Ai sẽ nắm quyền "chèo lái" Syria sau khi chính quyền Assad bị lật đổ?
(Dân trí) - Việc các phe nhóm tìm được tiếng nói chung và thống nhất đường lối lãnh đạo sau khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ là viễn cảnh khó khăn ở Syria.
Trên con đường từ biên giới Syria với Li Băng đến Damascus vào ngày 8/12, các đồn quân sự Syria bị bỏ trống. Mặt đường ngổn ngang quân phục do lực lượng của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad bỏ lại, những người đã nhanh chóng thay quần áo dân thường và tháo chạy khỏi phe nổi dậy.
Những tấm áp phích có hình ảnh Tổng thống Assad đã bị xé và bôi bẩn. Chưa đầy 2 tuần sau khi quân nổi dậy bắt đầu tiến công, chính quyền Syria đã sụp đổ và ông Assad được cho đã chạy đến Moscow. Tại Damascus và trên khắp đất nước, người dân Syria reo hò chào đón một khởi đầu mới và khởi động lại mối quan hệ của họ với thế giới.
Khởi đầu mới cho Syria
Người Syria sẽ có được sự khởi đầu mới như thế nào? Điều này phần lớn phụ thuộc vào việc liệu lực lượng đối lập gồm nhiều phe phái của Syria, trong bối cảnh bị mất đi "kẻ thù" chung, sẽ đoàn kết lại để thành lập một chính phủ dân sự liên minh trên toàn Syria hay sẽ lao vào cuộc tranh giành đẩy đất nước vào một cuộc nội chiến mới.
Những dấu hiệu ban đầu về tương lai của Syria được cho là khả quan, mặc dù vẫn còn quá sớm để chắc chắn về bất cứ điều gì. Lực lượng phiến quân, đứng đầu trong số đó là nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS), một nhánh cũ của al-Qaeda đã kiểm soát một phần tây bắc Syria trong vài năm qua, cho biết họ đã rút ra được bài học từ những thay đổi chế độ trước đó ở thế giới Ả Rập. Không giống như ở Iraq và Libya, quá trình chuyển giao đang được thực hiện từ các địa phương, thay vì do các thế lực nước ngoài và những người lưu vong trở về. Nga và Iran, trước đây là những bên ủng hộ chính của Tổng thống Assad, đã lui vào "bóng tối".
Lực lượng nổi dậy đã kêu gọi cảnh sát và các cơ quan công quyền tiếp tục giữ nguyên vị trí của họ trong khi chờ đợi thông báo về một chính phủ thống nhất. Lực lượng nổi dậy cũng áp đặt lệnh giới nghiêm, mà đến tối ngày 8/12, lệnh này dường như đã ngăn chặn được hầu hết tình trạng cướp bóc ở thủ đô. Lực lượng nổi dậy cũng không quá khoa trương về chiến thắng của mình và hứa sẽ bảo vệ nhiều nhóm thiểu số của Syria.
Tuy nhiên, mọi thứ ở Syria thường trở nên phức tạp. Sự chia rẽ thực tế ở Syria dưới thời Tổng thống Assad đã trở nên gay gắt hơn sau khi chính quyền sụp đổ. Những phiến quân từ phía bắc, phía đông và phía nam Syria đã phối hợp tiếp quản với kỷ luật đáng kinh ngạc trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, vì chính quyền Tổng thống Assad sụp đổ nhanh hơn nhiều so với dự kiến, nên họ không có thời gian để lên kế hoạch cho ngày kế tiếp.
Mỗi phe phái trong 4 nhánh chính, gồm lực lượng nổi dậy Sunni được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở phía tây bắc, lực lượng người Kurd ở phía bắc và phía đông, lực lượng nổi dậy được Jordan hậu thuẫn ở phía nam và những người trung thành còn lại từ giáo phái Alawite của Tổng thống Assad ở phía tây - đều có lực lượng vũ trang riêng. Tất cả đều được củng cố bằng vũ khí, đất đai và tài sản kinh tế bị tịch thu từ gia tộc Assad trong những ngày gần đây. Mỗi nhóm đều muốn có phần chiến lợi phẩm của mình và một phần trong bất kỳ gói hỗ trợ nào được dùng để tái thiết đất nước bị tàn phá, với con số ước tính tốn khoảng 200 tỷ USD.
Chỉ vài giờ sau khi chính quyền Tổng thống Assad sụp đổ, lệnh ngừng bắn mong manh giữa các phe nhóm đã bắt đầu tan vỡ khi giao tranh bùng phát tại Manbij, trên ranh giới phân chia những người Ả Rập được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở phía tây bắc với người Kurd ở phía đông bắc. Người Syria không quên rằng sự sụp đổ của các nhà lãnh đạo ở Iraq và Libya đã gây ra một thập niên nội chiến giữa những người kế nhiệm họ. Họ cũng không biết rằng việc quản lý mối quan hệ với những nước láng giềng sẽ khó khăn như thế nào.
Ứng cử viên tiềm năng
Ứng cử viên mạnh nhất để lãnh đạo Syria là Abu Muhammad al-Jolani, thủ lĩnh 42 tuổi của HTS, người đã phát động cuộc tấn công của quân nổi dậy từ trụ sở của mình ở Idlib, tây bắc Syria vào ngày 27/11. Ông Jolani đã từ bỏ biệt danh Hồi giáo của mình và đảm bảo với những người theo đạo Thiên chúa cũng như phụ nữ rằng ông không có kế hoạch áp đặt các quy tắc Hồi giáo nghiêm ngặt.
Vào tối ngày 8/12, ông Jolani đã có một bài thuyết giảng tại nhà thờ Hồi giáo Umayad ở Damascus. Đài truyền hình nhà nước Syria đã phát sóng một tuyên bố trong đó ông tuyên bố rằng "tương lai là của chúng ta".
Tuy nhiên, quá khứ của Jolani với tư cách là thủ lĩnh al-Qaeda tại Syria và việc ông trấn áp mạnh mẽ các đối thủ khiến nhiều người cảnh giác. Để những phiến quân khác chấp nhận sự lãnh đạo của ông sẽ là nhiệm vụ khó khăn nhất đối với Jolani. Trong nhiều năm, ông đã chiến đấu với họ nhiều hơn là với Tổng thống Assad. Vài trăm phiến quân ở phía nam từng vượt qua ông Jolani để đến Damascus. Họ diễu hành đến dinh tổng thống và áp giải Thủ tướng Mohammad Ghazi Al-Jalali, không chỉ để truy đuổi những người trung thành với Tổng thống Assad mà còn để ngăn ông Jolani đến đó trước.
Việc Mỹ, Nga và Liên hợp quốc đều coi ông Jolani là một đối tượng khủng bố và HTS là một tổ chức khủng bố cũng có thể làm phức tạp thêm tình hình nếu ông thực sự lên nắm quyền ở Syria. Mối quan hệ chặt chẽ của ông với Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar khiến các cường quốc Ả Rập muốn hạn chế vùng ảnh hưởng của họ khó chịu.
"Chúng tôi sợ rằng ông ấy có thể trở thành một Assad khác", một nhà phân tích có mối quan hệ chặt chẽ với các đối thủ của ông Jolani cho biết.
Viễn cảnh khó khăn
Bất kỳ ai nắm quyền ở Damascus cũng sẽ gặp khó khăn trong việc kiểm soát toàn bộ Syria. Ở phía đông bắc, người Kurd sẽ trông cậy vào vài trăm lính Mỹ đồn trú ở đó để ngăn chặn những nỗ lực đưa các mỏ dầu béo bở, vựa lúa mì của Syria và các thành phố Ả Rập mà họ đang kiểm soát trở lại dưới sự kiểm soát của chính quyền trung ương. Ở Manbij và Raqqa, họ đã chiến đấu với các lực lượng được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn để bảo vệ quyền tự chủ mà họ đã được trao dưới thời ông Assad.
Tập trung ở các ngôi làng miền núi phía trên bờ biển Địa Trung Hải, giáo phái của ông Assad, Alawites, cũng sẽ phải quyết định xem có nên chiến đấu hay chấp nhận sự dẫn dắt của đa số người Sunni. Ngoài các vũ khí hạng nặng thu được từ cuộc tấn công của chính quyền Syria, họ cũng có thể trông cậy vào sự bảo vệ của Nga, khi Moscow vẫn giữ một căn cứ hải quân và không quân ở đây, tùy thuộc vào các cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ và những người cầm quyền mới của Syria.
Theo lộ trình của Liên hợp quốc được thống nhất vào năm 2015, Ủy ban đàm phán Syria được cho là sẽ giám sát vai trò của phe đối lập trong quá trình chuyển giao quyền lực ở Syria. Ủy ban này được giao nhiệm vụ giúp soạn thảo một hiến pháp mới, chuẩn bị cho cuộc bầu cử trong 18 tháng và hợp nhất nhiều lực lượng dân quân của Syria thành một đội quân gồm các nhóm dân tộc và tôn giáo của đất nước. Nhưng các lực lượng trên thực địa dường như không vội vàng nhượng bộ.
Một số người hy vọng các thế lực nước ngoài có thể giúp quân nổi dậy tập hợp các hội đồng chính trị và quân sự, hoặc thậm chí là một chính phủ thống nhất và mở đường cho một cuộc chuyển giao quyền lực. Tuy nhiên, nước Mỹ có lẽ sẽ không giúp được gì nhiều.
"Syria đang trong tình trạng hỗn loạn, nhưng nước này không phải bạn của chúng ta. Mỹ không nên hành động gì liên quan tình hình Syria. Đây không phải cuộc chiến của chúng ta. Đừng dính líu", Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump bình luận hôm 7/12.
Sau 13 năm nội chiến và kiệt quệ, một bộ phận người dân Syria đang cầu nguyện cho một cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình, vốn được xem là vô cùng hiếm hoi ở thế giới Ả Rập. Với quá nhiều sự chia rẽ bên trong và bên ngoài Syria, sẽ rất khó để tìm được sự đồng thuận.