1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Australia tuyên chiến với nạn nô lệ thời hiện đại

(Dân trí) - Trong bối cảnh vấn nạn nô lệ hiện đại đang có dấu hiệu trở nên nghiêm trọng, Australia đã ban hành điều luật và chính sách mới nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý hiệu quả vấn nạn liên quan tới quyền con người này.

Czar Amonsot, một nạn nhân của nạn nô lệ hiện đại (Ảnh: SBS)
Czar Amonsot, một nạn nhân của nạn nô lệ hiện đại (Ảnh: SBS)

Khi bước vào tuổi 26 và đang là một vận động viên quyền anh ở Philippines, Czar Amonsot đã nhận được một lời đề nghị mà anh nghĩ mình không thể chối từ. Anh cùng 4 vận động viên đấm bốc khác được một người đàn ông Australia gốc Philippines đưa ra lời mời về cơ hội nghề nghiệp quyền anh rộng mở ở xứ người.

Trước đề nghị quá sức hấp dẫn, 5 người đàn ông trẻ đã gật đầu không suy nghĩ. Nhưng khi đến Sydney họ nhanh chóng phát hiện ra lời hứa ban đầu chỉ là một cái bẫy. Họ phải sống trong một gara ô tô, làm việc quần quật 7 ngày 1 tuần cho gia đình người đàn ông đã lừa họ. Kẻ lừa đảo đã giữ hộ chiếu và không trả họ một đồng tiền công.

“Chúng tôi đã biến thành nô lệ tại nhà hắn. Chúng tôi không có tiền, không thể ra ngoài và cũng không biết phải đi đâu về đâu”, anh Amonsot hồi tưởng.

Sau 2 tháng, kẻ lừa đảo đã đẩy Amonsot ra đường và may mắn thay anh đã nhận được sự giúp đỡ của một thành viên trong giáo đoàn tại nhà thờ địa phương. Bốn người còn lại cũng đã xin được vào trại tị nạn và bắt đầu một cuộc sống mới. Anh Amonsot, hiện giờ đã trở thành một nhà vô địch quyền anh tại Australia, chia sẻ rằng anh đã vượt qua được quá khứ để tiếp tục phấn đấu sẽ không bao giờ quên những tháng ngày tăm tối đó.

Trường hợp của anh Amonsot là một ví dụ buồn cho vấn nạn nô lệ thời hiện đại ở Australia, nơi ước tính có hơn 4.300 người đang chịu cảnh sống mất quyền con người như vậy. Họ có thể là nạn nhân của buôn bán người hoặc bị cưỡng bức lao động.

Hầu hết các nạn nhân của nạn nô lệ hiện đại ở Australia là những người nhập cảnh theo diện thị thực du lịch, làm việc hoặc theo vợ/chồng. Họ đều bị những tổ chức tội phạm cưỡng ép làm việc không lương hoặc hành nghề mại dâm. Theo thống kê của chính phủ liên bang, những nạn nhân chủ yếu đến từ các quốc gia như Ấn Độ, Philippines, Thái Lan và Afghanistan.

Quyết tâm từ chính phủ Australia

(Ảnh minh họa: Pratidintime)
(Ảnh minh họa: Pratidintime)

Để giải quyết vấn nạn trên, chính phủ Australia đã quyết tâm tuyên chiến với nạn nô lệ hiện đại bằng việc buộc các công ty có doanh thu hàng năm trên 100 triệu đô Australia phải đưa ra cam kết chống nô lệ cũng nhằm chứng minh hoạt động và chuỗi cung ứng của họ không dựa vào lao động nô lệ hoặc nạn nhân buôn bán người.

Ngoài ra, quốc hội Australia đồng thời ban hành Đạo luật Nô lệ Hiện đại Australia, dựa trên luật tương tự được Anh ban hành vào năm 2015. Ngoài ra, chính phủ khuyến khích các công ty bổ nhiệm vị trí ủy viên độc lập nhằm quan sát hoạt động của công ty nhằm chống lại nạn nô lệ hiện đại.

Giáo sư Jennifer Burn của Đại học Công nghệ Sydney (Australia), một chuyên gia về luật về nô lệ và buôn người nói rằng bà ủng hộ đề xuất chống lại nô lệ, nhưng tin rằng nên có hình phạt cho các công ty không nộp bản cam kết chống nô lệ.

Giáo sư Burn, giám đốc Trung tâm Chống Nô lệ Úc, trả lời Straits Times rằng cần nhiều nỗ lực giám sát hơn nữa nhằm phòng ngừa và bảo vệ các nạn nhân khỏi nạn buôn người, cũng như phổ biến cho họ cách thức liên lạc hỗ trợ với các tổ chức hoặc cảnh sát khi cần.

Khó có thể thống kê chính xác số lượng nô lệ trên khắp Australia, đặc biệt khi nhiều nạn nhân không muốn ra mặt vì họ sợ nó có thể ảnh hưởng đến tình trạng cư trú của họ. Trong những năm gần đây, giới truyền thông ngày càng chú ý đến vấn nạn này và họ thường có những bài báo về các trường hợp nô lệ hiện đại trong các trang trại, cửa hàng tiện lợi, nhà hàng và cửa hàng ăn nhanh.

Vào tháng hai, hai người đàn ông Đài Loan đã bị trục xuất sau với tội vận hành 2 cơ sở “lao động nô lệ" ở Brisbane, với khoảng 24 người. Những người này bị buộc phải thực hiện các cuộc gọi lừa đảo nhằm vào các công dân Trung Quốc.

Bà Jenny Stanger, giám đốc quốc gia của Tổ chức The Salvation Army, cho biết những người lao động ở Australia với thị thực tạm thời cần phải cẩn thận, đặc biệt nếu tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ của họ.

“Nếu bạn được chào mời một cơ hội nào đó như một “món hời” thì hãy nên cẩn thận. Và hãy nhớ nếu như mọi chuyện không được như hứa hẹn, hãy luôn chuẩn bị trước những người bạn có thể liên lạc để yêu cầu sự trợ giúp”, bà Stanger nói với Straits Times.

Đức Hoàng

Theo Straits Times