1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

ASEAN cần giữ vai trò trung tâm trong đàm phán COC

Các đại biểu khẳng định ASEAN cần giữ vai trò trung tâm trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông - COC với Trung Quốc.

Ngày 20/6, tại Thủ đô Bangkok, Thái Lan, Trung tâm Đức – Đông Nam Á về chính sách công và quản trị (CPG), thuộc Đại học Thammasat phối hợp với tổ chức Quỹ Quản trị Châu Á (AGF) đã tổ chức Hội thảo quốc tế về Biển Đông với chủ đề “Đàm phán Bộ quy tắc ứng xử - COC trên Biển Đông dưới góc độ nguồn lực về quân sự và hải dương”.

ASEAN cần giữ vai trò trung tâm trong đàm phán COC - 1

Toàn cảnh hội thảo.

Tại hội thảo, các học giả đều nhận định Biển Đông là vùng biển có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Biển Đông chứa đựng một lượng lớn dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, đồng thời là một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất trên thế giới.

Về thương mại, khoảng 30% tổng thương mại toàn cầu đi qua Biển Đông, bao gồm gần như toàn bộ hoạt động vận chuyển dầu thô ở Đông Á, làm cho vùng biển này trở thành tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới. Kiểm soát hàng hải tại Biển Đông trở thành một trong những mối quan tâm chính, không chỉ của các nước có tranh chấp mà của các cường quốc lớn trên thế giới.

Tham luận và phát biểu của các diễn giả tại Hội nghị đã xoay quanh các nhóm vấn đề cơ bản là hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông của Trung Quốc, việc không tuân thủ luật pháp quốc tế về biển, mặt chính sách cũng như trên thực địa, bàn luận về những tác động ảnh hưởng của hoạt động quân sự hóa cũng như khai thác tài nguyên thiên nhiên trên Biển Đông đối với việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông – COC.

Tiến sỹ Li-Nan thuộc Viện Đông Á, Đại học Quốc gia Singapore tham luận theo chủ đề “Tăng cường sức mạnh quân sự ở Biển Đông, những tác động chủ yếu và giải pháp khắc phục”.

Ông Li đã trình bày báo cáo khoa học về thực trạng tăng cường sức mạnh quân sự ở khu vực, trong đó, Trung Quốc nhiều năm qua đã ráo riết tiến hành hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông, cải tạo các đảo, bãi đá chiếm đóng và triển khai, cũng như thử nghiệm nhiều khí tài hiện đại như tên lửa liên lục địa, tàu ngầm, thành lập căn cứ hậu cần chiến lược trên Biển Đông.

Theo tiến sỹ thuộc Đại học Quốc gia Singapore, sự gia tăng sức mạnh quân sự ở Biển Đông sẽ có tác động rất lớn đến bối cảnh chính trị, an ninh, làm trầm trọng thêm sự cạnh tranh về an ninh tại khu vực, gây ra các cuộc sự chạy đua vũ trang, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường an ninh và ổn định trên biển Đông.

Để phần nào giải quyết vấn đề, tiến sỹ Li đưa ra ý kiến rằng các nước trong khu vực cần khai thác tốt các yếu tố vốn có, cũng như xây dựng các cơ chế mới để giảm thiểu tác động tiêu cực từ vấn đề trên. Trong đó, ASEAN cần phải xây dựng, hoàn thiện vai trò trung tâm của mình, đồng thời đẩy nhanh kết thúc quá trình đàm phán về một bộ quy tắc xứng xử trên Biển Đông (COC).

Một COC hoàn chỉnh, toàn diện sẽ tạo ra hành lang pháp lý cho các chủ thể khu vực hành xử một cách trách nhiệm trên cơ sở luật pháp quốc tế, góp phần duy trì hoà bình và ổn định khu vực. Ngoài ra, ASEAN cũng cần vận dụng những cơ chế đang tồn tại như Quy tắc về tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES).

Diễn giả đến của Philippines, Tiến sỹ Ma. Carmen Ablan-Lagman từ Trung tâm Khoa học và Nghiên cứu tự nhiên (CENSER) thuộc Đại học De La Salle, đã tham luận về nguồn tài nguyên biển khu vực, nhấn mạnh sự suy thoái về môi trường ở Biển Đông và hậu quả đối với khu vực.

Theo bà Ablan-Lagman, các hoạt động đánh bắt tận diệt và bồi đắp các bãi đá, san hô đã tác động nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, huỷ hoại môi trường sống của các loài hải sản và sinh vật biển.

Kết thúc hội thảo, đa số đại biểu đã nhất trí bày tỏ lo ngại về diễn biến tình hình Biển Đông hiện nay, cho rằng hoạt động của các nước lớn sẽ tác động mạnh đến diễn biến tình hình trên Biển Đông và khẳng định ASEAN cần giữ vai trò trung tâm trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông – COC với Trung Quốc.

Theo Quang Trung

VOV