Australia chi 7,4 tỷ USD xây căn cứ cho hạm đội tàu ngầm hạt nhân
(Dân trí) - Chính phủ Australia sẽ chi ít nhất 10 tỷ AUD (7,4 tỷ USD) để xây căn cứ cho hạm đội tàu ngầm năng lượng hạt nhân tương lai của nước này.
Bloomberg đưa tin, chính phủ Australia sẽ chi ít nhất 10 tỷ AUD để xây dựng một căn cứ mới cho các tàu ngầm hạt nhân tương lai của nước này, trong bối cảnh Thủ tướng Australia Scott Morrison muốn cảnh báo về những mối đe dọa tiềm tàng với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Ông Morrison sẽ công bố dự án này trong một bài phát biểu về chính sách đối ngoại ở Sydney vào ngày 7/3. Đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 1990 Australia xây dựng một căn cứ quân sự có quy mô lớn như vậy. Bộ Quốc phòng nước này đã chọn ra 3 phương án về địa điểm ở bờ Đông nước này gồm Newcastle và Port Kembla ở New South Wales, Brisbane ở Queensland.
Theo Bloomberg, trong bài phát biểu ở Viện Lowy, ông Morrison sẽ cảnh báo về việc "Australia sẽ phải đối mặt với môi trường an ninh khó khăn và nguy hiểm nhất trong 80 năm qua".
Tháng 9 năm ngoái, Australia đã ký thỏa thuận an ninh AUKUS với Mỹ và Anh, theo đó Washington và London sẽ hỗ trợ Canberra đóng hạm đội tàu ngầm hạt nhân. Các khí tài này sẽ có thể cho phép Australia tăng cường khả năng triển khai lực lượng trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hiện vẫn chưa có thông báo nào về việc liệu Australia sẽ sử dụng thiết kế của Anh hay Mỹ cho hạm đội tàu ngầm của mình, hay nước này sẽ đào tạo hải quân như thế nào để ứng dụng công nghệ mới.
Trả lời ABC hôm 6/3, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton cho biết, sẽ có thông báo về chương trình tàu ngầm "trong vòng vài tháng tới".
Australia đã có một căn cứ tàu ngầm ở bờ Tây của nước này, nơi có sự hiện diện của hạm đội tàu ngầm lớp Collins đã cũ kỹ. Ông Morrison cho biết căn cứ ở bờ biển Tây sẽ tiếp tục hoạt động ngay cả sau khi cơ sở mới ở bờ Đông hoàn thành.
Giới quan sát nhận định rằng, AUKUS được cho là nhằm đối phó các động thái mở rộng tầm ảnh của Trung Quốc trong khu vực.
Việc Australia tham gia AUKUS đã khiến Trung Quốc không hài lòng. Đại sứ quán Trung Quốc tại thủ đô Washington, Mỹ hồi năm ngoái đã kêu gọi các quốc gia tham gia thỏa thuận này "rũ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh và định kiến ý thức hệ". Phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc Liu Pengyu cho rằng các nước "không nên thiết lập nên các khối nhằm mục tiêu hoặc gây tổn hại đến lợi ích của các bên thứ ba".