1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Australia rút lại quyết định công nhận Tây Jerusalem là thủ đô của Israel

Minh Phương

(Dân trí) - Australia rút lại quyết định công nhận Tây Jerusalem là thủ đô của Israel, cho rằng điều này nên được quyết định thông qua các đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine.

Australia rút lại quyết định công nhận Tây Jerusalem là thủ đô của Israel - 1

Jerusalem được coi là vùng đất thiêng với 3 tôn giáo lớn (Ảnh: Reuters).

Ngoại trưởng Australia Penny Wong hôm nay 18/10 thông báo, chính phủ nước này rút lại quyết định của chính quyền tiền nhiệm về việc công nhận Tây Jerusalem là thủ đô của Israel.

Ngoại trưởng Penny Wong nhấn mạnh, Australia "sẽ luôn là một người bạn kiên định của Israel" và cam kết thực hiện một giải pháp hai nhà nước, trong đó Israel và một nhà nước Palestine trong tương lai cùng tồn tại hòa bình trong các biên giới được quốc tế công nhận.

Tháng 12/2018, trong một động thái đảo ngược chính sách về Trung Đông hàng chục năm qua, chính phủ của cựu Thủ tướng Australia Scott Morrison công nhận Tây Jerusalem là thủ đô của Israel. Tuy nhiên, Australia tuyên bố không chuyển đại sứ quán từ Tel Aviv đến Jerusalem cho đến khi Israel và Palestine đạt được thỏa thuận hòa bình. Trước đó, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Bà Wong cho rằng, quyết định năm 2018 của ông Morrison khiến Australia "lạc lõng với phần lớn cộng đồng quốc tế" và vấp phải sự chỉ trích của Palestine, sự quan ngại của nước láng giềng Indonesia.

"Tôi biết điều này đã gây mâu thuẫn và đau buồn cho một bộ phận cộng đồng người Australia và hôm nay chính phủ đang tìm cách giải quyết vấn đề đó", Ngoại trưởng Wong nói.

Là một thành phố cổ của Trung Đông, nằm trên lưu vực sông giữa Địa Trung Hải và Biển Chết, Jerusalem là một nơi linh thiêng đối với Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo.

Năm 1947, Liên hợp quốc đưa ra một kế hoạch phân chia lãnh thổ với Jerusalem là một thể tách biệt, không thuộc về ai. Kế hoạch nói trên được các nhà lãnh đạo Do Thái chấp thuận nhưng lại bị các nhà lãnh đạo Ả Rập từ chối.

Sau cuộc chiến 6 ngày, Israel giành quyền kiểm soát phía Đông Jerusalem, bao gồm cả khu vực thành phố cổ, và sáp nhập phần đất đai này vào lãnh thổ quốc gia Do Thái vào năm 1980. Bước đi này không nhận được sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế vốn kêu gọi chia sẻ phía Tây Jerusalem làm thủ đô của Israel và thủ đô của nhà nước Palestine ở phía Đông Jerusalem. Theo các nhà phân tích, việc công nhận thủ đô luôn được xem là bước đi cuối cùng trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa người Palestine và Israel.

Theo Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm