1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Australia "tố" Trung Quốc muốn "tự đặt ra luật chơi"

Đức Hoàng

(Dân trí) - Một quan chức cấp cao của Australia hối thúc Trung Quốc hợp tác một cách xây dựng và hiệu quả với hệ thống quốc tế mà không dùng áp lực hay chiến thuật "cưỡng ép".

Australia tố Trung Quốc muốn tự đặt ra luật chơi - 1

Frances Adamson, người đứng đầu Bộ thương mại và các vấn đề đối ngoại (DFAT) của Australia (Ảnh: Courier)

Trong bài phát biểu ngày 25/11, Frances Adamson, người đứng đầu Bộ thương mại và các vấn đề đối ngoại (DFAT) của Australia đã chỉ trích việc Trung Quốc chặn hàng loạt mặt hàng xuất khẩu của Canberra, cáo buộc Bắc Kinh đang phớt lờ những nguyên tắc hợp tác quốc tế khi theo đuổi chính sách ngoại giao ngày càng cứng rắn hơn.

"Trung Quốc có thể đã đạt tới mức độ mà họ tin rằng họ có thể đặt ra các quy tắc viêc hợp tác với thế giới. Nếu điều đó là sự thật, tôi tin rằng đó là nhận thức sai lầm vì Trung Quốc và các nước khác sẽ nhận được nhiều hơn thông qua mối quan hệ hợp tác và mang tính xây dựng trong hệ thống quốc tế mà không dùng áp lực hay chiến thuật cưỡng ép", bà Adamson nhấn mạnh.

Bà Adamson, cựu đại sứ Australia tại Trung Quốc, nhận định rằng sự phát triển kinh tế ấn tượng của quốc gia Đông Á đã mang lại nhiều lợi ích cho các nước, bao gồm Australia, nhưng cũng đồng thời gây ra những hậu quả tiêu cực tới khu vực.

"Điều này có nghĩa rằng Trung Quốc muốn tạo ra các tiêu chuẩn quốc tế thay vì tuân thủ. Trung Quốc muốn lãnh đạo chứ không chỉ đơn thuần muốn tham gia vào các thể chế quốc tế", bà Adamson nhận định.

Bà Adamson đồng thời bác bỏ những nghi vấn rằng Australia nhận chỉ thị về mặt chính sách từ đồng minh Mỹ, nhấn mạnh rằng "những quốc gia có chung những giá trị thường đi đến những nhận định giống nhau".

Phát biểu của bà Adamson diễn ra trong bối cảnh giới quan sát nhận định quan hệ Australia và Trung Quốc đang tệ nhất trong hàng chục năm qua, liên quan tới các động thái thương mại, Huawei, Hong Kong, Biển Đông…

Kể từ tháng 4, Trung Quốc đã áp lệnh hạn chế hoặc lệnh cấm với hơn 10 mặt hàng Australia gồm than đá, thịt bò, rượu… Căng thẳng giữa 2 nước bùng phát kể từ khi Australia kêu gọi cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc đại dịch Covid-19, điều mà Trung Quốc khi đó cho rằng không cần thiết. Theo SCMP, thị trường Trung Quốc chiếm 40% doanh thu xuất khẩu của Australia.

Dù Bắc Kinh khẳng định các động thái trên là nhằm ứng phó với các động thái vi phạm về thương mại, nhưng Đại sứ quán Trung Quốc ở Canberra tuần trước cho hay việc Australia yêu cầu mở cuộc điều tra Covid-19 là một trong 14 điểm khiến quan hệ song phương giữa 2 nước xấu đi.

Danh sách 14 điểm này bao gồm việc Australia ban hành lệnh cấm Huawei tham gia mạng 5G, các bài báo "thiếu thân thiện" về Trung Quốc trên truyền thông Canberra, việc Australia thông qua luật chống can thiệp từ từ nước ngoài năm 2018 - động thái được xem nhằm vào Trung Quốc.

Trong nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng, Thủ tướng Australia Scott Morrison hôm 24/11 cho biết ông sẵn sàng trao đổi với Trung Quốc về những phàn nàn của Bắc Kinh và mong muốn hai bên sẽ cùng "tồn tại hạnh phúc".