Ấn Độ có thể đưa tên lửa phòng không tới biên giới với Trung Quốc
(Dân trí) - Ấn Độ duyệt kế hoạch mua tên lửa phòng không di động để triển khai dọc theo biên giới với Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng giữa 2 bên có dấu hiệu tăng nhiệt thời gian qua về vấn đề chủ quyền.
Hội đồng Mua sắm Quốc phòng Ấn Độ do Bộ trưởng Quốc phòng nước này Rajnath Singh đứng đầu ngày 10/11, đã thông qua kế hoạch mua các tên lửa phòng không tầm ngắn tới dọc biên giới với Trung Quốc.
"Xét đến những diễn biến gần đây dọc theo biên giới phía bắc, Ấn Độ cần phải tập trung vào các hệ thống vũ khí phòng không hiệu quả, có thể mang theo người và có thể triển khai nhanh chóng ở địa hình hiểm trở", Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết.
Được thiết kế để vô hiệu hóa các mối đe dọa từ trên không ở tầm thấp và cự ly gần, tên lửa phòng không do tổ chức nghiên cứu DRDO của Ấn Độ phát triển. Nó có tính năng tương tự tên lửa đất đối không FIM-92 Stinger do Mỹ sản xuất.
Căng thẳng Trung Quốc - Ấn Độ nóng lên từ giữa năm 2020, sau vụ đụng độ chết người ở tại khu vực Himalaya - nơi 2 bên đều tuyên bố chủ quyền.
Ít nhất 24 người ở 2 bên đã thiệt mạng trong vụ đụng độ. Đây được xem là lần đầu tiên trong hơn 40 năm, một vụ đụng độ ở khu vực tranh chấp chủ quyền giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ gây chết người.
Kể từ cuộc giao tranh, căng thẳng giữa 2 nước liên tục leo thang khi các bên đều triển khai quân nhân và vũ khí dồn dập tới các điểm "nóng". Tuy nhiên, hai nước sau đó đã thống nhất xuống thang căng thẳng ở biên giới và cũng bắt đầu rút bớt quân, xe tăng, khí tài quân sự khỏi khu vực Ladakh.
Tháng trước, binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc đã xảy ra đụng độ ở Đường kiểm soát thực tế (LAC) tại khu vực 2 bên tranh chấp chủ quyền ở bang Arunachal Pradesh. Các chỉ huy từ 2 bên đã tổ chức 17 vòng đàm phán để xuống thang căng thẳng, nhưng tiến triển khá chậm chạp.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cũng thông qua việc mua tên lửa chống tăng nội địa cho máy bay trực thăng và tên lửa chống hạm Brahmos cho tàu chiến.