Cuộc tranh luận giúp bà Harris chiếm ưu thế trước ông Trump?

Quốc Thủy

(Dân trí) - Dù Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris được cho là thể hiện tốt hơn đối thủ Donald Trump trong cuộc tranh luận, nhưng giới chuyên gia nhận định tác động của sự kiện tới kết quả bầu cử không quá lớn.

Cuộc tranh luận giúp bà Harris chiếm ưu thế trước ông Trump? - 1

Bà Harris và ông Trump trong cuộc tranh luận do ABC News tổ chức hôm 10/9 (Ảnh: Reuters).

Gần 3 tháng trước, cử tri Mỹ đã có dịp theo dõi cuộc tranh luận tổng thống đáng nhớ nhất trong lịch sử hiện đại: Do màn thể hiện không mấy ấn tượng, Tổng thống Joe Biden đã phải rời bỏ cuộc đua và bàn giao nhiệm vụ cản đường vào Nhà Trắng của ông Donald Trump cho "phó tướng" Kamala Harris.

Giờ đây, phe Dân chủ kỳ vọng vào một cuộc tranh luận với sức ảnh hưởng tương tự, trong bối cảnh đa số giới quan sát chính trị Mỹ nhận định bà Harris đã giành chiến thắng. Theo những ý kiến lạc quan, thất bại trong cuộc tranh luận sẽ là điểm khởi đầu cho chuỗi sự kiện dẫn tới thất bại của ông Trump trong cuộc bầu cử vào ngày 5/11 tới.

Dù vậy, cuộc tranh luận khó thay đổi hoàn toàn chiều hướng lựa chọn của cử tri Mỹ, giới phân tích chính trị Mỹ đồng loạt nhận định.

"Ít có khả năng một cuộc tranh luận có thể quyết định kết quả bầu cử (trừ việc ông Biden rời cuộc đua)", The Hill bình luận.

Kết quả chưa rõ ràng

Kết quả của cuộc tranh luận hôm 10/9 tương đối rõ ràng: Bà Harris thể hiện tốt hơn trong đa số vấn đề, từ quyền phá thai, y tế tới khí hậu.

Bản thân bình luận viên Doug Schoen của Fox News - kênh tin tức có chiều hướng bảo thủ, thân Cộng hòa - cũng phải thừa nhận bà Harris giành chiến thắng áp đảo trước ông Trump, dù cáo buộc hai người dẫn chương trình của ABC News - đơn vị tổ chức cuộc tranh luận - thiên vị ứng viên Dân chủ.

"Dù theo đánh giá của tôi, bà Harris rõ ràng đã thắng cuộc tranh luận, không thể khẳng định rằng sự kiện này - vốn chỉ diễn ra 56 ngày trước cuộc bầu cử - sẽ ảnh hưởng một cách căn bản tới kết quả ngày 5/11 tới", ông Schoen viết.

Theo ông Schoen, nhiều cử tri vẫn thất vọng về cách chính quyền Biden - Harris điều hành nước Mỹ, cũng như sự thể hiện của hai chính trị gia này trong 3 vấn đề gai góc nhất: Kinh tế, nhập cư và thực thi pháp luật.

Kết quả thăm dò dư luận cũng cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Trump không mấy thay đổi: Theo khảo sát nhanh của CNN ngay sau cuộc tranh luận, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Trump gần như không thay đổi: Tỷ lệ có quan điểm tích cực về cựu tổng thống vẫn là 39% và tỷ lệ có quan điểm tiêu cực vẫn giữ ở mức 51%,

Ở chiều ngược lại, tỷ lệ đánh giá bà Harris tích cực tăng từ 39% lên 45%. Nhóm cử tri độc lập ghi nhận thay đổi đáng kể nhất: Từ 30% lên 48% ngay sau sự kiện, CNN chỉ ra. Dù vậy, 82% cử tri được hỏi cho biết cuộc tranh luận không ảnh hưởng đến quyết định của họ. 14% nói họ suy nghĩ lại, nhưng không thay đổi quyết định. Chỉ 4% cho rằng họ sẽ bỏ phiếu cho ứng viên khác.

Theo ông Schoen, ông Trump đã truyền tải trực tiếp thông điệp của mình tới các nhóm cử tri ủng hộ. Bên cạnh đó, các cử tri Cộng hòa cũng cho rằng ABC News thiên vị bà Harris.

Khác với các cuộc tranh luận trước đây, bên cạnh đặt câu hỏi, hai người dẫn chương trình còn kiểm tra lại thông tin được các ứng viên đưa ra. Đây là điều khiến ông Trump và phe Cộng hòa không hài lòng.

"Dù ông Trump tối qua dường như là một con người khác so với ông ấy hồi tháng 6, những ý của ông ấy vẫn tương tự. Nhiều cử tri đồng ý với đánh giá của ông ấy về tình hình đất nước hiện nay", ông Schoen nói.

Khả năng "tái đấu"

Trên thực tế, trong lịch sử nước Mỹ, các cuộc tranh luận trước thềm bầu cử hiếm khi gây ra ảnh hưởng lớn tới cục diện bầu cử nói chung. Hồi năm 2016, bà Hillary Clinton được coi là người chiến thắng trong cả 3 cuộc tranh luận trước ông Trump. Dù vậy, kết quả cuối cùng vẫn là thắng lợi của ứng viên Cộng hòa trong sự ngỡ ngàng của nhiều nhà quan sát.

The Hill dẫn một nghiên cứu về các cuộc tranh luận bầu cử Mỹ từ năm 1988 tới năm 2004 cho thấy tỷ lệ ủng hộ với các ứng viên chỉ thay đổi trung bình 1% sau tranh luận. Trong khi đó, Gallup cho rằng chỉ có hai cuộc tranh luận năm 1960 và 2000 "ảnh hưởng đáng kể tới kết quả bầu cử".

Hiện vẫn chưa rõ liệu ông Trump và bà Harris có tổ chức thêm cuộc tranh luận nào trước thềm bầu cử nữa hay không. Sau khi giành thắng lợi áp đảo trước ông Biden hồi tháng 6, ông Trump dường như muốn ép bà Harris tham gia nhiều cuộc tranh luận để phát huy đà thắng lợi. Bản thân bà Harris đã từ chối một đề nghị của Fox News hồi đầu tháng 9.

Trước cuộc tranh luận vừa qua, chiến dịch của ông Trump cho biết vị cựu tổng thống đã chấp nhận lời mời tham gia tranh luận của Fox NewsNBC News, trong khi bà Harris chưa đồng ý. Dù vậy, trả lời phỏng vấn sau cuộc tranh luận, ông Trump tỏ vẻ không cam kết.

"Khi đã thắng tranh luận, tôi không nghĩ rằng tôi muốn tham gia một cuộc tranh luận khác", ông Trump trả lời phỏng vấn Fox News.

"Tại sao tôi lại phải tái đấu?", ông viết trên mạng xã hội Truth Social.