1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

WHO chỉ trích các nước giàu vội vã tiêm mũi vắc xin tăng cường

Minh Phương

(Dân trí) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ trích việc các nước giàu vội vã triển khai hoặc sắp triển khai tiêm chủng vắc xin Covid-19 mũi tăng cường trong khi hàng triệu người trên thế giới chưa được tiêm.

WHO chỉ trích các nước giàu vội vã tiêm mũi vắc xin tăng cường - 1

Một phụ nữ tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 tại Mỹ (Ảnh: Reuters).

"Chúng ta đang dự định cung cấp thêm phao cứu sinh cho những người đã có phao cứu sinh, trong khi để những người khác đuối nước vì không có phao cứu sinh nào. Thực tế là chúng ta đang phát những chiếc phao cứu sinh thứ hai cho người đã có, trong khi hàng triệu, hàng triệu người không có chiếc nào", Giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan nói với các phóng viên ngày 18/8.

Bình luận trên được đưa ra không lâu trước khi giới chức Mỹ thông báo, tất cả người Mỹ đã tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 sẽ sớm được tiêm liều tăng cường từ tháng 9 tới.

Giới chức Mỹ cho rằng, vắc xin vẫn có hiệu quả cao trong việc giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong do Covid-19, nhưng hiệu quả có thể giảm dần theo thời gian, do vậy họ quyết định cấp phép tiêm bổ sung từ ngày 20/9 cho toàn bộ người Mỹ đã tiêm đầy đủ 2 mũi cách đó 8 tháng. Mỹ trước đó đã cấp phép tiêm mũi tăng cường cho những người suy giảm miễn dịch.

Các chuyên gia của WHO cho biết, hiện chưa có đủ bằng chứng khoa học để khẳng định tiêm liều tăng cường là cần thiết, đồng thời cho rằng việc triển khai tiêm bổ sung trong bối cảnh nhiều người chưa có vắc xin để tiêm là một vấn đề về đạo đức.

Đầu tháng này, WHO đã kêu gọi các nước giàu hoãn tiêm chủng bổ sung để giảm bớt tình trạng mất cân bằng nguồn cung vắc xin hiện nay, tạo thêm cơ hội cho các nước thu nhập thấp và trung bình tiếp cận vắc xin.

Bất chấp những kêu gọi này, nhiều nước đã hoặc sắp triển khai tiêm mũi vắc xin tăng cường cho người dân. Trong đó, Israel bắt đầu tiêm mũi thứ 3 cho người trên 50 tuổi, Mỹ, Anh, Đức dự kiến triển khai từ tháng 9.

Tình trạng mất cân bằng nguồn cung vắc xin càng trở nên đáng lo ngại hơn khi hiện nay thế giới đang phải chật vật đối phó với biến chủng Delta, một biến chủng của SARS-CoV-2 dễ lây lan hơn và có thể dễ né miễn dịch hơn. Tại châu Phi, theo WHO, hiện chưa đến 2% dân số được tiêm chủng đầy đủ.