Ấn Độ điều tra nghi vấn Covid-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán
(Dân trí) - Một số nhà khoa học của Ấn Độ đã điều tra nghi vấn virus SARS-CoV-2 thoát ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán, Trung Quốc thậm chí trước khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố đại dịch Covid-19.
Sputnik ngày 6/6 đưa tin, khoảng một tháng trước khi WHO công bố đại dịch Covid-19, một số nhà khoa học và chuyên gia của Ấn Độ được cho là đã suy đoán rằng virus SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Viện Virus học Vũ Hán (Trung Quốc).
Ngày 31/1/2020, một nhóm chuyên gia sinh học của Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) đã công bố một báo cáo nghiên cứu 22 trang trên nền tảng trực tuyến BioRxiv, trong đó nêu ra sự giống nhau kỳ lạ giữa SARS-CoV-2 và virus HIV. Nghiên cứu gợi ý rằng virus gây dịch Covid-19 có thể được tạo ra trong phòng thí nghiệm.
Trong quá trình nghiên cứu cấu trúc protein của virus, các nhà khoa học đã phát hiện 4 protein được thêm vào chuỗi glycoprotein chưa từng ghi nhận ở bất cứ virus corona nào. Những protein này có ý nghĩa quan trọng để virus xác định và bám vào các tế bào vật chủ ở người và sau đó nhân lên. Tuy nhiên, ngay lập tức nhóm nghiên cứu đã vấp phải chỉ trích và buộc họ phải rút lại báo cáo không lâu sau khi đăng tải, trang MIT Technology Review cho hay.
Rahul Bahulikar và Monali Rahalkar, hai nhà khoa học ở thành phố Pune, bang Maharashtra, của Ấn Độ cho biết họ cũng bắt đầu tìm hiểu nguồn gốc Covid-19 từ tháng 3/2020. Chia sẻ với tạp chí The Week về cuộc điều tra này, họ cho biết sau khi đọc một số nghiên cứu khoa học về virus corona và Covid-19, họ nhận thấy rằng RATG13, một họ hàng của SARS-CoV-2, được tìm thấy trong phân dơi từ một hang động khai thác mỏ ở huyện Mộ Giang, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Họ cũng nắm được thông tin rằng 6 thợ mỏ được thuê để dọn phân dơi tại hang này sau đó đã mắc một chứng bệnh giống như viêm phổi.
Cả hai nhà khoa học này đều bác bỏ giả thuyết SARS-CoV-2 có nguồn gốc tự nhiên và lây từ động vật sang người. Theo họ, cấu trúc của SARS-CoV-2 cho thấy nó có thể được tạo ra từ phòng thí nghiệm. Họ đã công bố nghiên cứu của mình trên tạp chí khoa học Nature. Họ cũng hối thúc WHO điều tra sâu hơn về giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm sau khi nhóm điều tra quốc tế do WHO trở về từ chuyến điều tra ở Vũ Hán cho rằng giả thuyết này "rất khó xảy ra".
Những thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh giới khoa học và tình báo một số nước, trong đó có Mỹ và Anh bất ngờ lật lại những tranh cãi liên quan đến nguồn gốc đại dịch Covid-19. Tổng thống Mỹ Joe Biden cuối tháng trước chỉ đạo cộng đồng tình báo nỗ lực gấp đôi để đưa ra kết luận rõ ràng hơn về nguồn gốc đại dịch khi họ vẫn chia rẽ giữa hai giả thuyết: hoặc virus có nguồn gốc tự nhiên hoặc virus thoát ra từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Các nước Liên minh châu Âu, Anh, Australia và Nhật Bản được cho là cũng hỗ trợ Mỹ mở rộng điều tra nguồn gốc Covid-19.
Thời báo phố Wall mới đây đăng tải một báo cáo tình báo của Mỹ nói rằng, 3 nhà nghiên cứu của Viện Virus học Vũ Hán đã phải nhập viện với các triệu chứng giống Covid-19 vào tháng 1/2019, không lâu trước khi Trung Quốc công bố các ca bệnh đầu tiên.
Chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci tuần trước đã đề nghị giới chức Trung Quốc cung cấp bệnh án của 3 nhân viên Viện Virus học Vũ Hán và 6 thợ mỏ ở đây. Ông Fauci tin rằng đây là manh mối quan trọng hỗ trợ cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19. Năm ngoái, ông Fauci nói, các bằng chứng ủng hộ giả thuyết virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc tự nhiên, tuy nhiên mới đây chuyên gia này bất ngờ ủng hộ mở rộng điều tra tại Trung Quốc vì không loại trừ khả năng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm.
Trung Quốc đến nay tiếp tục bác bỏ giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán. Bắc Kinh chỉ trích cuộc điều tra của các nước phương Tây là "chính trị hóa" một vấn đề khoa học. Trung Quốc cũng đưa ra nghi vấn virus thoát ra từ phòng thí nghiệm ở Mỹ hoặc một nơi nào đó trên thế giới.