Moscow cáo buộc Mỹ tính mở "mặt trận thứ 2" chống lại Nga
(Dân trí) - Nga cáo buộc Mỹ đang tìm cách mở "mặt trận thứ 2" chống lại Nga ở khu vực Nam Caucasus.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin cáo buộc Mỹ từ lâu đã mong muốn mở "mặt trận thứ 2" chống lại Moscow ở Nam Caucasus bằng cách can thiệp vào các vấn đề khu vực.
Cáo buộc của ông Galuzin được đưa ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga và Mỹ đang ở mức thấp chưa từng có do chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine.
Trong một cuộc phỏng vấn với RIA Novosti, nhà ngoại giao cấp cao đã nhắc về căng thẳng giữa 2 nước Liên Xô cũ Armenia và Azerbaijan kéo dài hàng chục năm liên quan tới khu vực Nagorno - Karabakh (Azerbaijan hiện định danh khu vực là Karabakh).
Chính quyền ly khai thân Yerevan đã chính thức bị giải thể vào tháng 9 sau một chiến dịch quân sự quy mô lớn thành công của Azerbaijan tại vùng đất chủ yếu là người gốc Armenia sinh sống.
Ông Galuzin nhấn mạnh rằng việc có ký hiệp ước hòa bình để chấm dứt xung đột từ đầu những năm 1990 hay không là tùy thuộc vào hai nước.
Tuy nhiên, ông khẳng định rằng Nga "không thể thờ ơ với những gì đang xảy ra ở Nam Caucasus", đồng thời nhắc lại rằng Moscow có mối quan hệ văn hóa và lịch sử rất chặt chẽ với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và phản đối bất kỳ sự can thiệp nào của nước ngoài vào khu vực.
Ông cáo buộc Mỹ không giấu ý định coi Nam Caucasus là bàn đạp để mở "mặt trận thứ 2" chống lại Nga. Ông cho rằng điều này về cơ bản mâu thuẫn với lợi ích thực sự của người dân trong khu vực.
Ông nhấn mạnh chỉ các nước trong khu vực mới có thể xác định được tương lai của mình, đồng thời cho rằng không có quốc gia bên ngoài nào có thể mang lại hòa bình và ổn định ở đó.
"Đặt cược vào sự trợ giúp kỳ diệu của phương Tây là ảo tưởng và nguy hiểm", ông Galuzin cảnh báo, cho rằng sự can thiệp của phương Tây vào Iraq, Afghanistan, Libya, Syria, Ukraine và khu vực ly khai Kosovo của Serbia đều mang lại kết quả tiêu cực.
Phát biểu của ông Galuzin đến trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga và Armenia - vốn vẫn là đồng minh của Moscow trong Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) - đã trở nên xấu đi trong thời gian qua.
Armenia tỏ ra không hài lòng với Nga vì cho rằng Moscow chưa có các động thái đủ mạnh mẽ hỗ trợ đồng minh CSTO trong cuộc xung đột với Azerbaijan ở Nagorno - Karabakh.
Sau khi Baku giành lại quyền kiểm soát Nagorno - Karabakh, Yerevan cũng cáo buộc lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đã không bảo vệ được người gốc Armenia ở vùng đất này. Trong khi đó, Nga khẳng định lực lượng của họ chỉ làm đúng theo các điều khoản của lệnh ngừng bắn giữa Armenia và Azerbaijan.
Trong thời gian qua, Moscow ngày càng bày tỏ sự thất vọng với Thủ tướng Nikol Pashinyan, người từng công khai nói rằng chính sách chỉ dựa vào Nga để đảm bảo an ninh của Armenia là một sai lầm.
Armenia cũng theo đuổi mối quan hệ quân sự chặt chẽ hơn với Mỹ, bao gồm cả việc tổ chức các cuộc tập trận chung.
Quốc hội Armenia ngày 3/10 phê chuẩn quy chế thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). Động thái này vấp phải phản ứng từ Nga vì ICC từng phát lệnh bắt giữ Tổng thống Vladimir Putin.
Điện Kremlin cho rằng quyết định của Armenia là "sai lầm" và họ sẽ đặt ra câu hỏi đối với "bộ máy lãnh đạo hiện tại" của Armenia.