Ám ảnh bủa vây phụ nữ Afghanistan khi Taliban trở lại nắm quyền
(Dân trí) - Nhiều phụ nữ tại Afghanistan vẫn ám ảnh các luật lệ rất hà khắc mà Taliban từng áp dụng hơn 20 năm trước và chưa tin tưởng những lời hứa của họ sau khi lực lượng này nắm quyền kiểm soát thủ đô.
Sau nhiều ngày ở trong nhà vì lo sợ Taliban, một nhà hoạt động nữ quyền ở Afghanistan lần đầu tiên ra ngoài đi chợ hôm 17/8. Chỉ có cô và em gái là hai người phụ nữ tại khu chợ đó. Họ nhận được những ánh mắt không mấy thân thiện từ những thành viên Taliban, nhưng không có hành vi quấy rối nào.
Ở những nơi khác tại Herat, thành phố lớn thứ ba của Afghanistan, các nữ sinh được trở lại trường học cùng các nam sinh, nhưng các chiến binh Taliban phát khăn trùm đầu cho họ ở cửa. Ở thủ đô Kabul, một nữ phát thanh viên đã phỏng vấn một quan chức Taliban tại trường quay - một cảnh tượng từng được xem là không thể xảy ra.
Vài ngày sau khi tiếp quản đất nước sau một cuộc tấn công chớp nhoáng, Taliban đã nỗ lực thể hiện lập trường ôn hòa hơn, cam kết tôn trọng quyền của phụ nữ và mời họ tham gia chính phủ. Tuy nhiên, do mất lòng tin quá lớn vào các chiến binh Hồi giáo, một số phụ nữ Afghanistan vẫn hành động thận trọng.
Trên khắp đất nước, nhiều phụ nữ vẫn lựa chọn ở nhà. Họ quá sợ hãi khi bước vào một thế giới mới, nơi lực lượng từng ném đá phụ nữ và hạn chế mọi hoạt động của họ giờ lên nắm quyền.
Một nữ giảng viên phương Tây ở Kabul cho biết nỗi sợ hãi đang bao trùm thủ đô.
"Họ bắt đầu đi từng nhà, kiểm tra nhà dân, đôi khi còn cưỡng chế. Họ nói rằng họ sẽ để người dân yên ổn, nhưng đây là dấu hiệu cho thấy điều này không đúng sự thật", cô nói với AP.
Một số vụ cướp bóc và trộm cắp đã xảy ra. Taliban đổ lỗi những hành vi này do các tên tội phạm hoặc những kẻ giả danh Taliban thực hiện, chứ không phải chiến binh của họ. Taliban trả tự do cho hàng nghìn tù nhân, bao gồm nhà tù lớn nhất Afghanistan, theo lệnh ân xá chung.
Nếu những thông tin trên là đúng, thì chúng hoàn toàn trái ngược với những cam kết do Taliban đưa ra hôm 17/8.
Enamullah Samangani, thành viên của ủy ban văn hóa của Taliban, cho biết Taliban sẵn sàng "cung cấp cho phụ nữ môi trường để làm việc và học tập, cũng như sự hiện diện của phụ nữ trong các cơ cấu (chính phủ) khác nhau". Một quan chức khác của Taliban cũng cam kết sẽ tôn trọng quyền phụ nữ "theo "luật Hồi giáo".
"Tôi không tin Taliban", một nữ phát thanh viên ở Kabul nói. Cô hiện vẫn ẩn náu tại nhà của một người họ hàng.
Nữ phát thanh viên 29 tuổi nói rằng cô quá sợ hãi nên không dám về nhà, sau khi xuất hiện thông tin nói rằng Taliban đã có trong tay một danh sách các nhà báo và tìm đến nhà một số người sau khi lực lượng này tiến vào Kabul hôm 15/8.
Bố của nữ phát thanh viên khuyên con gái ở trong nhà cho đến khi tình hình an ninh trở nên ổn định hơn. Cô cho biết tình hình hiện tại vẫn chưa rõ ràng với những người phụ nữ ở Afghanistan.
Trước đó, để đánh dấu những nỗ lực của Taliban trong việc khắc họa một hình ảnh mới, một nữ phát thanh viên của đài truyền hình tư nhân Tolo đã phỏng vấn một quan chức Taliban tại trường quay hôm 17/8.
"Không thể tưởng tượng nổi chuyện đó sẽ xảy ra khi Taliban còn cầm quyền cách đây 2 thập niên", Saad Mohseni, chủ đài truyền hình, viết trên Twitter.
Ở Herat, Zahra, nhà hoạt động nữ quyền 26 tuổi cho biết hầu hết cư dân, đặc biệt là phụ nữ, vẫn ở nhà vào ngày 17/8, 5 ngày sau khi Taliban tiến vào thành phố này. Cô hy vọng được lên máy bay rời khỏi Afghanistan trong những ngày tới.
Cho đến nay chưa có dấu hiệu cho thấy Taliban bắt buộc phụ nữ phải mặc burqa (áo choàng che kín toàn thân) giống như 2 thập niên trước đây khi Taliban nắm quyền lãnh đạo đất nước. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những ngày đầu và không ai chắc chắn là Taliban sẽ áp đặt trở lại quy định này.
Trong giai đoạn cầm quyền ở Afghanistan từ năm 1996-2001, Taliban từng áp đặt những quy định hà khắc với phụ nữ như buộc họ phải mặc kín từ đầu đến chân và phải đi cùng người thân là nam giới khi ra khỏi nhà. Trẻ em gái bị cấm đến trường, trong khi phụ nữ không được phép làm việc bên ngoài gia đình. Nếu không tuân thủ các quy tắc, họ sẽ phải chịu những hình thức trừng phạt như đánh đập, quất roi hay ném đá.
Người dẫn chương trình truyền hình ở Kabul cho biết phụ nữ Afghanistan đã đạt được nhiều thành tựu trong những năm qua, nhưng cô không nghĩ rằng Taliban chấp nhận những bước tiến đó.
Hiện tại, hầu hết phụ nữ Afghanistan đều chờ đợi những dấu hiệu rõ ràng hơn từ Taliban. Họ quan tâm đến việc liệu có thể tự đi ra ngoài, làm việc để theo đuổi sự nghiệp, hoặc liệu họ có nên rời khỏi đất nước hay không.
Theo Financial Times, nhiều phụ nữ tại Afghanistan đã học cách để thích nghi với tình hình mới.
Một nữ giáo sư đại học ở Herat nói rằng, 2 ngày sau khi Taliban giành quyền kiểm soát thành phố, cô đã mặc một chiếc áo choàng màu tối để đi làm. Tuần trước, cô vẫn còn mặc áo khoác sặc sỡ và trang điểm.
"Khi Taliban ở trong trường đại học, các nhân viên bảo vệ ở cổng đã nói với tôi rằng "phụ nữ không thể vào trong lúc này". Họ nói với tôi lời nhắn của Taliban rằng, tôi sẽ không bị trừ lương vì vắng mặt ngày hôm đó, nhưng Taliban sẽ quyết định liệu có để phụ nữ tới trường đại học hay không", nữ giáo sư cho biết.
Các nữ học giả dự đoán burqa sẽ lại trở thành trang phục bắt buộc đối với phụ nữ ở Afghanistan. Họ cũng lo ngại rằng tình trạng phân biệt giới tính sẽ diễn ra trong các trường đại học nếu phụ nữ vẫn còn được phép tới các cơ sở giáo dục này.
Họ cũng lo ngại rằng một số phần trong chương trình giảng dạy ở trường đại học sẽ bị rút ngắn hoặc bị loại bỏ, chẳng hạn tiếng Anh, toán, vật lý, và thay thế bằng nhiều bài giảng về Hồi giáo hơn.