1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ai thực sự đứng sau âm mưu đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ?

(Dân trí) - Trong khi giới chức Thổ Nhĩ Kỳ quy trách nhiệm vụ đảo chính bất thành ngày 15/7 cho giáo sỹ Hồi giáo lưu vong Fethullah Gulen, bản thân giáo sỹ này đã bác bỏ, còn giới quan sát phương Tây nhìn nhận với sự hoài nghi.

Tổng thống Tayyip Erdogan cáo buộc những người Gulen đứng sau âm mưu đảo chính. (Ảnh: AFP)
Tổng thống Tayyip Erdogan cáo buộc những người Gulen đứng sau âm mưu đảo chính. (Ảnh: AFP)

Ngay sau âm mưu đảo chính bất thành, khiến hơn 200 người thiệt mạng còn dư luận thế giới bàng hoàng, Tổng thống Tayyip Erdogan đã tuyên bố những người Hồi giáo trung thành với giáo sỹ Fethullah Gulen, người sống lưu vong tại bang Pennsylvania, Mỹ phải chịu trách nhiệm.

Bản thân ông Gulen đã lên tiếng bác bỏ mạnh mẽ cáo buộc. Còn theo tờ New York Times, giới chức phương Tây tin rằng vụ đảo chính chỉ là một thuyết âm mưu kỳ lạ nữa của ông Erdogan. Dù vậy nó không chỉ nhằm mục đích tuyên truyền, và có lí do hợp lý để tin rằng nhận định này là chính xác.

Phong trào Gulen

Cộng đồng Gulen được xây dựng quanh một người duy nhất: giáo sỹ Fethullah Gulen. Các tín đồ xem ông không chỉ là một giáo sỹ hiểu biết, như họ vẫn khẳng định, mà là “một người được chờ đợi”. Ông được xem như đấng cứu thế, người sẽ cứu vớt thế giới Hồi giáo, và thậm chí cả thế giới. Nhiều tín đồ cũng tin ông Gulen được gặp nhà tiên tri Muhammad trong các giấc mơ của mình, để nhận chỉ thị.

Ngoài quyền năng mặc nhiên của Gulen, một đặc điểm then chốt khác của phong trào này đó là sự phân chia thứ bậc của giáo phái. Phong trào Gulen có cấu trúc như một kim tự tháp. Các giáo sỹ cấp cao nhất truyền lệnh xuống cấp thứ hai, để cấp thứ hai truyền xuống cấp thứ ba và cứ như vậy cho tới cấp cuối cùng.

Hoạt động nổi bật nhất của nhóm này đó là xây dựng trường học, tổ chức các chương trình từ thiện để hỗ trợ người nghèo, duy trì các “trung tâm đối thoại” để truyền bà tình yêu thương, khoan dung và hòa bình. Tất cả đều không có gì phi pháp

Dù vậy, một tín đồ bị “vỡ mộng” ở phong trào Gulen từng tiết lộ với phóng viên New York Times rằng “có một mặt đen tối hơn của phong trào này, và chỉ một vài thành viên biết được điều đó”. Trong hàng thập niên, phong trào này cố gắng xâm nhập vào các cơ quan nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ, như cảnh sát, tòa án và quân đội.

Nhiều người tin rằng, một số thành viên phong trào Gulen, nhận lệnh từ các bề trên, đã che giấu danh tính của mình và cố gắng tìm cách thăng tiến hòng nắm giữ quyền lực nhà nước.

Nhiều tướng lĩnh đảo chính bị bắt bị cáo buộc là thành viên phong trào Gulen. (Ảnh: Daily Mail)
Nhiều tướng lĩnh đảo chính bị bắt bị cáo buộc là thành viên phong trào Gulen. (Ảnh: Daily Mail)

Khi ông Erdogan cùng đảng Công lý và Phát triển (AKP) thân Hồi giáo của mình lên nắm quyền năm 2002, họ cảm thấy bị đe dọa bởi những người theo tư tưởng thế tục cứng rắn, vốn chiếm thế áp đảo trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ từ thời ông Ataturk, nhà lập quốc của nước cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Erdogan xem các viên chức phong trào Gulen trong bộ máy chính quyền như một tài sản, và một liên minh đã ra đời. Chính phủ của ông Erdogan hậu thuẫn các sỹ quan cảnh sát, công tố viên và thẩm phán là thành viên phong trào này khi họ xét xử những người thế tục. Từ năm 2007, hàng trăm viên chức theo tư tưởng thế tục cùng các đồng minh dân sự của họ bị tống giam.

Từ đồng minh thành kẻ thù

Hoạt động này diễn ra với sự hậu thuẫn từ những chiêu tuyên truyền chính trị của chính quyền Erdogan. Dù vậy những người Gulen lại tỏ ra quyết liệt hơn cả AKP. Đáng ngại hơn, một số bằng chứng thực chất lại bị thổi phồng. Hai phóng viên thế tục và một cảnh sát trưởng, những người đã tố giác bằng chứng giả tạo và quy trách nhiệm cho “quân đội của các giáo sỹ” nhanh chóng bị tống giam vì những cáo trạng phi pháp.

Cuối cùng, mọi chuyện trở nên rõ ràng vì sao những người Gulen lại quyết liệt như vậy trong ứng phó những người thế tục: họ muốn thay thế vị trí của những người thế tục. Một số sỹ quan tham gia cuộc đảo chính tuần trước bị cho là được cất nhắc nhờ một cuộc thanh trừng lớn trong quân đội năm 2009, với cái cớ bảo vệ ông Erdogan khỏi một cuộc đảo chính.

Đến năm 2012, những người thế tục kỳ cựu đã bị đè bẹp, và phong trào Gulen cùng đảng A.K.P hầu như không còn đối thủ trong việc dẫn dắt Thổ Nhĩ Kỳ. Dù vậy chỉ chưa đầy 2 năm sau đó, hai bên đã nảy sinh những nghi kỵ, trước khi trở thành thù địch.

Căng thẳng lên đến đỉnh điểm tháng 12/2013, khi các sỹ quan cảnh sát và công tố viên là thành viên phong trào Gulen bắt giữ hàng chục quan chức chính phủ trong một vụ điều tra tham nhũng. Động thái này bị xem như nỗ lực hòng lật đổ ông Erdogan. Bản thân vị Tổng thống đã lên án vụ điều tra như “âm mưu đảo chính”. Từ đó tình hình cứ xấu đi.

Nhưng âm mưu đảo chính đẫm máu ngày 15/7 đã gây thiệt hại chưa từng có trong nhiều năm qua tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đáng chú ý, âm mưu này diễn ra khi ông Erdogan được tin là chuẩn bị có một cuộc thanh trừng lớn các thành viên phong trào Gulen bị nghi ngờ trong quân đội.

Tổng tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, người phản đối vụ đảo chính, đã khẳng định các sỹ quan nổi loạn là thành viên phong trào Gulen. Một kẻ tham gia âm mưu thậm chí thừa nhận hành động theo lệnh từ phong trào Gulen.

Với cấu trúc tổ chức của cộng đồng Gulen, tất cả những điều này khiến ông Gulen trở thành nghi phạm số một. Tất nhiên sự thật chỉ có thể được xác định khi vụ việc được xét xử công bằng. Thế nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lại không phải một nơi như vậy, nhất là khi ông Erdogan kiểm soát cơ quan tư pháp và xã hội Thổ Nhĩ Kỳ đang chịu phân cực dữ dội.

Thanh Tùng

Theo NYTimes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm