1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Ankara tiếp tục ngấm đòn: Nga cắt ưu đãi 10,25% giá gas

Theo tin mới nhất từ truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, Tập đoàn khí đốt Nga “Gazprom” đã hủy bỏ mức giá ưu đãi cho các khách hàng nước này.

Nga chấm dứt ưu đãi giá khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ

Hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ “Anadolu” ngày 29-1 đưa tin, Tập đoàn khí đốt nhà nước của Nga là “Gazprom” đã hủy bỏ ưu đãi về giá bán gas là giảm 10,25% cho sáu công ty Thổ Nhĩ Kỳ, với khối lượng tổng cộng tới 10 tỷ mét khối khí đốt.

Các đại diện của Tập đoàn “Gazprom” tuyên bố với hãng tin rằng, mức giá ưu đãi được Nga áp dụng cho các công ty khí đốt Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 năm 2015 sẽ bị đình chỉ vô thời hạn, nó chỉ có thể được phục hồi sau khi bình thường hóa quan hệ giữa Moscow và Ankara.

Vào thời điểm cuối năm 2014, đầu năm 2015, quan hệ giữa hai nước là vô cùng tốt đẹp khi Nga hủy bỏ dự án “Dòng chảy phương Nam” và ký kết xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” với Ankara vào ngày 1 tháng 12 năm 2014.

Công ty dầu khí quốc gia "Gazprom" của Nga và công ty dầu khí quốc doanh Botas của Thổ Nhĩ Kỳ đã ký biên bản ghi nhớ về việc xây dựng đường ống dẫn khí công suất 63 tỷ mét khối/năm từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ đi qua biển Đen.

Nga tiếp tục đưa ra đòn trừng phạt khí đốt với Thổ Nhĩ Kỳ
Nga tiếp tục đưa ra đòn trừng phạt khí đốt với Thổ Nhĩ Kỳ

Tuyến đường ống chiều dài 1100 km với 4 ống chạy song song sẽ cung cấp 63 tỷ m3 khí đốt mỗi năm, trong đó, nó sẽ chuyển một trung tâm khí đốt tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp để chuyển tiếp tới châu Âu 47 tỷ m2 khí đốt cho đến năm 2020.

Gazprom đã chi 271 tỷ ruble (5 tỷ USD) trong giai đoạn 2013 - 2014 để tiến hành nâng cấp hệ thống đường ống tại nội địa, đã được lắp đặt ban đầu trong dự án “Dòng chảy phương Nam”, sau đó chúng sẽ được kết nối với các đường ống mới trong dự án “đầy hứa hẹn” với Thổ Nhĩ Kỳ.

Do mong muốn thúc đẩy dự án này, Moscow đã đưa ra ưu đãi lớn với Thổ Nhĩ Kỳ, với hy vọng thỏa thuận liên chính phủ về đường ống dẫn khí mới này ​​sẽ được ký kết trong quý hai năm 2015 và lượng khí đốt đầu tiên được cung cấp vào tháng 12 năm 2016.

Gazprom đã đưa ra mức giá trung bình cho châu Âu và cả Thổ Nhĩ Kỳ năm 2015, sẽ là 242 USD/1.000 m3. Tuy nhiên, vào tháng 2-2015, Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu được giảm 10,25% giá khí đốt do Nga cung cấp và tiếp tục gây áp lực để được giảm giá hơn nữa.

Nga đã đình chỉ đàm phán dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”
Nga đã đình chỉ đàm phán dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”

Ankara dựa vào việc Moscow đã chấm dứt dự án “Dòng chảy phương Nam” để ép Nga phải thỏa thuận một mức giá mới có lợi hơn. Và ông Putin đã đồng ý giảm giá tiếp cho nước này thêm 6% nữa, để hy vọng nhận được cái gật đầu chấp thuận của chính quyền Erdogan.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán kéo dài từ tháng 4 cho đến giữa tháng 5-2015, công trình xây dựng tuyến đường ống "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" vẫn tiếp tục bị trì hoãn bởi tình hình cuộc đàm phán kéo dài giữa tập đoàn Nga Gazprom và tập đoàn Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Botas.

Thổ Nhĩ Kỳ chỉ đồng ý về tỷ lệ ưu đãi giảm giá khí đốt, nhưng lại không chấp thuận đề xuất của Nga về một số yếu tố khác của hợp đồng sẽ ký kết. Cuộc đàm phán kéo dài hơn 1 tháng rưỡi đã hoàn toàn bế tắc, do đó, Moscow vẫn chỉ cho Ankara hưởng mức ưu đãi là 10,25%.

Tuy nhiên, sau khi Nga quyết định chấm dứt đàm phán về dự án "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ", Moscow đã tiếp tục “ra đòn” về mức giá bán khí gas đối với Ankara, bất kể là chính quyền Erdogan đang có dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng.

Thổ Nhĩ Kỳ thiệt hại nặng nề vì bị Nga trừng phạt

Quan hệ giữa hai nước đã xấu đi sau khi Nga can thiệp quân sự vào Syria, phá vỡ những dự định của chính phủ Erdogan với chính quyền Assad, và trở nên cực kỳ căng thẳng sau vụ máy bay tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay ném bom tiền tuyến Su-24 của Nga trên lãnh thổ Syria, vào ngày 24-11-2015.

Ngay sau đó, Nga đã cắt đứt hoàn toàn các liên hệ chính trị, ngoại giao và quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế, chấm dứt các dự án hợp tác như “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” hay kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Mersin trên bờ biển Địa Trung Hải.

Những biện pháp trừng phạt của Nga sẽ tác động rất lớn đến kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ. Số liệu của IMF cho biết, Moscow là đối tác thương mại lớn thứ hai của Ankara, chỉ đứng sau Berlin. Năm 2014, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhập siêu lên tới 25 tỷ USD hàng hóa các loại từ Nga.

Các lệnh trừng phạt của Moscos đã khiến Ankara bị thiệt hại nặng nề. Trước tiên, Nga đã đình chỉ đàm phán dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”, chấm dứt dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Akkuyu thuộc tỉnh Mersin, nằm ven bờ Địa Trung Hải, có tổng vốn đầu tư lên tới 20 tỷ USD.

Du khách Nga tắm biển ở khu du lịch tỉnh Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ
Du khách Nga tắm biển ở khu du lịch tỉnh Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ

Ngành du lịch và xuất khẩu nông sản của nước này cũng chịu thiệt hại nặng nề: Gần 4,5 triệu khách du lịch Nga không đến Thổ Nhĩ Kỳ, nông dân và các doanh nghiệp nông sản nước này phá sản, hàng loạt khách sạn của các tổ chức và cá nhân Thổ Nhĩ Kỳ trên đất Nga bị đóng cửa.

Hơn nữa, cuộc chiến thông tin mà Nga đang tiến hành đã khiến uy tín của Thổ Nhĩ Kỳ trở nên sa sút thảm hại với những cáo buộc buôn lậu dầu với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS, hậu thuẫn cho các nhóm phiến quân Syria lật đổ chính quyền Assad, tàn sát người Kurd…

Hiện nay, Nga đã bắt đầu vận dụng con bài có giá trị khác là giá khí đốt. Nga không đình chỉ các hợp đồng cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ bởi như vậy sẽ bị phạt vi phạm hợp đồng mà chỉ cắt những ưu đãi về giá cả, khiến các doanh nghiệp nước này chịu thiệt hại nặng nề.

Về năng lượng, Ankara đứng hàng thứ hai trong số danh sách khách hàng tiêu thụ khí đốt tự nhiên của Nga (chỉ sau Đức). Hơn một nửa lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ là từ Nga, con số này vào năm 2014 khoảng 27 tỉ mét khối.

Những đòn trừng phạt của và cuộc chiến thông tin của Nga sẽ làm suy yếu uy tín đảng cầm quyền và cá nhân Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan
Những đòn trừng phạt của và cuộc chiến thông tin của Nga sẽ làm suy yếu uy tín đảng cầm quyền và cá nhân Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan

Phần lớn lượng khí đốt này được chuyển qua đường ống nằm sâu dưới Biển Đen, được gọi là Blue Stream (Dòng chảy Xanh), và phần còn lại thông qua Ukraine và các nước vùng Balkans.

Với quyết định mới nhất của Nga, các doanh nghiệp năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gánh chịu thiệt hại nặng nề, giá bán khí đốt cho dân chúng nước này cũng sẽ tăng lên trong thời gian tới nếu Ankara không tìm được nguồn nhập khí gas giá rẻ thay thế hoặc trợ giá.

Vấn đề quan trong hơn là các đòn trừng phạt của Nga như nông sản, du lịch, khí gas đều có những tác động rất xấu đến đời sống tầng lớp bình dân nước này, có thể gây ra những biến động tâm lý lớn trong đời sống xã hội, gia tăng tâm lý bất mãn với chính quyền Erdogan.

Cùng với cuộc chiến tranh thông tin đầy hiệu quả, những đòn trừng phạt này có thể dẫn tới sự suy yếu đáng kể uy tín của đảng cầm quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ là Đảng Công lý và Phát triển” (AKP) và cả cá nhân Tổng thống Recep Tayip Erdogan, gia tăng sự phản kháng trong các tầng lớp xã hội.

Theo Thiên Nam

Đất Việt