1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Aleksandr Vasilievski – vị nguyên soái Liên Xô nhiều cá tính

Kỷ niệm 120 năm ngày sinh của nguyên soái Liên Xô Aleksandr Mikhailovich Vasilievski–Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Liên Xô trong thời gian Chiến tranh Vệ quốc.

Có mấy lý do để viết bài này:

1/ Ngày 30/9 /2015 là ngày kỷ niệm tròn 120 năm ngày sinh của nguyên soái Liên Xô Aleksandr Mikhailovich Vasilievski – Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Liên Xô trong thời gian Chiến tranh Vệ quốc.

Ông sinh tại ngôi làng nhỏ Novaia Golchikha Huyện Kinheshem Tỉnh Costronoma (nay thuộc Vùng Ivanov- Nga) trong một gia đình cha cố đông con và bản thân cũng tốt nghiệp trường dòng và chủng viện như Andrey Vlasov (Vlasov chưa tốt nghiệp chủng viện) mà người viết vừa có dịp giới thiệu với bạn đọc (bài “Vlasov - viên tướng Liên Xô phản bội”) – tức điểm xuất phát của hai người gần giống nhau.

2/ Ông là một trong những nhà chiến lược quân sự xuất sắc nhất của Liên Xô mặc dù không quá nổi tiếng như nguyên soái chiến trường G. Zukov . 3/ Khác với A. Vlasov , A.Vasilievski khó thích ứng với những hoàn cảnh mới, ngay trong nước mình – xin nói rõ hơn ở phần cuối.

Từ cha cố trở thành sỹ quan

Như đã nói, Aleksandr Mikhailovich sinh ra trong một gia đình đông con. Cha ông Mikhail Aleksandrovich Vasilievski là một phụ chính đồng thời là người hát thánh ca tại nhà thờ Nhikolski. Mẹ Nadezda Ivanovna Vasilievskaia làm nội trợ và nuôi dạy 8 người con.

Vị nguyên soái tương lai là con thứ tư trong gia đình. Thời tuổi trẻ, Aleksandr cũng đi theo con đường của cha. Năm 1909, anh tốt nghiệp trường dòng Kinheshemsk, sau đó vào học tại Chủng viện Costronoma.

Có một chi tiết ít người để ý là sau khi học xong chủng viện này, người tốt nghiệp có thể tiếp tục con đường học vấn nếu muốn tại bất cứ một trường thế tục nào (kiểu như có thể đăng ký nguyện vọng một vào bất cứ trường tốp trên nào ở ta trong kỳ thi “hai trong một” mới đây).

Aleksandr tốt nghiệp Chủng viện năm 1915, - vào lúc Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất đang ở giai đoạn khốc liệt nhất và đường đời của Aleksandr thay đổi đột ngột. Anh quyết định gia nhập quân đội (Nga Hoàng) để bảo vệ tổ quốc, có lẽ cũng một phần vì ước mơ trở thành cha cố không được “ cháy bỏng” lắm.

Tháng 2/1915, Aleksandr nhập ngũ. Tháng 6/1915 tốt nghiệp khóa đào tạo cấp tốc (4 tháng) tại Trường cao đẳng quân sự Alekseevski nổi tiếng và được phong quân hàm Phó úy (trong Quân đội ta không có cấp quân hàm này – xin tạm hiểu là Chuẩn úy). Vasilievski trực tiếp chiến đấu trên chiến trường 2 năm.

Đến năm 1917, A.Vasilieveski đã là Thượng úy tiểu đoàn trưởng trên các mặt trận Tây – Nam và mặt trận Rumania. Sau Cách mạng tháng 10, Quân đội Nga Hoàng gần như tan rã hoàn toàn, A.Vasilievski bỏ ngũ về quê.

Aleksandr Vasilievski – vị nguyên soái Liên Xô nhiều cá tính - 1

Aleksandr Vasilievski ngày 1/8/1928

Sau khi về nhà, anh làm việc trong ngành giáo dục. Tháng 6/1918 được bổ nhiệm làm thanh tra giáo dục của huyện Kinheshsk tỉnh Costronoma. Từ tháng 9 /1918 là giáo viên tiểu học tại các trường ở làng Verkhovie và Podiakovlevo tỉnh Tulsk (Vùng Orlovsk hiện nay).

Aleksandr lại được gọi nhập ngũ vào tháng 4/1919, nhưng lần này là Hồng quân. Viên cựu Thượng úy Quân đội Nga Hoàng lại bắt đầu con đường công danh mới từ các chức danh hạ sỹ quan và sau đó là trợ lý trung đội trưởng. Tuy nhiên, do đã có kinh nghiệm và kiến thức thực tế trong chiến đấu nên chỉ không lâu sau đã là trợ lý trung đoàn trưởng.

A. Vasilievski bắt đầu tham gia chiến đầu từ tháng 1/1920- chức vụ trợ lý trung đoàn trưởng trung đoàn bộ binh số 429 trong các sư đoàn bộ binh số 11 và số 96 tại mặt trận phía Tây. Chiến đấu chống các băng cướp hoạt động tại các tỉnh Samara và Tulsk. Tham gia cuộc chiến tranh Xô Viết- Ba Lan với chức vụ là trợ lý sư đoàn trưởng sư đoàn bộ binh số 96 của Tập đoàn quân số 15.

Nhưng suốt 10 năm sau đó, Vasilievski không được cất nhắc. Có lẽ quá khứ sỹ quan Nga Hoàng và Chủng viện đã được cơ quan chức năng “quan tâm” tới trong các lần xem xét đề bạt cán bộ.

Mãi đến năm 1930, Vasilievski mới được chú ý và đây là một bước ngoặt trong con đường sự nghiệp của ông. Tướng Vladimir Triandafinov – một trong những nhà lý luận nghệ thuật tác chiến chủ chốt của Hồng quân khi kiểm tra các cuộc tập trận năm 1930 đã để mắt đến viên chỉ huy trẻ tài năng A.Vasilievski.

Nhưng rất tiếc, Phó Tổng tham mưu trưởng Hồng quân V.Triandafilov đã tử nạn trong một tai nạn máy bay ngày 12/7/1931. Cũng còn may là ông đã kịp có những đề xuất lên trên về viên chỉ huy trung đoàn này. Chính nhờ V.Triandafillov mà A.Vasilievski đã được rút về Bộ Tổng tham mưu chuyên làm nhiệm vụ tổng hợp và phân tích kinh nghiệm tác chiến.

Từ tháng 3/1931, vị nguyên soái tương lai phục vụ trong Cục huấn luyện tác chiến Hồng Quân – là trợ lý Trưởng phòng 2. Từ tháng 12/1934 là Trưởng phòng huấn luyện tác chiến Quân khu Privolzski (Volga).

Tháng 4/1936 được cử đi học tại Học viện Bộ Tổng tham mưu vừa mới được thành lập, nhưng chỉ sau năm thứ nhất đã bất ngờ được đề bạt làm Chủ nhiệm bộ môn của chính Học viện thay cựu Chủ nhiệm bộ môn I.I Trutko mới bị thanh trừng.

Aleksandr Vasilievski – vị nguyên soái Liên Xô nhiều cá tính - 2

Tháng 10/1937, A.Vasilievski lại được bổ nhiệm – Trưởng phòng huấn luyện tác chiến Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu. Năm 1938, A.Vasilievski được Dân ủy Bộ Quốc phòng (bộ trưởng) công nhận là đã tốt nghiệp đặc cách Học viện Bộ Tổng tham mưu. Từ 21/5/1940, A. Vasilievski giữ chức Cục phó Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu.

Mùa xuân năm 1940, A. Vasilievski lãnh đạo phái đoàn chính phủ về phân định biên giới Liên Xô- Phần Lan và chuẩn bị các kế hoạch tác chiến trong trường hợp xảy ra chiến tranh với nước Đức Quốc xã.

Ngay sau khi cuộc Chiến tranh vệ quốc bắt đầu, ngày 29/6/1945, nguyên soái Boris Mikhailovich Saposhnhikov được tái bổ nhiệm làm Tổng tham mưu trưởng thay Georgi Zukov.

Ngày 1/8/1941 Aleksandr Vasilievski được đề bạt làm Phó Tổng tham mưu trưởng kiêm Cục trưởng Cục tác chiến. Cuối năm 1941, A. Vasilievski là người có đóng góp rất quan trọng trong tổ chức phòng thủ Matxcova vàcác chiến dịch tấn công tiếp theo của Quân đội Xô Viết.

Ở đây cần nói thêm một điều là cựu Đại tá Quân đội Nga Hoàng Boris Shaposhnhikov (Tổng tham mưu trưởng lúc đó) là nhà lãnh đạo quân sự duy nhất mà I.Stalin khi giao tiếp luôn gọi bằng tên và cả tên đệm (tên cha- thể hiện sự kính trọng và đời thường,- còn với những người khác luôn gọi là “đồng chí” kèm theo họ ,mang tính chất công việc) và là người duy nhất luôn giữ vai trò cố vấn quân sự riêng cho nhà lãnh đạo Xô Viết, được Stalin tin tưởng tuyệt đối.

Tuy nhiên, vào thời gian đó M. Saposhnhikov đã 60 tuổi, bị nhiều bệnh - những gánh nặng và sự căng thẳng quá sức trong những tháng đầu chiến tranh Vệ quốc đã gần như ngay lập tức bào mòn sức khỏe vốn đã không tốt của ông. Chính vì thế mà A. Vasilievski ngày càng trở thành một nhân vật chính trong Bộ Tổng tham mưu.

Cuối cùng, vào tháng 5/1942, sau những thất bại nặng nề của Hồng quân ở phía Nam – chảo lửa ở Kharkov và thất bại tại Mặt trận Crimea, M.Saposhnhikov nghỉ hưu. Aleksandr Vasilievski chính thức nhậm chức Tổng tham mưu trưởng ngày 26/6/1942, còn trước đó – chỉ huy chiến đấu trên nhiều chiến trường ở phía Bắc và phía Nam.

Aleksandr Vasilievski – vị nguyên soái Liên Xô nhiều cá tính - 3

Aleksandr Vasilievski tiếp nhận sư đầu hàng của Thiếu tướng Đức Alfon Hitter . Vichebsk , 28/6/1944

Đến thời điểm này, A.Vasilievski đã là Thượng tướng. Ông nhận cương vị mới đúng vào lúc Hồng quân đang đứng trước những tình thế nguy hiểm nhất: thảm bại ở Kharkov, Quân Đức chọc thủng tuyến phòng ngự và đang tiến về Stalingrad, Tập đoàn quân xung kích số 2 của Tướng A. Vlasov bị bao vây chặt ở Miasnoi Bor.

Tuy nhiên, A.Vasilievski đã vững vàng vượt qua được thử thách. Ông là một trong những người lập kế hoạch phản công trong trận Stalingrad, tham gia vạch kế hoạch và điều phối một số chiến dịch chiến lược khác. Đến tháng 2/1943, sau chiến thắng tại Stalingrad A. Vasilievski đã trở thành nguyên soái Liên Xô, -lập một kỷ lục là chỉ đeo quân hàm Đại tướng không đầy 01 tháng (ở ta kỷ lục mới nhất từ phó giám đốc sở lên giám đốc sở cũng phải mất tới 06 tháng ).

Vị Tổng Tham mưu trưởng khiêm tốn này đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ đạo diễn một dàn nhạc lớn là Quân đội. Ông đã có những đóng góp to lớn trong phát triển nghệ thuật quân sự Xô Viết, đích thân tham gia lập kế hoạch nhiều chiến dịch.

Thừa ủy quyền của Bộ Tổng tư lệnh tối cao, A. Vasikievski đã điều hành các hoạt động của Phương diện quân Thảo nguyên và Phương diện quân Voronhez trong trận Kursk nổi tiếng.

Lãnh đạo công tác lập kế hoạch và tiến hành các chiến dịch quy mô chiến lược giải phóng Donbass, Bắc Tavri, Crimea, chiến dịch tấn công Belarusia. Ngày 29/7/1944, vì những thành tích xuất sắc khi thực hiện các nhiệm vụ Bộ Tổng tư lệnh tối cao giao, nguyên soái A.Vasilievski được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.

Nhưng không nên nghĩ rằng lúc nào A.Vasilievski cũng ngồi vạch kế hoạch tại văn phòng Bộ Tổng tham mưu. Tháng 5/1944, sau khi giải phóng Xevastopol, A.Vasilievski bị thương nhẹ khi xe chở ông vị vướng mìn.

Tháng 2/1945, lần đầu tiên trong chiến tranh ông đã chỉ huy một phương diện quân. A.Vasilievski từng nhiều lần đề nghị được thôi chức Tổng Tham mưu trưởng để trực tiếp tham gia chỉ huy chiến đấu. I.Stalin lưỡng lự, nhưng đến tháng 2 thì Tư lệnh Phương diện quân Belarus số 3 Ivan Chernhiakovski hy sinh nên Stalin buộc phải đồng ý.

Sau khi bàn giao nhiệm vụ Tổng tham mựu trưởng cho một tướng tài khác là Aleksey Antonov – A. Vasilievski chỉ huy Phương diện quân Belorus số 3. Đích thân ông đã chỉ huy chiến dịch tấn công Kenigsberg (nay là Kaliningrad).

Aleksandr Vasilievski – vị nguyên soái Liên Xô nhiều cá tính - 4

AVasilievski (bên trái) trên tiền duyên mặt trận Xevastopol, 3/5/1944.

Ngay từ mùa thu năm 1944, A.Vasilievski đã được giao nhiệm vụ tính toán chi tiết binh lực và phương tiện cần thiết để tiến hành chiến tranh với Nhật Bản. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông, đầu năm 1945, các sỹ quan tham mưu Liên Xô đã lập xong kế hoạch tấn công Mãn Châu Lý.

Ngày 30/7/1945, A. Vasilievski được bổ nhiệm làm Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Liên Xô ở Viễn Đông. Trước khi tiến hành chiến dịch quy mô lớn chống Nhật, đích thân A. Vasilievski đến từng khu vực tập kết ,nắm tình hình đơn vị được giao, trao đổi với với tư lệnh các tập đoàn quân và quân đoàn dưới quyền.

Trong các cuộc họp như vậy, A. Vasilievski đã cùng các tư lệnh quyết định rút ngắn thời gian thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu, trong đó có thời gian hành quân qua Mãn Châu Lý. Các đơn vị Xô Viết và Mông Cổ chỉ mất 24 ngày để đánh bại Tập đoàn quân Quan Đông 1 triệu người của Nhật.

Cuộc hành quân của Bộ đội Xô Viết “Băng qua sa mạc Go bi và Đại Hưng An” (tên một bộ phim Liên Xô về chiến dịch này - các sử gia Phương Tây gọi là “ Bão táp tháng tám”) cho đến bây giờ vẫn được nghiên cứu tại các học viện quân sự trên thế giới vì được coi là một ví dụ mẫu mực về công tác lên kế hoạch, bố trí đội hình, đảm bảo hậu cần và logistics cho đội hình hành quân.

Đội quân Xô Viết với hơn 400.000 người, 2.100 xe tăng và 7.000 khẩu pháo cùng nhiều vũ khí và trang bị kỹ thuật khác được chuyển từ phía Tây sang phía Đông trong điều kiện rất khó khăn về giao thông và địa hình khí hậu đã có những ngày vượt được quãng đường 80 đến 90 km, không bị ùn tắc (hay “ ùn ứ”) nhờ có một hệ thống cung cấp và sửa chữa được tính toán và thực hiện đến mức lý tưởng.

Sau chiến dịch chớp nhoáng chống Nhật Bản, ngày 8/9/1945, nguyên soái A. Vasilievski được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô lần thứ hai. Chiến tranh kết thúc, A.Vasilievski được tái bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng và tiếp theo đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Trước A. Vasilievski, chức Bộ trưởng quốc phòng do Nhikolai Bulganhin đảm nhiệm (ông này mặc dù cũng mang quân hàm nguyên soái, nhưng là người làm công tác chính trị chứ không phải là người cầm quân). Còn trước N.Bulganin thi đích thân I.V.Stalin làm Bộ trưởng quốc phòng. Đến thời điểm này, Lãnh tụ Xô Viết đã nghi ngờ “nguyên soái Chiến thắng” ( G.Zukov) và việc A.Vasilievski nhậm chức Bộ trưởng quốc phòng cũng đã nói lên rất nhiều điều.

Aleksandr Vasilievski – vị nguyên soái Liên Xô nhiều cá tính - 5

Rất có thể, I.Stalin muốn A. Vasilievski thay thế vai trò “Cố vấn số một cho lãnh tụ” của M. Saposhnhikov mới qua đời năm 1945. Tất nhiên, tất cả các động cơ thực sự của Stalin đến nay vẫn là một điều bí mật.

Có thể là do cả I. Stalin và Vasilievski đã từng học chủng viện. Cũng có thể -A. Vasilievski là học trò số một của Boris Saposhnikov – người được Stalin rất tin tưởng như đã nói ở phần trước, và A.Vasilievski đã thể hiện được tài năng của minh của mình trong chiến tranh.

Nhưng dù thế này hay thế khác thì chính vào thời kỳ I.Stalin A. Vasilievski đã đạt đến đỉnh cao sự nghiệp, sau khi ông mất thì nguyên soái A.Vasilievski bắt đầu bị thất sủng. Ngay trong những đầu sau khi I.Stalin qua đời, N. Bulganhin lại quay lại nắm chức Bộ trưởng quốc phòng.

Không những thế, quan hệ giữa A. Vasilievski với N. Khrushev cũng không tốt – lãnh đạo mới N. Khrushev yêu cầu tất cả các tướng lĩnh phải lên án I. Stalin, nhưng A. Vasilievski, như nhiều nhà cầm quân Xô Viết khác đã không làm điều đó. A. Vasilievski là người thường xuyên làm việc với I.Stalin trong Chiến tranh Vệ quốc (có lẽ ông là người có thời gian tiếp xúc với lãnh tụ nhiều nhất trong số các tướng lĩnh thời kỳ đó vì là Tổng Tham mưu trưởng), nên hiểu rất rõ I.Stalin.

Lương tâm không cho phép ông dối trá và hạ thấp tài năng quân sự của V.Stalin. Tuy nhiên, A. Vasilievski cũng không đồng tình và chỉ trích một số việc làm của Stalin, trong đó có đợt thanh trừng Quân đội năm 1937 – ông cho rằng đây một trong những nguyên nhân dẫn đến những thất bại trong thời kỳ đầu chiến tranh.

Do “ ương bướng” như vậy nên Bộ trưởng quốc phòng nguyên soái A.Vasilievski được phân công làm thứ trưởng Bộ quốc phòng “phụ trách khoa học” và đến tháng 12/1957 thì được cho về hưu.

Sau đó lại tham gia công tác trong Tổng thanh tra quân đội Liên Xô. Năm 1973, A. Vasilievski cho xuất bản cuốn hồi ký “ Sự nghiệp cả cuộc đời” – kể lại một cách chi tiết nhưng khô khan những gì ông đã làm trong chiến tranh.

Cho đến tận những ngày cuối cùng, vị nguyên soái này kiên quyết từ chối những đề nghị làm phim về mình và viết thêm hồi ký - ông giải thích rằng tất cả những gì cần viết thì ông đã viết trong “Sự nghiệp cả cuộc đời” rồi. Nguyên soái A. Vasilievski mất ngày 5/12/1977, thọ 82 tuổi. An táng ở chân tường Điện Kremlin trên Quảng trường Đỏ thủ đô Matxcova.

Theo Lê Hùng (tổng hợp)

Đất Việt

Aleksandr Vasilievski – vị nguyên soái Liên Xô nhiều cá tính - 6