1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ấn Độ: Muốn mang thai phải đăng ký

(Dân trí) - Ấn Độ đang lên kế hoạch thành lập một cơ quan đăng ký tất cả các trường hợp mang thai nhằm kiềm chế nạn nạo phá thai nhi gái lan tràn và giảm tỉ lệ tử vong sơ sinh đang ở mức báo động tại nước này.

Đây là ý tưởng mới của Bộ trưởng Bộ phụ nữ và trẻ em Renuka Chowdhury. Bà đề xuất tất cả các phụ nữ mang thai tại nước này phải đăng ký với chính phủ và phải xin giấy phép nếu muốn nạo phá thai.

Theo số liệu của chính phủ, khoảng 10 triệu bé gái đã bị chính cha mẹ của chúng giết hại tại Ấn Độ trong vòng 20 năm qua.

Bộ trưởng Chowdhury nói: “Với chính sách này, các ca nạo phá thai bí mật với mục đích giết những bé gái không mong muốn, sẽ trở nên khó khăn hơn. Chính phủ muốn đảm bảo rằng việc phá thai phải được thực hiện vì một nguyên nhân hợp lý và có thể chấp nhận được”.

Mặc dù việc xác định giới tính trước khi sinh và nạo phá thai bị cấm tại Ấn Độ - nơi vốn ưa chuộng con trai hơn con gái, nhiều ông bố bà mẹ đã bỏ những thai nhi gái, nhờ sự phát triển của công nghệ siêu âm thai nhi và tinh thần "sẵn sàng hành động" vì tiền của một số bác sĩ.

Tại các vùng nông thôn, một số ông bố bà mẹ giết các bé gái sơ sinh bằng cách bóp cổ chúng. Đầu tháng này, một bé gái 2 ngày tuổi còn sống đã được phát hiện tại một hố chôn ở miền nam Ấn Độ sau khi bị người ông chôn sống.

Mặc dù đã ban hành luật cấm xác định giới tính trước hôn nhân nhưng chính phủ không thể ngăn cản việc nạo phá thai giới tính nữ và giết trẻ sơ sinh nữ. Theo thông tin mới nhất từ dân số quốc gia, tỉ lệ bé trai so với bé gái tại Ấn Độ là 1000/927.

Hiện tại, tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh tại Ấn Độ đang ở mức cao, 57 ca trong 1.000 trẻ, cao hơn các quốc gia nghèo như Bangladesh và Namibia và cao gấp đôi Ai Cập.

Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng cơ quan đăng ký mới rất khó áp dụng và có thể mang lại tác dụng ngược với mong đợi.

Nhiều gia đình tại Ấn Độ thích con trai hơn bởi con trai sẽ làm chủ gia đình trong tương lai và sẽ chăm sóc cha mẹ khi họ về già. Trong khi đó, con gái được xem là gánh nặng vì cha mẹ phải dành dụm một món hồi môn lớn khi cô gái đi lấy chồng.

VTH

Theo BBC