1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ẩn ý của Triều Tiên khi “khoe” ảnh ông Kim Jong-un thị sát tàu ngầm

(Dân trí) - Việc truyền thông Triều Tiên công bố những bức ảnh chụp nhà lãnh đạo Kim Jong-un đứng bên cạnh tàu ngầm mới được cho là nhằm gửi thông điệp tới Mỹ trong bối cảnh các cuộc đàm phán bị đình trệ.

Ẩn ý của Triều Tiên khi “khoe” ảnh ông Kim Jong-un thị sát tàu ngầm - 1

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát tàu ngầm mới của Triều Tiên (Ảnh: Reuters)

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngày 23/7 đã tới thị sát nơi đóng tàu ngầm mới của Triều Tiên. Động thái này có thể là tín hiệu cho thấy Bình Nhưỡng vẫn đang tiếp tục phát triển chương trình tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) của nước này.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên đã công bố các bức ảnh chụp ông Kim Jong-un đứng cạnh tàu ngầm mới, song không nói rõ vị trí của cơ sở đóng tàu ngầm. Tuy vậy, các hình ảnh vệ tinh được chụp trong những tháng gần đây đã cho thấy hoạt động diễn ra tại các cơ sở mới thuộc xưởng đóng tàu Nam Sinpo ở bờ biển phía đông Triều Tiên.

Hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên (KCNA) đưa tin, nhà lãnh đạo Kim Jong-un bày tỏ sự “hài lòng” sau khi nghe báo cáo về năng lực của tàu ngầm. KCNA cho biết tàu ngầm mới sẽ thực hiện nhiệm vụ tại vùng biển phía đông Triều Tiên và dự kiến sẽ được triển khai trong tương lai gần. Ông Kim Jong-un cũng “nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường năng lực quốc phòng” thông qua việc phát triển các vũ khí hải quân.

Triều Tiên công bố các bức ảnh về tàu ngầm mới đúng vào thời điểm Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton tới Tokyo, Nhật Bản. Đây có thể là thông điệp được Triều Tiên gửi tới Mỹ rằng, Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục phát triển năng lực quân sự bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế.

“Đây là chiến thuật điển hình của Triều Tiên, khi họ tuyên bố cứng rắn và cho thấy rằng họ sẽ không để bị Mỹ hăm dọa, họ cũng không quan tâm tới việc ông Bolton đang có mặt tại khu vực và họ sẽ tiếp tục đi theo con đường cứng rắn”, Robert Dujarric, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Campus of Temple Tokyo, nhận định.

“Thông điệp tiếp theo họ gửi tới Mỹ đó là, nếu Mỹ không nhanh chóng và sớm ký kết thỏa thuận, Triều Tiên sẽ sản xuất thêm vũ khí, thậm chí sở hữu năng lực quân sự tốt hơn”, ông Dujarric cho biết thêm.

Theo nhà nghiên cứu Lee Ho-ryung tại Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc ở Seoul, “trong khi một mặt vẫn theo đuổi các cuộc đàm phán hạt nhân, ông Kim Jong-un cũng muốn thể hiện rằng Triều Tiên sẽ vẫn tiếp tục phát triển năng lực quân sự”.

“Triều Tiên vẫn đang phát triển một tàu ngầm mới trong vài năm qua, tuy nhiên việc công bố ở thời điểm hiện tại dường như là một quyết định mang tính ngoại giao, nhằm gửi thông điệp cho Washington”, nhà nghiên cứu Lee nhận định.

Triều Tiên đã phát triển hạm đội tàu ngầm quy mô lớn, tuy nhiên nước này chỉ có một tàu ngầm có khả năng mang tên lửa đạn đạo.

Bình Nhưỡng đã đạt được bước tiến nhanh chóng trong chương trình tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Tới năm 2016, sau vài năm phát triển, Triều Tiên đã phóng thử thành công một tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm, trong khi vẫn tiếp tục theo đuổi chương trình tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Ẩn ý của Triều Tiên khi “khoe” ảnh ông Kim Jong-un thị sát tàu ngầm - 2

Cận cảnh tàu ngầm đang được đóng của Triều Tiên (Ảnh: Reuters)

Theo Lance Gatling, nhà phân tích quân sự tại Tokyo, khó có thể khẳng định chắc chắn dựa trên các bức ảnh rằng đây là tàu ngầm đầu tiên do Triều Tiên tự đóng để phóng tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Tuy vậy, các bức ảnh cho thấy tàu ngầm được đóng bên trong một cơ sở kín đáo và Bình Nhưỡng có thể đang tìm cách tránh tai mắt theo dõi từ bên ngoài.

“Họ đã đổ nhiều công sức và tiền bạc để chế tạo cũng như che giấu tàu ngầm này. Cách duy nhất để chúng ta có thể biết được chính xác tàu ngầm đó như thế nào là khi họ đem nó ra thử nghiệm trên biển”, ông Gatling cho biết.

Dựa trên kích cỡ của tàu, giới phân tích nhận định tàu ngầm mới dường như được thiết kế để mang theo tên lửa.

“Chúng ta có thể thấy rõ rằng đây là một tàu ngầm cỡ lớn, lớn hơn nhiều so với tàu ngầm vốn được nhiều người biết đến kể từ năm 2014”, Ankit Panda, nhà nghiên cứu cấp cao tại Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ, cho biết.

“Điều tôi thấy quan trọng trong thông điệp chính trị ở đây đó là, đây là lần đầu tiên kể từ sau lễ duyệt binh quân sự hồi tháng 2/2018, ông Kim Jong-un thị sát một khí tài quân sự rõ ràng được thiết kế để vận chuyển và phóng vũ khí hạt nhân. Tôi xem đây như một điềm báo rằng, chúng ta nên xem xét một cách nghiêm túc nhất về hạn chót cuối năm do ông Kim Jong-un đưa ra cho việc thực thi sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ”, nhà nghiên cứu Panda cho biết.

Hồi tháng 4, nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng tuyên bố ông sẽ chờ cho đến "đến cuối năm nay" để xem Mỹ có quyết định thay đổi thái độ và nối lại các cuộc đàm phán với Triều Tiên hay không. Kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai hồi tháng 2, các cuộc đàm phán giữa hai nước rơi vào bế tắc.

Theo chuyên gia quân sự Kim Dong-yub tại Viện nghiên cứu Viễn Đông thuộc Đại học Kyungnam, tàu ngầm từng được Triều Tiên sử dụng để phóng tên lửa vào năm 2016 và 2017 được cho là chỉ có 1 ống phóng, tuy nhiên tàu ngầm mới có thể sẽ có từ 2-3 ống phóng.

Chuyên gia Kim Dong-yub tin rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un có lẽ muốn trấn an người dân Triều Tiên về cam kết của ông đối với vấn đề quốc phòng, trong giai đoạn ông đang tập trung nhiều hơn vào phát triển kinh tế.

“Thông báo về việc ông Kim Jong-un thị sát tàu ngầm mới là để xây dựng sự đoàn kết nội bộ, xoa dịu lo ngại của người dân về an ninh quốc gia, trấn an họ và thúc đẩy nhuệ khí quân đội”, ông Kim Dong-yub nhận định.

Thành Đạt

Theo Telegraph, Straitstimes