Ấn Độ tăng cường xuất khẩu vũ khí
(Dân trí) - Các nhà phân tích cho biết, việc Ấn Độ gia tăng bán vũ khí cho một số quốc gia Đông Nam Á gần đây cho thấy tham vọng của New Delhi trong ngành công nghiệp vũ khí toàn cầu.
Các nhà phân tích cho biết, doanh số bán vũ khí của Ấn Độ cho các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Philippines và Indonesia, tăng mạnh gần đây. Điều này cho thấy rõ mong muốn của New Delhi là trở thành nhà cung cấp vũ khí chính trong khu vực.
Tháng trước, công ty quốc phòng BrahMos Aerospace có trụ sở tại Ấn Độ cho biết đang thảo luận với Jakarta về một thương vụ tên lửa hành trình siêu thanh trị giá 200 triệu USD.
BrahMos là một liên doanh Ấn Độ - Nga, chuyên sản xuất tên lửa hành trình đa nền tảng ở tốc độ siêu thanh với độ chính xác cực cao.
Để mắt đến thị trường Đông Nam Á từ lâu, công ty này đã giành được hợp đồng nước ngoài đầu tiên vào năm 2022 với việc bán tên lửa chống hạm trị giá 375 triệu USD cho Philippines.
Các động thái này là một phần trong tham vọng thúc đẩy xuất khẩu quốc phòng của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từ mức 1,8 tỷ USD vào năm 2022 lên 5 tỷ USD trong 2 năm tới.
Chuyên gia Yogesh Joshi tại Viện Nghiên cứu Nam Á của Đại học Quốc gia Singapore cho rằng, thực tế cho thấy Ấn Độ muốn nổi lên như một nhà cung cấp vũ khí lớn, đặc biệt là xuất khẩu vũ khí cao cấp và chi phí thấp nhằm thúc đẩy đất nước "ngành công nghiệp vũ khí non trẻ nhưng đầy hứa hẹn" ở trong nước.
"Nó cũng sẽ giúp tạo ra một nền kinh tế quy mô cho tiêu dùng trong nước. Năm ngoái, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đề xuất sẽ mua thiết bị trị giá gần 1 tỷ USD từ các nhà sản xuất trong nước", chuyên gia Joshi nói thêm.
Cũng theo ông Joshi, việc Ấn Độ bán tên lửa BrahMos cho các quốc gia Đông Nam Á cũng là một cách nhằm đối trọng đối thủ Trung Quốc. "Ấn Độ muốn thiết lập ưu thế quân sự của mình trong khu vực", ông nói.
Chuyên gia này cũng nhận định rằng, Trung Quốc càng chú trọng vào vấn đề Biển Đông tranh chấp sẽ khiến họ càng ít có khả năng phô diễn sức mạnh ở Ấn Độ Dương, vì vậy Ấn Độ tận dụng cơ hội này để "một số đòn bẩy" trong khu vực.
Các sự kiện địa chính trị gần đây liên quan đến Nga, nhà sản xuất vũ khí lớn của thế giới, cũng có thể ảnh hưởng đến tham vọng khu vực của New Delhi. Tuy nhiên, ông Ian Storey, một thành viên cao cấp tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, nói rằng Ấn Độ không thể đóng vai trò là nhà cung cấp vũ khí thay thế cho Nga vì nước này sản xuất quá ít.
"Ở Đông Nam Á, khoảng trống do doanh số bán vũ khí của Nga sẽ được các công ty quốc phòng của Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ lấp đầy", ông nói.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), tỷ trọng xuất khẩu vũ khí toàn cầu của Nga đã giảm từ 22% trong thời điểm 2013-2017 xuống còn 16% từ 2018-2022.
Trong khi đó, Hàn Quốc đã vươn lên trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 8 trên thế giới trong năm 2021, chiếm 2,8% thị phần xuất khẩu toàn cầu trong 5 năm qua. Đây là mức tăng đáng kể hơn so với con số chỉ 1% trong 5 năm trước đó, theo dữ liệu của SIPRI.
Đầu năm nay, Korea Aerospace Industries, nhà sản xuất máy bay duy nhất của Hàn Quốc, đã ký một thỏa thuận trị giá 920 triệu USD để xuất khẩu 18 máy bay tấn công hạng nhẹ FA-50 sang Malaysia. Thậm chí, Malaysia đang xem xét mua thêm 18 chiếc máy bay kiểu này.
Chính sách "Hành động hướng Đông"
Ông Akash Sahu, một nhà phân tích địa chính trị Ấn Độ-Thái Bình Dương và nghiên cứu Đông Nam Á, cho biết việc Ấn Độ ngày càng tập trung vào Đông Nam Á, bao gồm cả quốc phòng, là một phần trong chính sách "Hành động hướng Đông" lớn hơn của nước này nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế và chiến lược cũng như củng cố vị thế như một cường quốc trong khu vực quan trọng này.
Theo chuyên gia này, trong khi cuộc chiến ở Ukraine khiến năng lực sản xuất vũ khí của Nga bị ảnh hưởng, việc Ấn Độ nỗ lực xuất khẩu các sản phẩm quốc phòng cho thấy New Delhi không chỉ phụ thuộc vào Moscow vì động lực tích cực là thu hút các nhà sản xuất thiết bị gốc sản xuất và mở rộng hoạt động ở Ấn Độ.
Ấn Độ cũng đang nỗ lực giảm phụ thuộc vào vũ khí nhập khẩu khi vừa thông qua các gói mua sắm quốc phòng bổ sung nhằm tăng cường sức mạnh cho quân đội nước này và các đơn đặt hàng mới đều do các công ty quốc phòng trong nước thực hiện.
Giáo sư Pankaj Jha nghiên cứu chiến lược tại Đại học Toàn cầu O.P. Jindal ở Ấn Độ cho biết, doanh thu kiếm được từ xuất khẩu vũ khí có thể được sử dụng để tài trợ cho nghiên cứu và phát triển các hệ thống vũ khí mới và cho phép ngành công nghiệp quốc phòng của New Delhi sẽ có thể "tự cung tự cấp".
Ông Jha cũng cho biết, Ấn Độ cũng đang khám phá khả năng cung cấp các hệ thống vũ khí quan trọng, cũng như máy bay trực thăng chiến đấu hạng nhẹ và ngư lôi.
"Ấn Độ không thể đóng vai trò thay thế cho Nga, nhưng họ đã phát triển sự nhạy bén của riêng mình trong chiến lược sản xuất các sản phẩm như radar, tên lửa tầm ngắn và thiết bị liên lạc", ông Jha nói.
Cố vấn cấp cao về Nam Á tại Viện Hòa bình Mỹ Daniel Markey cho rằng, các hệ thống BrahMos do Ấn Độ sản xuất đặc biệt hấp dẫn không chỉ vì do năng lực mà còn ở "giá cả hợp lý".
"Tôi không thể nghĩ ngay đến một hệ thống lớn nào khác được sản xuất tại Ấn Độ với sức hấp dẫn tương tự", ông Markey nói đồng thời cho biết thêm rằng, các quan chức Ấn Độ đã chỉ ra rằng họ muốn trở thành nhà xuất khẩu vũ khí ròng và cải thiện năng lực đổi mới của đất nước mà không cần sự hỗ trợ từ nước ngoài.
Theo Bộ Quốc phòng Ấn Độ, việc sản xuất biến thể tên lửa hành trình BrahMos mới nhất và tiên tiến nhất ở Ấn Độ có giá khoảng 4,85 triệu USD mỗi chiếc, trong khi tên lửa siêu thanh được sản xuất ở nơi khác có giá ít nhất gấp 3 lần số tiền đó.
Nỗ lực thúc đẩy sự tự chủ trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng được triển khai trong bối cảnh nhiều thập niên qua, Ấn Độ là một trong những nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới.
Báo Times of India dẫn báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết, Ấn Độ xếp vị trí thứ 4 tại khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương về khả năng tự chủ trong sản xuất vũ khí.