1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ấn Độ bùng phát 2.000 ca bệnh nguy hiểm chết người ở trẻ từng mắc Covid-19

Đức Hoàng

(Dân trí) - Một hội chứng viêm nhiễm nguy hiểm chết người đang bùng phát ở Ấn Độ đối với những trẻ em từng mắc Covid-19.

Ấn Độ bùng phát 2.000 ca bệnh nguy hiểm chết người ở trẻ từng mắc Covid-19 - 1

Ấn Độ ghi nhận số ca bệnh "Viêm đa hệ thống ở trẻ em" tăng trong thời gian qua (Ảnh minh họa: Reuters).

Dailymail đưa tin, Ấn Độ đang ghi nhận số ca mắc "Viêm đa hệ thống ở trẻ em" (MIS-C) tăng vọt. Đây là một hội chứng hiếm gặp có thể gây nguy hiểm chết người, thường ảnh hưởng tới trẻ em 5 tuổi cho tới thiếu niên 15 tuổi.

Ấn Độ trong thời gian qua đã ghi nhận 2.000 ca bệnh MIS-C, ảnh hưởng tới nhóm trẻ em từng mắc Covid-19 và đã hồi phục. Điểm chung của các bệnh là các bệnh nhi bị mắc MIS-C khoảng 2-6 tuần sau khi mắc Covid-19. Riêng tại thủ đô Delhi, số ca MIS-C vào khoảng 200.

Căn bệnh này ban đầu sẽ gây nên triệu chứng sốt cao, rồi dẫn tới viêm các cơ quan nội tạng. Khoảng 70 trẻ em mắc MIS-C cần nhập viện và vào khoa chăm sóc tích cực.

Bác sĩ nhi Harish Pemde từ bệnh viện cao đẳng y tế Lady Hardinge cho hay MIS-C có thể dẫn tới "suy tim, hô hấp hoặc suy thận. Chất lượng cuộc sống lâu dài của trẻ sau khi hồi phục phụ thuộc vào việc nội tạng của chúng bị ảnh hưởng thế nào. Việc phát hiện ra bệnh sớm rất quan trọng, vì thời điểm đó, nó khá dễ để chữa trị".

Một trong những triệu chứng thường thấy của MIS-C chính là đau đầu, nhưng có thể nghiêm trọng hơn như ảo giác hoặc co giật.

Nhóm nghiên đến từ Học viện Thần kinh Mỹ cho biết, phát hiện này cho thấy các bác sĩ cần phải theo dõi cẩn thận các bệnh nhi Covid-19 để có thể sớm phát hiện các triệu chứng lo ngại.

MIS-C được cho liên quan tới bệnh Kawasaki, hội chứng gây viêm thành mạch máu và thường ảnh hưởng đến trẻ em dưới 5 tuổi.

Làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2 ở Ấn Độ đã giảm nhiệt trong những ngày qua, tuy nhiên, nước này vẫn ghi nhận số ca mắc mới và tử vong ở mức cao. Vùng dịch lớn thứ 2 thế giới hiện có hơn 28,9 triệu ca bệnh và trên 349.000 chết vì dịch.