1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ai giữ "nút bấm hạt nhân" khi ông Kim Jong-un công du Singapore?

(Dân trí) - Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Singapore để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh lịch sử, một vấn đề được nhiều người quan tâm là liệu họ có mang theo "nút bấm hạt nhân" như từng tranh cãi hồi năm ngoái hay không.


Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)

Trong một diễn biến chưa từng có, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ có cuộc gặp lịch sử vào sáng mai tại Singapore. Chỉ chưa đầy 1 năm trước, hai nhà lãnh đạo vẫn còn "khẩu chiến", đọ "nút bấm hạt nhân". Ông Kim Jong-un nói: "Nút bấm hạt nhân luôn trên bàn làm việc của tôi". Ông Trump lập tức đáp lại với tuyên bố: "Tôi cũng có nút bấm hạt nhân, nhưng to hơn và mạnh hơn của ông ấy".

Khi họ gặp nhau ở Singapore, một điều chắc chắn là sẽ có một sĩ quan mang theo chiếc vali hạt nhân có chứa mã phóng luôn theo cùng Tổng thống Trump như hình với bóng. Chiếc vali cho phép người đứng đầu nước Mỹ có thể ra lệnh một cuộc tấn công hạt nhân dù ở bất cứ đâu, thậm chí khi công du nước ngoài.

Một câu hỏi được đặt ra, liệu ông Kim Jong-un có mang theo "nút bấm hạt nhân" khi tới Singapore hay không hay giao lại cho một trợ lý thân tín.

Theo các chuyên gia, “nút bấm hạt nhân” mà ông Kim Jong-un đề cập không phải một nút bấm thực sự hay giống vali hạt nhân của Tổng thống Mỹ, nó chỉ mang ý nghĩa tượng trưng cho kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Chuyến công du Singapore là chuyến công du xa nhất của ông Kim Jong-un kể từ khi lên nắm quyền năm 2011 và là chuyến công du đầu tiên không phải là Hàn Quốc hay Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng, với một chuyến đi như vậy, ông Kim Jong-un chắc chắn phải tự tin về an ninh của kho vũ khí hạt nhân cũng như khả năng ra lệnh sử dụng trong trường hợp cần thiết.

"Chúng tôi không biết rõ về năng lực liên lạc của Triều Tiên, do vậy việc liệu ông Kim Jong-un có thể dễ dàng liên lạc với cơ quan chỉ huy đầu não hay không trong thời gian ở Singapore vẫn là một câu hỏi để ngỏ", Andrew O'Neil, một chuyên gia về chính sách hạt nhân Triều Tiên tại Đại học Griffith của Australia, nhận định.

Chuyên gia này cho rằng, hệ thống tình báo, liên lạc và kiểm soát hạt nhân của Triều Tiên dường như sẽ được thiết kế để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho quá trình ra quyết định của ông Kim Jong-un. Tuy nhiên, ông O'neil cho rằng, quá trình ra mệnh lệnh hạt nhân của ông Kim Jong-un sẽ không nhanh chóng như cơ chế vali hạt nhân của Tổng thống Mỹ.

Michael Madden, chuyên gia của trang web 38North, cho rằng, ông Kim Jong-un dường như sẽ trao lại quyền kiểm soát kho vũ khí hạt nhân cho một trong các trợ lý thân tín ở lại Bình Nhưỡng khi ông công du, trong đó có ông Choe Ryong Hae. "Ông Kim có thể ra lệnh hoặc phê chuẩn một cuộc tấn công hạt nhân khi ông ấy không có mặt trong nước", ông Madden nhận định.

Theo đó, các trợ lý thân tín của ông Kim Jong-un được cho là sẽ kiểm soát hệ thống thông tin liên lạc và một hệ thống mã phóng có thể kích hoạt khi cần thiết.

Tuy nhiên, nhiều câu hỏi vẫn bỏ ngỏ như liệu Triều Tiên có các hệ thống thông tin liên lạc đáng tin cậy hay không, Vipin Narang, phó giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts, nhận định.

Minh Phương

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm