Chính quyền Assad sụp đổ, máy bay ném bom Mỹ oanh tạc mục tiêu ở Syria
(Dân trí) - Mỹ đã tiến hành hàng chục cuộc không kích vào các mục tiêu của IS ở Syria sau khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.
Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) ngày 9/12 tuyên bố tấn công hơn 75 mục tiêu, bao gồm các thủ lĩnh, đặc vụ và trại lính của tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria, để đảm bảo rằng nhóm vũ trang này không lợi dụng tình trạng rối ren sau khi chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad sụp đổ.
Cuộc không kích có sự tham gia của các máy bay quân sự bao gồm máy bay ném bom Boeing B-52 Stratofortress và máy bay chiến đấu McDonnell Douglas F-15 Eagle.
CENTCOM cho biết đang tiến hành đánh giá thiệt hại sau các cuộc không kích, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy có thương vong về dân thường.
"Chúng tôi sẽ không cho phép ISIS tái lập và lợi dụng tình hình hiện tại ở Syria. Tất cả tổ chức ở Syria nên biết rằng chúng tôi sẽ buộc họ phải chịu trách nhiệm nếu họ hợp tác hoặc hỗ trợ IS theo bất kỳ cách nào", Tổng tư lệnh CENTCOM Michael Erik Kurilla tuyên bố.
Các cuộc không kích diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden mô tả sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống al-Assad là "khoảnh khắc rủi ro" và "cơ hội lịch sử".
Trong bài phát biểu trên truyền hình từ Nhà Trắng, Tổng thống Biden cho biết việc chính quyền Tổng thống al-Assad sụp đổ sau cuộc nổi dậy của nhóm phiến quân Hayat Tahrir al-Sham (HTS) là cơ hội để người dân Syria "xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước đáng tự hào của họ".
"Đây cũng là thời điểm rủi ro và bất ổn. Khi tất cả chúng ta chuyển sang câu hỏi về những gì sẽ xảy ra tiếp theo, Mỹ sẽ hợp tác với các đối tác và các bên liên quan ở Syria để giúp họ nắm bắt cơ hội giải quyết rủi ro", ông Biden cho biết thêm.
Theo ông Biden, sự sụp đổ của chính quyền Syria là do sự suy giảm ủng hộ của Nga, Iran và Hezbollah.
"Trong nhiều năm, những người ủng hộ chính của chính quyền al-Assad là Iran, Hezbollah và Nga. Nhưng trong tuần qua, sự ủng hộ của họ đã sụp đổ vì cả 3 lực lượng này đều yếu hơn nhiều so với thời điểm tôi nhậm chức", ông Biden nói.
Sự kết thúc đột ngột của 53 năm lãnh đạo của gia đình al-Assad đã phủ một lớp màn bất ổn lên tình hình an ninh ở Trung Đông, bao gồm sự hiện diện của khoảng 900 quân nhân Mỹ tại Syria.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, người đã ra lệnh giảm một nửa số lượng quân Mỹ tại Syria trong nhiệm kỳ đầu tiên, tuyên bố chính quyền của ông sẽ không tham gia vào bất kỳ cuộc xung đột nào ở Syria.
"Syria đang trong tình trạng hỗn loạn, nhưng nước này không phải bạn của chúng ta. Mỹ không nên hành động gì liên quan đến tình hình Syria. Đây không phải cuộc chiến của chúng ta. Đừng dính líu", ông Trump tuyên bố.
Trong lần xuất hiện trước công chúng đầu tiên kể từ khi kiểm soát thủ đô Damascus, thủ lĩnh nhóm phiến quân HTS Abu Mohammed al-Julani, cựu thủ lĩnh của nhánh al-Qaeda Syria, đã mô tả sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống al-Assad là cơ hội để biến Syria thành "ngọn hải đăng cho quốc gia Hồi giáo" và là khởi đầu của một "lịch sử mới" cho khu vực.