Ẩn số chính sách đối ngoại của bà Kamala Harris

Quốc Thủy

(Dân trí) - Trong khi sự bất định của ông Trump đã được dự báo trước, giới quan sát quốc tế chưa có nhiều thông tin để đánh giá về chính sách đối ngoại của bà Harris nếu ứng viên Dân chủ đắc cử tổng thống Mỹ.

Ẩn số chính sách đối ngoại của bà Kamala Harris - 1

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Điện Elysee ở Paris tháng 11/2021 (Ảnh: AFP).

Khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra trong chưa đầy 2 tháng nữa (ngày 5/11), các nhà phân tích trên khắp thế giới đặt ra câu hỏi: Liệu chính sách đối ngoại của chính quyền sắp tới sẽ ra sao?

Với ông Trump, thế giới đã có 4 năm kinh nghiệm. Tuy cựu Tổng thống Mỹ được coi là "bất định", sự bất ổn này đã được dự đoán từ trước.

Trong khi đó, hiểu biết của thế giới về chính sách của bà Harris vẫn tương đối mờ nhạt. Dù bà từng đảm nhận một số nhiệm vụ đối ngoại của chính quyền Tổng thống Joe Biden, giới quan sát chưa thể xác định cụ thể đâu là những vấn đề mà bà Harris có thể có chính sách khác biệt so với ông Biden, nếu bà là người đắc cử.

Kinh nghiệm đối ngoại 

Trên thực tế, ở cương vị phó tổng thống, bà Harris từng có một số kinh nghiệm đối ngoại. Nếu trở thành chủ Nhà Trắng, kinh nghiệm của bà phong phú hơn nhiều so với một số tổng thống Mỹ trước đây như Bill Clinton, George W. Bush, Barack Obama và Donald Trump.

Với tư cách phó tổng thống Mỹ, bà Harris đã gặp hàng chục lãnh đạo thế giới, đại diện nước Mỹ trong các hội nghị, sự kiện toàn cầu, cũng như được nghe báo cáo tình báo hàng ngày dành cho tổng thống.

Trong bài phát biểu tại đại hội của đảng Dân chủ hồi tháng 8, bà Harris tiết lộ đã từng chia sẻ tin tức tình báo cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về các hoạt động của Nga ngay trước khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt hồi năm 2022.

Phe Dân chủ nhấn mạnh đến vai trò của bà trong thỏa thuận trao đổi tù nhân gần đây giữa Mỹ và Nga. Với hàng loạt chuyến thăm tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong những năm qua, bà Harris góp phần củng cố và phát triển mạng lưới đồng minh của Mỹ tại khu vực. Bà cũng đứng đầu nỗ lực giải quyết tận gốc vấn đề người nhập cư trái phép thông qua các khoản viện trợ cho Mỹ Latinh.

"Bà ấy không phải chuyên gia chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, không nghi ngờ rằng bà đóng vai trò tích cực trong nhiều vấn đề đối ngoại", ông Ian Bremmer, Chủ tịch hãng tư vấn chính trị Eurasia Group, nói với Slate.

Các cố vấn của bà Harris và các quan chức nước ngoài từng tương tác với bà đều cho biết bà Harris luôn tìm cách học hỏi về đối ngoại từ thực tiễn, theo CNN. Một cựu cố vấn cấp cao cho biết bà thường mang những tài liệu dày về nhà và đặt ra hàng loạt câu hỏi cho các trợ lý.

Dù vậy, giới quan sát vẫn chưa thể xác định đâu là những điểm khác biệt giữa chính sách của bà Harris và của ông Biden. Trong suốt bốn năm qua, ở vị trí "phó tướng", nhiệm vụ của bà Harris là ủng hộ chính sách của ông chủ Nhà Trắng thay vì tự mình đưa ra quan điểm. Nếu có, các ý kiến này thường chỉ được lan truyền trong các kênh nội bộ.

Trong các vấn đề mà quan điểm của bà Harris và ông Biden có sự khác biệt, cuộc chiến tại Gaza có lẽ là điều được công chú ý nhiều nhất. Nhóm cử tri cấp tiến kỳ vọng bà Harris sẽ giảm ủng hộ Israel và quan tâm hơn tới những nỗi khổ mà người dân Palestine phải gánh chịu.

Tuy nhiên, theo bà Halie Soifer, người từng là cố vấn an ninh quốc gia khi bà Harris còn là thượng nghị sĩ, nhận định với Vox rằng trên thực tế khác biệt giữa bà Harris và ông Biden về vấn đề Gaza là tương đối nhỏ.

"Tôi nghĩ chính sách sẽ không thay đổi", bà nói. "Chúng ta chỉ nhận thấy một vài khác biệt trong cách họ nói về cuộc xung đột. Phó Tổng thống Harris một mặt tái khẳng định cam kết với Israel và an ninh của nước này, mặt khác thể hiện sự đồng cảm lớn hơn với người dân Palestine vô tội".

Chính sách phụ thuộc tình hình

Slate từng công bố tiết lộ từ các nguồn tin thân cận với bà Harris cho biết Phó Tổng thống Mỹ không đồng tình với lăng kính đối ngoại mang nặng màu sắc ý thức hệ của ông Biden. Theo bà Harris, lăng kính này khá đơn giản và thậm chí có thể dẫn đến chính sách sai lầm do nước Mỹ đôi khi sẽ buộc phải chọn đồng minh.

Trên thực tế, quan điểm đối ngoại của bà Harris cũng có sự thay đổi trong những năm trở lại đây. Hồi năm 2020, bà từng tuyên bố ủng hộ kế hoạch "cắt giảm ngân sách quốc phòng và dành khoản tiền đó cho những người cần thiết". Giờ đây, bà lại cam kết "đảm bảo nước Mỹ có lực lượng chiến đấu mạnh nhất, đáng gờm nhất thế giới".

Dù vậy, những tuyên bố vận động tranh cử không thể hiện hoàn toàn chính sách của một ứng viên sau khi đã trở thành chủ nhân Nhà Trắng.

Một số nhà phân tích chỉ ra khi vận động tranh cử năm 2020, Tổng thống Biden từng hứa sẽ trừng phạt Thái tử Ả rập Xê út Mohamed bin Salman. Dù vậy, sau khi đắc cử, ông Biden coi hợp tác với Riyadh là một trong những nhân tố trung tâm trong chính sách với khu vực Trung Đông.

Cựu Tổng thống Barack Obama vốn phản đối các hoạt động quân sự của Mỹ tại Trung Đông. Dù vậy, ông được nhớ tới như nhà lãnh đạo đã tăng cường sử dụng máy bay không người lái - công cụ gây tranh cãi hàng đầu của quân đội Mỹ - cũng như các chiến dịch lật đổ nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi và tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden.

Công bằng mà nói, đôi khi các tổng thống Mỹ không thể lường trước hết những sự kiện bất ngờ sẽ xảy đến. Cựu Tổng thống George W. Bush từng cam kết thực thi chính sách đối ngoại "khiêm tốn", giảm can thiệp quân sự bên ngoài. Nhưng vụ khủng bố 11/9 đã thay đổi tất cả. Do đó, chính sách đối ngoại của bà Harris sẽ chỉ có thể hình thành sau khi bà đã trở thành chủ nhân Nhà Trắng - trong trường hợp bà có thể đánh bại ông Trump.

"Đối với mọi chính quyền, các ưu tiên đối ngoại chủ yếu được định hình bởi các sự kiện", bà Soifer nhận định.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm