1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Anh được và mất gì khi rời khỏi EU?

Nếu 55 triệu người Anh bỏ phiếu nói "có" với Brexit (tức là đồng ý tách khỏi Liên minh châu Âu - EU) thì xứ sở sương mù sẽ được hay mất những gì? Liệu Anh có thịnh vượng hơn khi tách mình khỏi EU?

Thủ tướng Anh David Cameron mới đây đã lên tiếng tuyên bố rằng Anh sẽ thiệt hại cả về kinh tế và chính trị nếu quyết định rút khỏi EU.

Phe phản đối Brexit cho rằng, nếu "chia tay" EU, Anh sẽ bước vào "một thập niên bất ổn". Quả thật, nếu nước Anh rời khỏi ngôi nhà chung EU, thiệt hại về kinh tế có thể xem là lớn nhất.

Theo những tính toán được đưa ra, kinh tế Anh sẽ tuột dốc trong 5 năm tới, chịu tổn thất đến 100 tỷ bảng - tương đương 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn thứ ba EU, GDP sẽ giảm 4-10% do thất thu về thương mại và tài chính, đồng bảng mất giá 20%, gần 1 triệu người lao động mất việc làm do hàng trăm doanh nghiệp rời khỏi Vương quốc Anh...

Một ước tính mới đây cho thấy, mỗi người Anh sẽ mất 3.200USD khi không còn được nhận hỗ trợ thuế. Việc chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu sẽ tăng lên vì đồng bảng mất giá. Đặc biệt, do London được coi là “lá phổi", là "trái tim" tài chính của châu Âu nên việc rời EU sẽ khiến Anh mất đi vai trò trọng yếu của một trung tâm tài chính và lợi thế là cánh cổng kết nối thị trường thế giới với châu Âu.

Chính phủ Anh đang nỗ lực thuyết phục cử tri từ chối rời khỏi Liên minh châu Âu. Ảnh: AP
Chính phủ Anh đang nỗ lực thuyết phục cử tri từ chối rời khỏi Liên minh châu Âu. Ảnh: AP

Một trong những lợi ích lớn nhất khi là thành viên của EU là thương mại tự do giữa các quốc gia trong khối. Mậu dịch tự do giúp các công ty Anh xuất khẩu hàng hóa dễ dàng hơn, với chi phí rẻ hơn các nước khác ở châu Âu. Theo nhiều lãnh đạo trong giới doanh nghiệp, lợi ích này có thể đã mang lại hàng tỷ bảng cho các công ty xuất khẩu. Nhưng nếu rời EU, nước Anh sẽ phải đối mặt với rủi ro mất đi sức mạnh quốc tế khi rời khỏi một liên minh thương mại vững mạnh.

Trong khi đó, việc tự do đi lại trên toàn EU đã mở ra hàng loạt những cơ hội việc làm cho người lao động Anh và khiến các công ty Anh dễ dàng tuyển dụng lao động từ các nước EU khác. Rời EU đồng nghĩa với việc nước Anh phải tự xoay xở trong biên giới của chính mình. Theo giáo sư A.Pha-ven (Adrian Favell), chuyên ngành xã hội học tại Trung tâm Nghiên cứu châu Âu, kịch bản Brexit sẽ hạn chế cơ hội những cá nhân tốt nhất ở châu Âu tới Anh làm việc.

Tầm ảnh hưởng về quân sự của nước Anh cũng có thể sẽ bị tổn hại. Mỹ sẽ không còn coi Anh là một đồng minh quan trọng như hiện nay nếu Anh tách khỏi châu Âu. Ở một kịch bản tệ hơn, xứ sở sương mù có thể sẽ tự cô lập mình, trở thành một “kẻ ngoại đạo” ở châu Âu, tham gia hạn chế vào thị trường chung, gần như không có tầm ảnh hưởng và có rất ít đồng minh.

The Economist cho rằng, nếu rời đi, nước Anh vẫn sẽ chịu tác động của hàng loạt các vấn đề chính trị và kinh tế châu Âu, nhưng sẽ không còn giữ được vị thế của mình trên bàn đàm phán để quyết định những vấn đề có tầm ảnh hưởng lớn.

Bên cạnh đó, rời khỏi EU cũng đồng nghĩa với việc Anh phải "làm lại từ đầu" trong hàng loạt lĩnh vực, điều này đẩy London vào thời kỳ xáo trộn. Chính phủ Anh cảnh báo rằng khi người dân chọn con đường "dứt áo ra đi," Anh có thể sẽ phải mất tới 10 năm để giải quyết mọi vấn đề.

Trong khi đó, những người ủng hộ Brexit cũng có những “con át chủ bài” riêng. Với những lập luận như bị cản trở bởi những chính sách cứng nhắc của EU, nguy cơ bị tấn công khủng bố tăng cao, mai một bản sắc văn hóa riêng biệt và lâu đời của một đế chế đảo quốc, những người không còn mặn mà với ngôi nhà chung EU lại tin rằng "xứ sở sương mù” sẽ tự do hơn và tự chủ hơn nếu ra khỏi EU.

Những người ủng hộ Anh ở lại EU cũng phải thừa nhận rằng Anh chỉ có thể “hùng mạnh, an toàn và thịnh vượng hơn trong một EU đã được cải cách”. Tuy nhiên, EU cải cách ra sao và bao giờ mới được cải cách thì vẫn còn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Một nước Anh không bị ràng buộc bởi các quy định cứng nhắc trong EU, không phải chịu hậu quả từ những bất ổn và bê bối xảy ra ở các nước thành viên khác, có quyền quyết định mọi vấn đề mà không cần sự đồng ý của 27 nước khác... là viễn cảnh được không ít người dân Anh hy vọng khi nước này rời khỏi EU. Hơn thế nữa, Anh vẫn có vị thế là nước ủy viên thường trực HĐBA LHQ và thành viên Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu.

Một điều không thể phủ nhận là khi rời EU, Anh sẽ tự chủ hơn trong việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do với các nước ngoài EU chứ không phải chịu những luật lệ và quy định phức tạp của khối.

The Economist cho rằng, nếu Anh có thể đàm phán một hiệp định thương mại tự do với châu Âu, GDP có thể sẽ tăng 1,6%. Hơn nữa nếu rời đi, nước Anh sẽ không còn phải chi 8,5 tỷ bảng đóng góp vào ngân sách của mái nhà chung EU. Sự cạnh tranh công ăn việc làm của người dân Anh với những người nhập cư không còn khốc liệt như trước. Anh sẽ cũng được xem là một nơi trú ẩn an toàn để tránh xa những rủi ro về tài chính tại châu Âu, sẽ là nơi thu hút giới đầu tư và đẩy giá trị đồng bảng Anh tăng mạnh.

Cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế hiện đang có những tác động không nhỏ đến tư tưởng và sự quyết định của người dân Anh đối với vấn đề Brexit. Hiện phần lớn người dân Anh đang lo ngại rằng nếu như Anh vẫn là thành viên của EU sau cuộc trưng cầu dân ý sắp tới thì mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố đối với nước Anh sẽ ngày càng gia tăng. Mối đe dọa này thậm chí còn tăng mạnh hơn nếu như Thổ Nhĩ Kỳ được kết nạp vào EU.

Một ngày trước cuộc trưng cầu dân ý (ngày 23-6) về việc Anh ở lại hay rời khỏi EU, dường như cử tri Anh vẫn đang đứng ở "ngã ba đường" khi mà kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy tỷ lệ người ủng hộ “ra đi” và số người muốn ở lại luôn bám đuổi từng ngày, còn tỷ lệ cử tri do dự vẫn ở mức cao.

Những cảnh báo về mức độ thiệt hại lúc này không chỉ dành cho nước Anh. Chính EU cũng đang phải tính đến một kịch bản với sự xáo trộn đáng kể khi thiếu vắng tiếng nói của một thành viên vốn được coi là chủ chốt lâu nay.

Ông Pierre Moscovic, Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề kinh tế và tài chính nhận định rằng, Anh rời EU sẽ là tổn thất cho cả Anh và châu Âu.

Theo Ngọc Hà

Quân đội nhân dân