1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Quan hệ Trung Quốc - Australia “lao dốc không phanh”

An Bình

(Dân trí) - Quan hệ Trung Quốc - Australia đang “lao dốc không phanh”, sau khi Đại sứ quán Trung Quốc công bố một tài liệu liệt kê 14 cáo buộc nhằm vào chính phủ Australia và hai bên lâm vào cuộc khẩu chiến mới.

Quan hệ Trung Quốc - Australia “lao dốc không phanh” - 1

Cờ Trung Quốc và Australia (Ảnh minh họa: Reuters)

Mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Bắc Kinh và Canberra liên tục leo thang tới các ngưỡng mới trong những ngày gần đây, khi hai bên lâm vào một cuộc khẩu chiến dữ dội, với các cáo buộc liên tiếp được tung ra nhằm vào phía nhau.

Theo hãng tin ABC, một quan chức giấu tên tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Canberra mới đây đã gửi cho báo Nine một tài liệu trong đó liệt kê 14 cáo buộc nhằm vào Australia. Nhiều trong số các cáo buộc này đã được giới chức Trung Quốc đưa ra trong những tháng gần đây.

Tài liệu cáo buộc rằng Australia đã ngăn chặn một cách không công bằng đầu tư của Trung Quốc, phát tán thông tin sai lệch về các nỗ lực của Trung Quốc nhằm kiểm soát dịch Covid-19, cáo buộc một cách sai trái về việc Bắc Kinh tấn công mạng, tham gia vào “sự can thiệp bừa bãi không ngừng” ở Hong Kong, Đài Loan và Tân Cương.

Tài liệu cũng chỉ trích quyết định của chính phủ Australia nhằm cấm hãng Huawei tham gia mạng 5G, chỉ trích nỗ lực của Canberra nhằm ngăn chặn sự can thiệp của nước ngoài, cáo buộc Australia tịch thu tài sản của các nhà báo Trung Quốc và để các nghị sĩ đưa ra các bình luận “phẫn nộ” về đảng cầm quyền của Trung Quốc.

Ngoài ra, tài liệu còn cáo buộc Australia gây ra các cuộc tấn công chống lại người châu Á để "hùa" theo chiến dịch chống Trung Quốc của Mỹ.

Truyền thông Australia gọi các cáo buộc trên là cuộc tấn công chưa từng có của Trung Quốc nhằm vào chính phủ liên bang Australia.

Quan hệ giữa Australia và Trung Quốc đã lạnh nhạt trong vài năm trở lại đây, nhưng tình hình xấu đi nhanh chóng sau khi Thủ tướng Australia Scott Morrison hồi tháng 4 kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc dịch Covid-19.

Chính phủ Trung Quốc gọi đề xuất của ông Morrison là “thao túng chính trị”. Kể từ tháng 5 trở đi, Bắc Kinh đã thực hiện một loạt các biện pháp nhằm cản trở xuất khẩu của Australia tới Trung Quốc. Một loạt các mặt hàng của Australia, trong đó có các mặt hàng như thịt bò, lúa mạch, rượu, đã đối mặt với các rào cản mới phát sinh từ Trung Quốc như thuế cao, các cuộc điều tra chống trợ cấp hay trì hoãn thông quan.

Quan hệ Trung Quốc - Australia “lao dốc không phanh” - 2

Thủ tướng Australia Scott Morrison đã kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc Covid-19 (Ảnh: AAP)

Hồi tháng 9, hai nhà báo Australia tại Trung Quốc đã phải vội vàng sơ tán sau khi bị giới chức nước này thẩm vấn gay gắt về một vụ việc an ninh quốc gia.

Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông trong nước đăng tải ngày 15/10, Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham nói rằng, “quả bóng hoàn toàn nằm ở sân của Trung Quốc” nếu muốn giải quyết các căng thẳng thươg mại. Ông nói thêm rằng ông hi vọng việc ký kết hiệp định kinh tế RCEP mới đây sẽ giúp giải quyết các tranh cãi giữa hai bên.

Tuy nhiên, phát biểu trong một cuộc họp báo hôm 17/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên thẳng thừng tuyên bố sẽ không có gì thay đổi và khẳng định rằng Trung Quốc không phải là bên khiến quan hệ căng thẳng.

Trong một bài phát biểu ngày 18/11, Bộ trưởng Tài chính Australia Josh Frydenberg tuyên bố nước này sẵn sàng cùng chính phủ Trung Quốc tham gia một cuộc đối thoại tôn trọng và đôi bên cùng có lợi.

Nhưng trong một cuộc họp báo sau đó cùng ngày, ông Triệu Lập Kiên đã bác bỏ đề nghị hòa giải, tuyên bố rằng: “Ai gây ra vấn đề thì sẽ phải chịu trách nhiệm giải quyết nó”.

Bộ trưởng Thương mại Birmingham ngày 18/11 khẳng định chính phủ nước này đã liên lạc bằng mọi cách, ở mọi cấp độ với Bắc Kinh trong nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ, nhưng sẽ không rút lại các chỉ trích đối với Trung Quốc.

Ông Birmingham nhấn mạnh rằng Australia sẵn sàng đối thoại, còn quyết định có tham gia hay không hoàn toàn là ở phía Bắc Kinh.

Trong một bình luận như "đổ thêm dầu vào lửa", báo SMH của Australia đã dẫn lời một quan chức chính phủ Trung Quốc nói với một phóng viên trong một cuộc họp báo ở Canberra hôm 17/11 rằng: “Trung Quốc rất giận dữ. Nếu các bạn biến Trung Quốc thành kẻ thù, Trung Quốc sẽ thành kẻ thù”.

Ngoài các vấn đề giữa hai nước, Trung Quốc gần đây còn lên tiếng cảnh báo Australia sau khi nước này ký một thỏa thuận quốc phòng mới với Nhật Bản. Thỏa thuận này sẽ cho phép binh sĩ của hai nước hiện diện trên lãnh thổ của nhau để cùng tham gia huấn luyện và những chiến dịch phối hợp.

Thỏa thuận trên cũng có thể dẫn tới sự gia tăng hợp tác quân sự ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đang đối mặt với sự chỉ trích của quốc tế vì các hành động đơn phương và bành trướng ảnh hưởng.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc sau đó đã lên tiếng cảnh báo rằng, Australia và Nhật Bản sẽ “trả giá tương ứng” nếu thỏa thuận quốc phòng mới của họ đe dọa an ninh của Trung Quốc.