1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Australia nóng trở lại vụ cho công ty Trung Quốc thuê cảng 99 năm

Đức Hoàng

(Dân trí) - Một số nghị sĩ tại Australia đề nghị chính phủ Thủ tướng Scott Morrison xem xét việc dùng quyền lực để chặn thỏa thuận cho công ty Trung Quốc thuê cảng Darwin trong 99 năm.

Australia nóng trở lại vụ cho công ty Trung Quốc thuê cảng 99 năm - 1

Cảng Darwin ở vùng Lãnh thổ Phía Bắc Australia (Ảnh: Abc.net.au)

Guardian ngày 9/9 đưa tin, Thượng nghị sĩ Concetta Fierravanti-Wells của đảng Tự do tại Australia cho rằng việc lấy lại quyền kiểm soát cảng Darwin từ công ty Trung Quốc Landbridge dường như là một phép thử xem chính quyền của Thủ tướng Scott Morrison có thực sự nghiêm túc về việc duy trì chủ quyền của Canberra hay không.

Các nguồn tin nói rằng, các thượng nghị sĩ từ nhiều vùng và đảng phái  đã lên kế hoạch nêu vấn đề nói trên trong khuôn khổ một cuộc điều tra sắp tới nhằm vào dự luật do chính phủ đề xuất.

Tháng trước, chính phủ của Thủ tướng Morrison tuyên bố sẽ đệ trình lên cơ quan lập pháp một dự luật mới cho phép họ có quyền phủ quyết hoặc hủy bỏ các thỏa thuận mà chính quyền các bang ký với nước ngoài. 

Bà Fierravanti-Wells tin rằng dự luật trên sẽ có sự tin cậy chỉ khi ngay từ đầu, chính phủ Australia sẽ lấy lại quyền kiểm soát cảng Darwin, công trình mà công ty Trung Quốc Landbridge đã được chính quyền Lãnh thổ Phía bắc Australia cho phép thuê trong vòng 99 năm kể từ năm 2015.

Thượng nghị sĩ trên nói với Guardian rằng việc lấy lại quyền kiểm soát cảng Darwin sẽ trở thành biểu tượng trong việc giành lại chủ quyền và đảm bảo việc Australia sẽ không còn “duy trì hiện trạng như bình thường” với Trung Quốc. Bà nhấn mạnh với sự quan trọng chiến lược của cảng Darwin, nó sẽ trở thành một phần trong quá trình cân nhắc của các nhà làm luật thuộc Ủy ban Ngoại giao, Quốc phòng và Pháp luật Thương mại Thượng viện Australia.

Cơ quan trên dự kiến sẽ tổ chức các phiên điều trần như một phần trong cuộc điều tra về dự luật và sẽ báo cáo Thượng viện vào tháng 11.

Kimberley Kitching, một thượng nghị sĩ Công đảng, người đang nắm chức phó chủ tịch ủy ban Pháp luật Thượng viện, nói rằng cuộc điều tra sẽ giúp giải thích “vấn đề rắc rối này”.

“Vì sao chính quyền Lãnh thổ Phía bắc Australia lại cho thuê cảng Darwin trong 99 năm và tại sao chính quyền liên bang khi đó lại đồng ý cho việc này xảy ra và những hậu quả chiến lược nào sẽ xảy đến với những quyết định không thể giải thích? Tôi nghĩ người dân Australia có quyền được biết”, bà Kitching cho hay.

Thượng nghị sĩ Rex Patrick cũng tuyên bố ông đồng ý rằng cuộc điều tra nên xem xét vấn đề cảng Darwin vì nó “liên quan tới một công trình cơ sở hạ tầng quan trọng”.

Trước đó, Thủ tướng Morrison tuyên bố ông muốn “bảo vệ lợi ích chủ quyền quốc gia Australia” khi công bố dự luật mới.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Australia Marise Payne nói rằng cảng Darwin sẽ không cần thiết phải nằm trong nhóm dự án bị ảnh hưởng bởi dự luật mới, vì chính quyền Lãnh thổ Phía bắc Australia ký thỏa thuận với một công ty Trung Quốc, không phải là một tổ chức liên quan tới chính phủ Bắc Kinh. 

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynolds ngày 9/9 nói rằng chính phủ nước này hiện “không có những mối lo ngại an ninh hoặc quốc phòng” liên quan tới thương vụ cảng Darwin.

“Chúng ta không thể quên cảng quốc phòng chính ở Darwin là HMAS Coonawarra chứ không phải cảng Darwin”, bà Reynolds cho hay.