1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Kosovo mở Đại sứ quán tại Jerusalem và dư luận quốc tế

Cuối tuần qua Kosovo đã chính thức mở Đại Sứ quán của mình tại thành phố tranh chấp Jerusalem và trở thành lãnh thổ có đa số người Hồi giáo đầu tiên công nhận thành phố này là thủ đô của Israel.

Trong một tuyên bố, cơ quan Ngoại giao Kosovo cho biết lễ khai trương được tổ chức ngắn gọn với sự kiện chính là lá cờ của Kosovo được kéo lên trước tòa nhà trụ sở đại diện. Động thái của Kosovo được cho là một thắng lợi lớn cho những nỗ lực nhằm đạt được sự công nhận toàn cầu về nền độc lập mà Kosovo tuyên bố vào năm 2008 sau cuộc chiến với Serbia vào những năm 1990.

Quyết định của Kosovo đã khiến không chỉ các quốc gia theo đạo Hồi mà cả châu Âu chỉ trích. Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia đầu tiên lên án quyết định của Kosovo khi cho rằng đó là một quyết định đáng tiếc khi nó lại được thực hiện bởi các nhà lãnh đạo của một dân tộc đã từng phải trải qua những đau thương để giành độc lập.

Theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, hành động của các nhà lãnh đạo Kosovo đã vi phạm thỏa thuận tiến trình hòa bình bao gồm các nghị quyết liên quan của Liên Hợp quốc về tình trạng của Jerusalem và phá vỡ hy vọng hòa bình trong khu vực.

Kosovo mở Đại sứ quán tại Jerusalem và dư luận quốc tế - 1

Trụ sở Đại Sứ quán Kosovo tại Jerusalem

Jordan hôm qua cho rằng quyết định của Kosovo là trái luật pháp quốc tế. Theo Bộ Ngoại giao Jordan, bất cứ biện pháp hay quyết định nào nhằm thay đổi tình trạng pháp lý của Jerusalem đều bất hợp pháp và không có giá trị pháp lý.

Trong một thông cáo báo chí, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) hôm qua cũng lên tiếng chỉ trích việc mở văn phòng đại diện Ngoại giao của Cộng hòa Séc và Đại sứ quán của Kosovo tại Jerusalem. Theo Tổ chức này, hành động của Séc và Kosovo đã vi phạm luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Liên Hợp Quốc, đặc biệt là Nghị quyết 478 của Hội đồng Bảo an về việc cấm thiết lập các phái đoàn ngoại giao tại thành phố đang có tranh chấp.

Trong một tuyên bố, Liên minh châu Âu cũng bày tỏ sự không hài lòng đối với quyết định của Kosovo. Người phát ngôn của EU Peter Stano cho biết, quyết định của Kosovo đã đi ngược với quan điểm của EU về vấn đề Jerusalem và đó là một điều đáng tiếc. Theo ông Stano, tình trạng của Jerusalem nên được thống nhất thông qua các cuộc thương lượng giữa các bên liên quan.

Trước đó, ngày 14/3, cơ quan ngoại giao Kosovo cho biết, nước này đã chính thức mở đại sứ quán của mình tại Jerusalem. Trước Kosovo, mới chỉ có Mỹ và Guatemala thành lập Đại sứ quán tại Jerusalem. Đáng chú ý hơn là chưa có quốc gia châu Âu và chưa có quốc gia đa số là người Hồi giáo nào thực hiện điều tương tự.