Quan hệ Nga-Thổ: Không thể phục hồi, nhưng sẽ không leo thang
Quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ đang ở tình trạng đối đầu căng thẳng sau vụ Ankara bắn hạ máy bay Su-24 của Nga. Mối liên hệ song phương này sẽ đi theo hướng nào, khi mà kịch bản hồi phục hoàn toàn còn ở rất xa?
Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ tại Hội nghị Thượng đỉnh G20. (Ảnh: AP)
Khủng hoảng Nga – Thổ Nhĩ Kỳ leo thang thành thế đối đầu sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Ankara. Không những vậy, ông chủ điện Kremlin còn từ chối gặp người đồng cấp Recep Tayyip Erdoğan bên lề Hội nghị thượng đỉnh biến đổi khí hậu toàn cầu ở Paris. Trong tình thế đó, quan hệ giữa Moskva và Ankara có thể đi theo 4 kịch bản sau:
Leo thang căng thẳng: Không thể loại trừ khả năng này, khi mà vẫn tiềm ẩn nguy cơ đụng đội giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tại vùng trời ở khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria liên quan đến chiến dịch không kích của Nga. Nó có thể biến thành hiện thực nếu Ankara tiếp tục hậu thuẫn cho lực lượng Turkmen đối lập ở Syria, còn Nga thì gia tăng các đòn không kích nhằm vào các vị trí của nhóm này cũng như các phái đối lập thân Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria. Một vài yếu tố chính trị, ví như Ankara quyết định “cấm cửa” tàu bè Nga qua lại eo biển Bosporus, cũng có thể là đốm lửa làm bùng phát leo thang. Bất kì một diễn biến nào theo kịch bản này đều sẽ dẫn đến những hệ quả quân sự không thể lường trước được.
Đóng băng: Hai bên vẫn theo đuổi quan điểm như hiện nay, tiếp tục có những màn đấu khẩu mang màu sắc chính trị, nhưng sẽ không có thêm các hành động thực tế làm phức tạp thêm tình hình. Rõ nhất sẽ là việc Nga dừng các chuyến bay dọc không phận Syria – Thổ Nhĩ Kỳ và Ankara ngừng hỗ trợ phái người Turkmen, đóng cửa biên giới để hạn chế việc qua lại tự do của các phần tử cực đoan thuộc Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, cùng với đó là việc vận chuyển vũ khí, đạn dược của quân khủng bố. Trên bình diện ngoại giao, khả năng này đồng nghĩa với việc hai nước sẽ không có thêm bất kì đòn cấm vận trả đũa nhau.
Cải thiện: Cả Ankara và Moskva, thông qua bên trung gian có liên hệ mật thiết với khả hai (Azerbaijan và Kazakhstan được cho là đang có bước đi giáp nối), đồng ý tiến hành tiếp xúc thường xuyên nhằm khôi phục lại các kênh liên lạc, ít nhất là ở cấp quân sự và ngoại giao. Một vài lệnh cấm vận sẽ được dần rỡ bỏ. Để hiện thực hóa kịch bản này, phía Thổ Nhĩ Kỳ cần phải tìm ra một ngôn ngữ mới để thay thế cho cách nói “lấy làm tiếc” mà Ankara đã dùng trong vụ bắn hạ máy bay Nga hôm 24/11.
Phục hồi: Để điều này xảy ra, cần phải có các cuộc gặp ở cấp cao nhất giữa hai nhà lãnh đạo Putin và Erdoğan. Sau cuộc tiếp xúc như vậy, Moskva có thể sẽ tuyên bố rỡ bỏ các lệnh cấm vận đã dựng lên trước đó. Hai bên khởi động tiến trình hợp tác trong vấn đề Syria, trên hàng loạt các vấn đề liên quan đến nghị trình chính trị và quân sự. Thêm một điều kiện cần nữa ở kịch bản này: Đó là các bên liên quan phải có được lòng tin ở mức cao, được kiểm soát bởi một cơ chế hợp tác thực chất giữa Nga với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Đóng băng sẽ là xu hướng trước mắt
Việc leo thang đối đầu sẽ đem đến nhiều hệ quả xấu cho cả hai. Với Nga, khi mà nền kinh tế còn chưa thoát khỏi khủng hoảng, những bước đi theo hướng này có thể sẽ làm gia tăng thêm sức ép về ngân sách. Moskva sẽ phải tự chịu mức phí tổn khi chấp nhận mối đe dọa đụng độ thường trực với các lực lượng không quân nước ngoài. NATO thì sẽ buộc phải tăng cường hỗ trợ cho Ankara. Về phần mình, gia tăng đối đầu với Moskva khiến Thổ Nhĩ Kỳ chịu thiệt hại nặng nề, nhất là khi nước này phụ thuộc khá lớn vào Nga về hoạt động thương mại, cung ứng năng lượng. Châu Âu cũng sẽ buồn rầu với bước đi mạo hiểm này và chắc chắn sẽ khó chịu ra mặt với Ankara.
Leo thang không kích của Nga nhằm vào lực lượng Turkmen cũng sẽ làm gia tăng dòng người chạy nạn từ Syria sang Thổ Nhĩ Kỳ, đẩy Ankara vào thế khó khăn mới trong cuộc khủng hoảng di cư, khi mà hiện nay đã phải căng sức tiếp nhận hơn 2,5 triệu người tị nạn.
Kịch bản hồi phục khó có thể xảy ra trong tương lai gần. Sau khi áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế và liên tục có các cuộc chiến ngôn từ nhằm vào nhau, sẽ rất khó để một bên nào đó sớm có bước đi thoái lui, vì cả hai đều hiểu đây là biểu hiện của sự yếu đuối. Hơn thế, tranh cãi giữa Moskva và Ankara có nguồn gốc xâu xa từ những diễn biến ở Syria, nhất là về tương lai của Tổng thống Bashar al-Assad.
Cuối cùng, phải thừa nhận rằng sau những màn khẩu chiến căng thẳng, chẳng bên nào thu được lợi ích gì từ việc hủy hoại con đường đi tới thỏa hiệp. Với Thổ Nhĩ Kỳ, việc chọc giận để “gấu Nga” buộc phải cất tiếng gầm sẽ đưa lại những kết cục xấu, chưa biết đến mức nào. Còn về phía Nga, việc cùng lúc mở hai mặt trận chống khủng bố IS và chống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không phải là quyết định khôn ngoan. Vì lẽ đó, kịch bản hiện thực nhất là quan hệ Nga - Thổ trước mắt sẽ bước vào giai đoạn đóng băng.
Theo Hoài Thanh/RI, RD)
http://baotintuc.vn/the-gioi/quan-he-ngatho-khong-the-phuc-hoi-nhung-se-khong-leo-thang-20151204105947849.htm