1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Cuộc chiến chống Covid-19 ở nông thôn Ấn Độ gặp khó do tâm lý sợ vắc xin

Thanh Thành

(Dân trí) - Việc nhiều người dân ở vùng nông thôn Ấn Độ sợ tiêm vắc xin đã góp phần khiến cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đang hoành hành gặp nhiều khó khăn.

Cuộc chiến chống Covid-19 ở nông thôn Ấn Độ gặp khó do tâm lý sợ vắc xin - 1

Dịch Covid-19 đang càn quét các vùng nông thôn ở Ấn Độ (Ảnh: Reuters).

Khi nhân viên y tế Neelam Kumari đi gõ cửa từng nhà ở các ngôi làng tại Ấn Độ để tuyên truyền biện pháp chống dịch, dân làng thậm chí bỏ chạy vì sợ "bắt phải tiêm vắc xin Covid-19".

Trong khi làn sóng lây lan virus ở Ấn Độ gần đây đang có dấu hiệu giảm tích cực ở các thành phố, đại dịch chết người này lại tấn công các vùng nông thôn nghèo rộng lớn của quốc gia Nam Á này. Vấn đề đáng lo hơn nữa là ở đây, nhiều người dân thiếu hiểu biết về dịch bệnh và sợ tiêm vắc xin.

"Nhiều người trong làng của tôi không muốn tiêm vắc xin vì sợ tiêm là sẽ chết", Kumari nói, và còn cho biết có người đã đánh đập nhân viên y tế khi người này đang cố thuyết phục anh ta tiêm vắc xin.

Cho đến nay, chỉ có khoảng 15% người dân ở các vùng nông thôn, so với con số 30% ở các thị trấn và thành phố, đã tiêm ít nhất một liều vắc xin - dù 2/3 số ca nhiễm ghi nhận là ở nông thôn, theo phân tích của báo The Hindu.

Những tin đồn thất thiệt

Thậm chí, có những tin đồn được chia sẻ trực tuyến hoặc lan truyền qua các ứng dụng nhắn tin như WhatsApp rằng, mạng viễn thông và mạng 5G đang thử nghiệm là nguồn cơn làm lây lan Covid-19. Tin đồn này khiến người dân đập phá các trạm phát sóng ở Haryana. "Mọi người thậm chí không đến xét nghiệm vì nghĩ rằng chính quyền sẽ công bố họ nhiễm bệnh", bác sĩ Shoeb Ali ở làng Miyaganj, bang Uttar Pradesh, cho biết.

Nỗi sợ này lan khắp các ngôi làng ở vùng nông thôn bất chấp những tình cảnh thê thảm, như thi thể bị vứt xuống sông và hàng trăm ngôi mộ lộ thiên bên bờ sông Hằng linh thiêng, cho thấy đại dịch Covid-19 đang hoành hành ở vùng nông thôn của Ấn Độ, nơi 70% trong số 1,3 tỷ dân của nước này, sinh sống.

Tại làng Nuran Khera ở Haryana, người dân không muốn tiêm vắc xin dù họ cho hay nhiều hộ gia đình nói có người trong nhà bị sốt - và hàng chục người đã chết. Ở các bang khác, nhiều người thậm chí nhảy xuống sông hoặc chạy trốn vào rừng chỉ để thoát khỏi các đội y tế cơ động. Hom Kumari, một nhân viên y tế tại làng Bhatau Jamalpur ở bang Uttar Pradesh, cho biết thật sự bất lực trước nhiều người dân địa phương.

Ở vùng nông thôn, hệ thống cơ sở y tế sơ sài, ít ỏi và xa xôi và nhiều người dân có tâm lý ngại đến các bệnh viện công do xa và lo ngại lây nhiễm ở đây. "Những người đã đến bệnh viện không bao giờ quay trở lại", một người dân khác ở Nuran Khera đã kể với nhiều người như vậy.

Chuyên gia y tế cộng đồng Rajib Dasgupta cho hay Covid-19 đã giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế Ấn Độ, và người dân ở vùng nông thôn thường lo đi kiếm sống hơn là chống dịch bệnh. "Thật sự rất khó để người dân hiểu vì sao tiêm vắc xin lại quan trọng cho đến khi những vấn đề đau đầu đó được xoa dịu", chuyên gia Rajib Dasgupta nói.

Bài học từ chiến dịch tiêm phòng bại liệt những năm 2000

Theo các chuyên gia, Ấn Độ cần áp dụng các bài học kinh nghiệm trong chiến dịch tiêm phòng bại liệt cho trẻ em dưới 5 tuổi vào những năm 2000.

Chương trình này đã thành công sau khi các nhà lãnh đạo tôn giáo cộng đồng được tin tưởng tham gia chiến dịch tuyên truyền rằng, tiêm chủng là an toàn.

Sử dụng cách tiếp cận tương tự, chính quyền bang Uttar Pradesh gần đây kêu gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo chung tay tuyên truyền khuyến khích các tín đồ tiêm vắc xin Covid-19.

Navneet Singh, chuyên giám sát các nỗ lực tiêm chủng ở quận Haryana's Jind, nói rằng việc tuyên truyền trực tiếp đã có hiệu quả khi gần 70% người trên 45 tuổi ở Kalwa và các làng lân cận đã được tiêm ít nhất một mũi.

Nhân viên y tế Sheela Devi tâm sự, nhiều người, kể cả ông, từng rất lo khi đăng ký tiêm. Nhưng giờ đây mọi người tin rằng ngay cả mắc Covid-19 sau khi đã tiêm vắc xin, họ cũng sẽ không cần nhập viện, có thể dùng thuốc và phục hồi tại nhà.