Ai là người cử tri Mỹ muốn uống bia cùng?
Cử tri Mỹ sẽ bầu chọn người lãnh đạo cao nhất của đất nước, nhưng đồng thời muốn tìm người khiến họ hãnh diện về phong cách và hình ảnh khi xuất hiện.
“Cử tri Mỹ thường bỏ phiếu bầu tổng thống dựa trên lựa chọn cảm tính cá nhân. Về một mặt nào đó, bầu cử tổng thống Mỹ giống như chấm giải cuộc thi sắc đẹp” - ông Steve Baas - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Milwaukee (bang Wisconsin) - đưa ra nhận định độc đáo khi bình luận về hàng tỉ USD đang được guồng máy tranh cử của hai ứng viên Dân chủ và Cộng hòa ném vào truyền hình.
“Ngôi sao” truyền hình
Theo ông Baas, khả năng của các ứng viên trong việc thể hiện bản thân trước cử tri đóng vai trò rất quan trọng trong bầu cử ở Mỹ. “Sự cạnh tranh, kinh nghiệm hoặc tầm nhìn lãnh đạo của ứng viên không đủ để có thể thuyết phục được lá phiếu của các cử tri Mỹ. Họ sẽ bỏ phiếu cho người mà họ thấy thoải mái, hoặc “thích”.
Cử tri Mỹ sẽ bầu chọn người lãnh đạo cao nhất của đất nước, nhưng đồng thời muốn tìm người khiến họ hãnh diện về phong cách và hình ảnh khi xuất hiện. Bạn thấy đấy, các tổng thống Mỹ luôn có vẻ ngoài quyến rũ và là “ngôi sao truyền hình”. Đó là khía cạnh “cuộc thi sắc đẹp” trong tranh cử tại Mỹ” - ông Baas nói.
Ông Michael F.Curtin - cựu Tổng Biên tập tờ Cplumbus Dispatch và hiện đang tranh cử vào Nghị viện bang Ohio – cũng nhất trí về tầm quan trọng của khía cạnh “cuộc thi sắc đẹp”. “Phần lớn cử tri Mỹ không hiểu sâu về các chính sách đối nội cũng như đối ngoại. Họ biết rất ít về những chính sách thực sự cần thiết để giải quyết các vấn đề lớn của đất nước” - ông Curtin nói. Theo chính trị gia Curtin, cử tri Mỹ bị ảnh hưởng lớn bởi những hình ảnh nông cạn họ thấy, chủ yếu qua truyền hình.
Vào ngày 3/10 tới, cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình đầu tiên giữa Tổng thống Obama và đối thủ Mitt Romney tại Trường Đại học Colorado, với chủ đề về kinh tế. Chuyên gia Baas cho rằng, cuộc tranh luận này rất quan trọng đối với các cử tri Mỹ đang dao động. “Họ sẽ bỏ phiếu cho ứng viên nào thể hiện được khả năng hùng biện, phong cách hấp dẫn và đáng được “ưa thích”, hơn là người đưa ra câu trả lời xác đáng” - chuyên gia Baas diễn giải.
Minh chứng lớn nhất, theo ông Baas, là kết quả thăm dò từ cuộc tranh luận năm 1960 giữa ứng viên tổng thống Richard Nixon và John F.Kennedy. Những người nghe tranh luận trên sóng phát thanh sẽ chọn bỏ phiếu cho Nixon. Nhưng những người theo dõi qua truyền hình lại nghiêng về J.F.Kennedy, vì ông ấy hấp dẫn hơn và phong độ hơn.
Tặng cử tri bia “Made in White House”
Trong khi đó, biên tập viên của mạng Colorado Public News - bà Ann Imse - lại lấy ví dụ minh họa từ cuộc tranh cử tổng thống Mỹ 2004 giữa Tổng thống George W.Bush và ứng viên Dân chủ John Kerry. Vào thời điểm đó, ông Bush thường bị mô tả là thiếu thông minh và “kiêu ngạo”, còn đối thủ Kerry được mô tả như người trí tuệ và tài giỏi. Nhưng 56% số người Mỹ lại nhất trí rằng ông Bush thân thiện và là “hàng xóm tốt”, so với 38% phiếu cho ông Kerry. “Cử tri Mỹ dồn phiếu cho ông Bush chỉ vì cho rằng “ông ta là người thú vị để uống bia cùng”.
Trong một cuộc thăm dò cử tri Mỹ mới đây với chủ đề “Ai là người bạn thích uống bia cùng”, ông Obama vượt xa đối thủ Mitt Romney về tỉ lệ bầu chọn, bất chấp những vấn đề lớn và sự suy thoái của nền kinh tế sau nhiệm kỳ đầu tiên của ông trong Nhà Trắng. Đây cũng là một trong những lý do Tổng thống Obama cởi mở tặng một cử tri hâm mộ chai bia “Made in White House” (Chế tạo tại Nhà Trắng) do gia đình ông tự làm trong chuyến vận động bầu cử cuối tháng 8 vừa qua tại Ohio, nhằm thể hiện hình ảnh gần gũi với cử tri Mỹ.
Theo Giáo sư Lenneal Joseph Henderson (Đại học Baltimore), đa phần người Mỹ vẫn yêu thích Tổng thống Obama. “Ông ấy là một người tốt, một người cha tận tụy, một người chồng chung thủy. Ông ấy tạo ra sự ấm áp trong các cuộc vận động tranh cử. Điều này hoàn toàn trái ngược với Mitt Romney. Ông ấy chắc chắn không phải kiểu người mà bạn muốn ngồi và uống bia cùng” - Giáo sư Henderson cho hay.
Trong cuộc trao đổi với nhóm phóng viên quốc tế tại Washington DC, ông Quinn - đồng sáng lập quỹ Quinn Gillespie&Associates - người tự nhận mình là phe “Dân chủ Clinton” chứ không phải “Dân chủ Obama” - ví von: “Ông Obama là một chính trị gia hoàn hảo, giống như một “chú mèo” với cử tri Mỹ. Ông ấy biết cách thể hiện bản thân, trông có vẻ ấm áp, dễ gần, dù thực tế là người tách biệt và không gắn kết”.
(còn tiếp)
Theo Lao Động