Binh sĩ ẩu đả ở khu vực tranh chấp, Ấn Độ-Trung Quốc cáo buộc lẫn nhau
(Dân trí) - Các đại diện của Trung Quốc và Ấn Độ đưa ra những thông tin trái ngược nhau khi họ đều cáo buộc phía còn lại gây ra cuộc ẩu đả giữa binh sĩ 2 nước tuần trước.
SCMP đưa tin, Long Shaohua, phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Tây của quân đội Trung Quốc ngày 13/12 cho biết, binh sĩ Bắc Kinh và New Delhi đã xảy ra ẩu đả trong một cuộc tuần tra biên giới định kỳ vào ngày 9/12. Ông Long cáo buộc binh sĩ Ấn Độ "vượt trái phép qua đường ranh giới" giữa 2 nước ở khu vực tranh chấp chủ quyền tại Himalaya và chặn quân nhân Trung Quốc.
"Phản ứng của phía Trung Quốc là chuyên nghiệp, chắc chắn và chuẩn mực, điều này đã giúp ổn định tình hình", ông nói.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận vụ đụng độ xảy ra vào tuần trước, nói rằng cả một số binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc bị "thương tích nhẹ".
Phát ngôn viên của cơ quan trên Uông Văn Bân cho hay: "Theo hiểu biết của chúng tôi, tình hình ở biên giới nhìn chung ổn định. Hai bên đã và đang duy trì liên lạc thông suốt về các vấn đề liên quan đến biên giới thông qua các kênh ngoại giao và quân sự".
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh cáo buộc phía Trung Quốc "đơn phương cố gắng thay đổi hiện trạng" ở khu vực 2 bên tranh chấp chủ quyền ở khu vực Tawang.
Theo Quân đội Ấn Độ, cuộc đụng độ đã dẫn đến "thương tích nhẹ cho binh sĩ của cả hai bên" sau khi phía Trung Quốc cố gắng vượt qua Đường kiểm soát thực tế (LAC), đường ranh giới ngăn cách các lãnh thổ do Trung Quốc và Ấn Độ nắm giữ từ Ladakh ở phía tây cho tới Arunachal Pradesh ở phía đông Ấn Độ.
Ấn Độ coi Arunachal Pradesh là một bang của mình, nhưng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với 90.000km2 lãnh thổ bang này là Nam Tây Tạng.
Đường LAC dài 3.200km. Nó được tạo ra sau cuộc chiến tranh Ấn Độ-Trung Quốc năm 1962. Kể từ đó, quân đội của cả hai bên đã tuân thủ các giao thức lâu đời để hạn chế sử dụng súng tại khu vực tranh chấp.
Truyền thông Ấn Độ dẫn nguồn tin cho hay, 20 binh sĩ của nước này bị thương trong vụ đụng độ mới nhất và con số này ở phía Trung Quốc "cao hơn nhiều".
Theo SCMP, vụ ẩu đả này được xem là cuộc đụng độ nghiêm trọng nhất dọc theo LAC kể từ vụ giao tranh chết người giữa 2 bên hồi giữa năm 2020.
Trong sự việc 2 năm trước, ít nhất 24 người ở 2 bên đã thiệt mạng trong vụ đụng độ. Đây được xem là lần đầu tiên trong hơn 40 năm, một vụ đụng độ ở khu vực tranh chấp chủ quyền giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ gây chết người.
Kể từ cuộc giao tranh, căng thẳng giữa 2 nước liên tục leo thang khi các bên đều triển khai quân nhân và vũ khí dồn dập tới các điểm "nóng". Tuy nhiên, hai nước sau đó đã thống nhất xuống thang căng thẳng ở biên giới và cũng bắt đầu rút bớt quân, xe tăng, khí tài quân sự khỏi khu vực Ladakh.
Yang Shu, cựu trưởng khoa Nghiên cứu Trung Á tại Đại học Lan Châu của Trung Quốc, nhận định rằng lực lượng 2 nước có nguy cơ tiếp tục xảy ra ẩu đả hoặc đụng độ quy mô nhỏ dọc LAC trong thời gian tới do 2 bên đều có tinh thần chủ nghĩa dân tộc tăng cao.
Yogesh Gupta, cựu đại sứ New Delhi tại Đan Mạch và là chuyên gia về quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ, cho biết cuộc đối đầu mới nhất có thể đã được kích hoạt bởi các cuộc tập trận quân sự chung gần đây của quân đội Ấn Độ và Mỹ vào tháng 10 ở tỉnh Uttarakhand, cách LAC khoảng 100km.