nhà ngoại giao, chuyên gia, nhà nghiên cứu đã chứng kiến quá trình "thay da đổi thịt" của quốc gia vùng Nam Caucasus.

Sau sự sụp đổ của Liên Xô, vào ngày 18/10/1991, Azerbaijan đã khôi phục độc lập và kế thừa mặt pháp lý và chính trị của Cộng hòa Dân chủ Azerbaijan (vốn tồn tại từ năm 1918-1920).

Theo Đại sứ Azerbaijan tại Việt Nam Anar Imanov, vào thời điểm 30 năm trước, nước Cộng hòa Azerbaijan đã đối mặt với hàng loạt khó khăn về kinh tế, chính trị, đói nghèo và "đứng trên bờ vực bị sụp đổ".

Trong bối cảnh đó, nhà nước non trẻ Azerbaijan phải đối mặt với một thách thức khác: Cuộc xung đột với lực lượng Armenia tại Nagorno-Karabakh (Azerbaijan hiện định danh là vùng Karabakh), khu vực được cộng đồng quốc tế công nhận là của Azerbaijan. Khoảng một triệu người Azerbaijan đã phải rời khỏi quê hương do bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.

Theo ông Imanov, đây là thời điểm Azerbaijan phải đối mặt với hàng loạt khó khăn. Nhà ngoại giao cho biết, vào thời điểm đó, người dân Azerbaijan đã đặt niềm tin vào Lãnh tụ, Cựu Tổng thống Azerbaijan Heydar Aliyev để ông trở thành nhà lãnh đạo và chèo lái quốc gia Nam Caucasus.

Sau khi ký thỏa thuận ngừng bắn ở Karabakh, ông Heydar Aliyev đã lãnh đạo Azerbaijan thực hiện hàng loạt nỗ lực nhằm mục tiêu cải cách về chính trị, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế, cải thiện năng lực của quân đội.  

Hàng tỷ USD đã được đầu tư vào Azerbaijan, và góp phần giúp quốc gia này "thay da đổi thịt". Sau 30 năm đối mặt với những khó khăn và thử thách, Azerbaijan đã giành được hàng loạt thành tựu to lớn để có thể "trỗi dậy" mạnh mẽ. Họ tận dụng nguồn tài nguyên dầu mỏ dồi dào để nâng cao xuất khẩu thu về nguồn ngoại tệ lớn, cũng như vị trí thuận lợi ở hành lang vận chuyển Đông-Tây để nắm lấy cơ hội trở thành một trong những trung tâm vận tải kết nối châu Âu và châu Á.  

Nhờ những động thái trên, Azerbaijan đã trở thành quốc gia dẫn dầu trong khu vực Nam Caucasus.

Cùng với đó, năm 2020, Azerbaijan đã giành lại được phần lãnh thổ bị Amernia kiểm soát trong gần 30 năm. Kết thúc cuộc giao tranh mà Baku gọi là "Chiến tranh Karabakh lần thứ 2", Azerbaijan nêu quyết tâm tái thiết lại các khu vực đã bị chiến tranh tàn phá.

Ông Imanov nhận định, trong tiến trình lịch sử trên, Lãnh tụ Heydar Aliyev, cũng như Tổng thống đương nhiệm Ilham Aliyev đã đóng góp những vai trò rất quan trọng.

Nhà ngoại giao Azerbaijan cũng nêu mong muốn của quốc gia này trong việc góp phần giúp khu vực Nam Caucasus đạt được hòa bình, an ninh, ổn định lâu dài.

Phát biểu tại tọa đàm, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Văn hóa - Lịch sử - Khoa học Azerbaijan tại Việt Nam Đào Xuân Tiến, nhận định rằng, chiến lược dầu mỏ của Azerbaijan đã góp phần giúp quốc gia này củng cố nền chính trị và phát triển kinh tế trong hàng chục năm qua.

Tiến sĩ khoa học Nghiêm Vũ Khải, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Azerbaijan, nhận định rằng, sau 30 năm, Azerbaijan đã ngày càng phát triển và vị thế quốc tế ngày càng cao cũng như đạt được nhiều thành tựu ấn tượng.

Quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Việt Nam

Trong quá trình "trỗi dậy" của Azerbaijan, mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Việt Nam luôn được cả 2 bên đánh giá cao và vun đắp. Vào tháng 9/2022, hai quốc gia sẽ kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Azerbaijan và Việt Nam.

Ông Imanov nhận định, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước trong những năm gần đây ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu, năng động hơn theo hướng cùng có lợi. Ông cho rằng, ngày nay, Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của Azerbaijan ở Đông Nam Á.

Nhà ngoại giao Azerbaijan cho rằng, hai nước có tiềm năng to lớn để hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, vận tải và logistics, du lịch và giáo dục.

Ông Imanov cũng nhận định, việc Azerbaijan bắt đầu công cuộc tái thiết lại vùng Karabakh sẽ mở ra cơ hội mới cho các công ty từ các quốc gia hữu nghị, trong đó có Việt Nam mở rộng hoạt động kinh doanh tại Azerbaijan, bao gồm thương mại vật liệu xây dựng và các sản phẩm công nghệ cao cũng như tham gia vào các hoạt động xây dựng và đầu tư.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm