1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Ai đang phá vỡ "cơ hội vàng" ở Syria ?

Được ví là “cơ hội vàng” để giải quyết khủng hoảng, nhưng lệnh ngừng bắn mới tại Syria do Nga và Mỹ làm trung gian đang có nguy cơ bị đổ vỡ sau các vụ không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu khiến gần 200 binh sỹ Syria thương vong cuối tuần qua.

Đại sứ Syria tại Liên hợp quốc (LHQ) Bashar Ja’afari sáng 19-9 khẳng định, các vụ không kích của liên minh do Mỹ đứng đầu nhằm vào căn cứ ở tỉnh Deir al-Zor hôm 17-9 vừa qua chính là hành động làm “nhấn chìm” “cơ hội vàng” này.

Đại sứ Bashar Ja'afari tuyên bố, các cuộc không kích trên là nhằm mục đích phá hỏng kế hoạch ngừng bắn cũng như làm leo thang căng thẳng xung quanh thỏa thuận do Nga và Mỹ dàn xếp.

Ông cũng đặt ra câu hỏi về mối liên hệ giữa các binh sỹ Mỹ với IS khi mà ngay sau vụ không kích ở Deir al-Zor, các tay súng IS đã chiếm được khu vực này.

“Vụ không kích này đi ngược lại với thỏa thuận giữa Nga và Mỹ. Nó đồng nghĩa với việc Mỹ không muốn lệnh ngừng bắn thành công. Cũng có thể có mối liên hệ giữa các binh sỹ Mỹ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Mỹ đang giả bộ như họ đã không kích nhầm, nhưng đó chỉ là lời nói dối. Họ bào chữa như vậy để tránh ảnh hưởng đến thỏa thuận Nga – Mỹ. Hành động mang tính thù địch này là một cuộc tấn công nghiêm trọng nhằm vào Syria và quân đội Syria”.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi đã lên án các cuộc không kích trên, coi đó như bằng chứng cho thấy Mỹ hậu thuẫn khủng bố.

Theo ông Qasemi, cuộc không kích của phía Mỹ trùng lặp với cuộc tiến công của IS, cho thấy người Mỹ đang hậu thuẫn các nhóm khủng bố ở Syria và đồng thời vi phạm chủ quyền của Syria.

Ông lưu ý đây là hành động trái với luật pháp quốc tế, đe dọa chế độ ngừng bắn và tiếp tay cho các nhóm có tên trong danh sách khủng bố của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ.

Aleppo hoang tàn sau các vụ không kích hôm 17-9. Ảnh: Sputnik.
Aleppo hoang tàn sau các vụ không kích hôm 17-9. Ảnh: Sputnik.

Trước đó, công bố trên trang thông tin của Bộ Quốc phòng Nga hôm 18-9, Trung tâm hòa giải các bên đối địch tại Syria của Nga cho biết, các nhóm vũ trang bất hợp pháp cũng tuyên bố tham gia ngừng bắn tại quốc gia Trung Đông này đã 50 lần vi phạm thỏa thuận ngừng bắn trong vòng một ngày đêm qua.

Cụ thể gồm 17 vụ vi phạm tại Aleppo, 11 vụ tại Damascus, 7 vụ tại Hamas và Daraa, 5 vụ tại Latakia và 3 vụ tại Homs. Moskva cũng khẳng định, các cuộc không kích của lực lượng Không quân Nga và Syria không nhằm vào các nhóm vũ trang bất hợp pháp của phe đối lập đã tuyên bố tham gia thỏa thuận ngừng bắn và đã thông báo cho các trung tâm hòa giải của Nga và Mỹ thông tin về vị trí của mình.

Trong tuyên bố đưa ra cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo các cuộc không kích của liên quân do Mỹ đứng đầu nhằm vào quân đội Syria đang đe dọa việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn do Moskva và Washington đề xuất, đồng thời cáo buộc hành động đó như một sự đồng lõa với cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Bộ Ngoại giao Nga đã khẩn thiết kêu gọi Mỹ gây áp lực đối với các nhóm vũ trang bất hợp pháp mà Washington ủng hộ, thực hiện lệnh ngừng bắn vô điều kiện. Phía Nga cũng lấy làm tiếc về lập trường không xây dựng và khó hiểu của Mỹ tại cuộc họp HĐBA LHQ hôm 18-9.

Tại cuộc họp này, phía Mỹ không những không thể đưa ra lời giải thích thỏa đáng về cuộc không kích trên, mà còn tìm cách đảo ngược mọi chuyện. Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, vụ không kích là kết quả của việc Mỹ kiên quyết từ chối hợp tác chặt chẽ với Nga trong cuộc chiến chống IS và các tổ chức khủng bố khác.

Trong khi đó, khi được hỏi về việc liệu các vụ không kích trên có phải là dấu chấm hết cho thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ và Nga dàn xếp hay không, Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin cho rằng, vụ không kích cuối tuần qua cho thấy, Mỹ đang đi ngược lại cam kết của chính mình tại Syria và làm cho lệnh ngừng bắn có nguy cơ đổ vỡ.

Ông Churkin nói: “Tiến hành cuộc không kích này là Mỹ đã vi phạm 2 cam kết của mình. Một là cam kết với lệnh ngừng các hành động thù địch mà Mỹ đã thỏa thuận với Nga hồi tháng 2 và thỏa thuận này cũng mới được hai bên tái thực hiện chỉ vài ngày trước. Một cam kết khác mà họ đã vi phạm là cam kết với Chính phủ Syria khi Mỹ bắt đầu chiến dịch không kích cách đây 2 năm”.

Về phía Mỹ, Ngoại trưởng nước này John Kerry hôm 18-9 tuyên bố Nga cần gây ảnh hưởng lên chính quyền Syria trong việc tuân thủ lệnh ngừng bắn tại quốc gia này, đồng thời nhấn mạnh Washington sẽ gây áp lực lên phe đối lập tại Syria để thực thi thỏa thuận ngừng bắn.

Phát biểu trước đó tại cuộc họp của HĐBA LHQ, Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power cho biết Washington vẫn đang điều tra về các vụ không kích trên.

Bà Power tuyên bố: “Nếu xác định đúng là chúng tôi đã tấn công binh lính Syria, thì đây không phải là ý đồ của chúng tôi và đương nhiên Mỹ lấy làm tiếc”.

Quân đội Mỹ thông báo liên quân đã ngừng các vụ tấn công chống các mục tiêu nghi là của IS ở Đông Bắc Syria sau khi Nga thông báo, binh sỹ và xe cơ giới của quân đội nước này có thể đã bị tấn công.

Trong một diễn biến liên quan, một nguồn tin quân sự cao cấp ngày 19-9 cho biết, thỏa thuận ngừng bắn ở Syria do Nga và Mỹ làm trung gian sẽ hết hạn vào lúc 19h (giờ địa phương) cùng ngày.

Nguồn tin này nói: “Chúng tôi không biết liệu lệnh ngừng bắn này sẽ được gia hạn một lần nữa hay không.”

Cùng ngày, người đứng đầu một cơ quan chính trị của nhóm phiến quân Syria mang tên Fastagim có trụ sở ở thành phố Aleppo, miền Bắc Syria, Zakaria Malahifji cho rằng thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ và Nga làm trung gian đã “thất bại trên thực tế và đã chấm dứt,” đồng thời cho rằng không có hy vọng để viện trợ được chuyển đến phía Tây Aleppo vốn bị phiến quân chiếm giữ.

Người đứng đầu Zakaria Malahifji cũng ám chỉ rằng, các nhóm phiến quân đang chuẩn bị cho một hành động quân sự mới.

Theo Khổng Hà

Công an nhân dân