Ảnh vệ tinh có thể hé lộ tàu ngầm hạt nhân mới của Trung Quốc
(Dân trí) - Những hình ảnh vệ tinh mới nhất có thể tiết lộ tàu ngầm hạt nhân mới nhất của Trung Quốc.
Reuters đưa tin, sau khi phân tích hình ảnh vệ tinh, giới chuyên gia quân sự cho biết một tàu lạ được nhìn thấy tại một xưởng đóng tàu ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc có thể là một tàu ngầm hạt nhân tấn công mới hoặc phiên bản nâng cấp của một tàu ngầm hạt nhân sẵn có trong biên chế Hải quân Trung Quốc.
Trong hình ảnh được cung cấp bởi nhà cung cấp dịch vụ ảnh vệ tinh Planet Labs, một tàu ngầm đã được nhìn thấy trên ụ nổi tại xưởng đóng tàu Hồ Lô Đảo tại tỉnh Liêu Ninh. Theo đó, con tàu này có chiều dài khoảng 110 m và rộng khoảng 10 m. Hai cặp cánh tà điều khiển được gắn thêm ở phía trước tàu. Theo dữ liệu của Planet Labs, tàu ngầm này được đưa lên khỏi mặt nước trong khoảng thời gian từ ngày 24/4 đến 4/5.
Tàu ngầm trên ngay lập tức gây sự chú ý của giới chức ngoại giao và các nhà phân tích quân sự trên toàn thế giới vì trong một báo cáo vào tháng 11 năm ngoài, Lầu Năm Góc cho biết Hải quân Trung Quốc đang có kế hoạch chế tạo một tàu ngầm tấn công mới với ống phóng thẳng đứng dùng cho tên lửa hành trình. Các ống phóng thẳng đứng sẽ tăng thêm đáng kể tính linh hoạt và sức mạnh cho tàu ngầm Trung Quốc vì giúp nó mang theo nhiều tên lửa hơn.
Theo học giả Collin Koh từ Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, giới chuyên môn đang rất quan tâm đến khả năng tàu ngầm này thuộc về một lớp tàu ngầm hạt nhân "sát thủ" mới sử dụng ống phóng thẳng đứng của Hải quân Trung Quốc.
"Hình ảnh vệ tinh vẫn còn hạn chế để có thể xác nhận xem đây có phải là một lớp tàu ngầm hoàn toàn mới không, hay chỉ là phiên bản nâng cấp của một tàu ngầm có sẵn", ông Koh nói.
Ông Koh cũng cho biết, ông và các chuyên gia quân sự khác đang phân tích các hình ảnh vệ tinh có được để kiểm tra xem tàu ngầm ở xưởng đóng tàu Hồ Lô Đảo này có chuyển sang sử dụng động cơ bơm nước phản lực thay cho động cơ chân vịt thông thường hay không.
Hải quân Trung Quốc đang nỗ lực chế tạo các tàu ngầm tấn công hạt nhân để giải quyết một loạt các nhu cầu tiềm tàng ngày càng tăng, từ việc bảo vệ các tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân và các nhóm tác chiến tàu sân bay cho đến theo dõi các tàu của đối phương trong khu vực.