Ai có lợi trong cuộc tấn công quân sự Syria
Trước tình hình đang nóng lên tại Syria cũng như cáo buộc của phương Tây ngày càng nhiều về việc chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đã sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân chúng, Mỹ và các đồng minh của Mỹ tại châu Âu và Trung Đông đã xây dựng kịch bản can thiệp quân sự nhằm hỗ trợ phe đối lập lật đổ chính quyền của ông al-Assad.
Quân chính phủ Syria tại Jobar ngày 24/8. Ảnh: THX/TTXVN |
Trong thời gian qua, Lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã có những cuộc họp khẩn cấp từ các cơ quan quyền lực của EU như Nghị viện, Ủy ban, Hội đồng và các ủy ban đặc trách về an ninh, đối ngoại để đưa ra những quyết sách cho vấn đề Syria. Kể cả lúc chưa có kết luận rõ ràng của nhóm thanh sát của Liên hợp quốc, nhưng Mỹ đã đưa ra kịch bản tấn công Syria và hối thúc các đồng minh EU và các đồng minh Trung Đông cùng tham chiến. Các đồng minh EU có chung ‘quyết tâm’ với Mỹ trong kế hoạch tấn công Syria là Anh, Pháp kể cả việc chính quyền của họ thúc ép Quốc hội chấp thuận cho gửi quân đội đến Syria.
Nhiều cuộc đàm thoại, bàn thảo xung quanh kịch bản tấn công Syria giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry với đại diện của EU Catherine Ashton và Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen trong những ngày qua đã khẳng định “quyết tâm” của Mỹ và EU trong kế hoạch tấn công quân sự vào Syria.
Các nhà Lãnh đạo EU còn khẳng định sự tham gia lực lượng bộ binh của các thành viên EU vào tấn công vào Syria dưới sự chỉ huy của Mỹ. Ngay cả chính phủ Bỉ cũng hết sức ủng hộ kế hoạch của Mỹ và lãnh đạo EU trong dự án này. Quân đội Bỉ đã sẵn sàng, 6 máy bay F-16 triển khai tại Kandahar – Afghanistan và 4 máy bay F-16 khác đã thực thi các chuyến bay kiểm soát tại vùng Baltic sẽ được huy động để tham chiến.
Hiện nay, Bỉ có khoảng 60 chiếc F-16 trong đó có 18 chiếc đang trong thời gian bảo dưỡng. Quân đội Bỉ sẽ cung cấp máy bay vận tải C-130 cùng các chuyên gia về vũ khí hóa học khi tham chiến tại Syria. Tuy nhiên, chính phủ Bỉ, chính phủ Đức và Italy đều tuyên bố cuộc tấn công Syria cần phải có quyết định hợp pháp của LHQ.
Phương án tấn công Syria mà Mỹ cùng các đồng minh EU cũng như các đồng minh ‘cốt tử’ của Mỹ tại khu vực Trung Đông là Arập-Xêút, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ đã được “thống nhất” và lực lượng can thiệp chỉ chờ lệnh của Tổng thống Obama. Trong các kịch bản tấn công Syria của Mỹ và các đồng minh, dự án tấn công Syria bằng tên lửa hành trình được ủng hộ nhiều nhất mặc dù chi phí hết sức tốn kém. Tuy nhiên, kế hoạch đó chỉ tiến hành trong giai đoạn đầu nhằm tiêu hủy lực lượng và trang thiết bị quân sự của Syria.
Khối quân sự NATO đã có những kinh nghiệm nhất định sau sự kiện can thiệp quân sự vào Libya bằng không kích, tuy nhiên kịch bản này nếu đem vào áp dụng tại Syria sẽ khó đạt kết quả bởi quân đội Syria được đào tạo, trang bị hiện đại cộng thêm sự trợ giúp của Nga và các đồng minh trong khu vực. Hiện nay, Nga đã cung cấp trang bị bệ phóng tên lửa Buk-M2E có khả năng phóng tên lửa đất đối không tầm 25km. Quân đội Syria vẫn có thế mạnh về phòng không có khả năng đối phó các cuộc tấn công bằng không quân của đối phương.
Tại thời điểm này, các quốc gia EU đang phải cân nhắc khi can thiệp quân sự vào Syria vì cuối cùng thì Mỹ và các đồng minh cũng phải triển khai lực lượng trên mặt đất để bảo đảm an toàn cho kho vũ khí hóa học và đè bẹp lực lượng quân sự của Tổng thống Bashar al-Assad. Tuy nhiên, kịch bản đổ bộ quân vào lãnh thổ Syria đang vấp phải sự phản đối không nhỏ từ dân chúng Mỹ và một quốc gia EU.
Một số thành viên EU và cả NATO cũng chưa thật sự “mặn mà” khi phải chấp nhận những thiệt hại về người và của trong cuộc tấn công vào Syria vì hình ảnh về sự “mất mát’’ do cuộc chiến tranh tại Iraq và Afghanistan gây ra vẫn là một bằng chứng khó chịu trong tư duy của họ. Bên cạnh đó là sự lo ngại về khả năng một số nhóm khủng bố Hồi giáo lợi dụng tình hình hỗn loạn sử dụng vũ khí hóa học nhằm thực hiện ý đồ riêng trong đó không loại trừ khả năng nhằm vào mục tiêu Mỹ, EU và các đồng minh của Mỹ tại Trung Đông.
Nếu như Tổng thống Obama ra lệnh tấn công Syria trong thời gian tới thì chắc chắn là Mỹ phải “trả giá” cho quyết định đó cả về chính trị và kinh tế cũng như những phản ứng mạnh mẽ từ dân chúng Mỹ và một số quốc gia trên thế giới.
Còn một vấn đề quan trọng khác cần phải tính toán ngay cả khi can thiệp quân sự của Mỹ và các đồng minh EU đạt được thắng lợi khi lật đổ chế độ của Tổng thống al-Assad, cá nhân và lực lượng nào sẽ đảm trách sứ mạng mà Mỹ và phương Tây xây dựng ? Và liệu Mỹ có bị chính cá nhân và lực lượng đó “phản bội” không?
Hiện nay, một số đồng minh EU của Mỹ vẫn do dự khi phải can thiệp quân sự vào Syria vì họ không thể dự đoán được kết quả và cả hậu quả của hành động đó trong trường hợp bị “sa lầy” như tại Iraq, Afghanistan và Libya.
Đối với chính quyền Syria, Tổng thống Bashar al-Assad đã phủ nhận trách nhiệm về cuộc tấn công dân thường bằng vũ khí hóa học và lên án phe đối lập là chủ mưu trong cuộc tấn công đó. Tình hình hiện nay tại Syria quá phức tạp, mâu thuẫn bè phái, sắc tộc và tôn giáo đang phát triển mạnh. Các phe nhóm trong lực lượng đối lập là một tổ chức ô hợp và luôn tranh dành quyền lực nên Mỹ không thể tìm thấy sự “tin cậy” nào trong các lực lượng đối lập hiên nay tại Syria.
Chính phủ hiện nay tại Syria nhận được sự ủng hộ của dân chúng cũng như giành ưu thế trên chiến trường. Lực lượng quân sự của Tổng thống Bashar al-Assad đóng vai trò chính trong việc bảo vệ ‘’toàn vẹn’’ lãnh thổ và chống lại bất cứ lực lượng nào có ý định thôn tính đất nước họ.
Chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đã lên tiếng chỉ trích "âm mưu’’ cố tình tạo ra những bằng chứng giả của lực lượng chống đối tại Syria để kêu gọi sự can thiệp của Mỹ và đồng minh của Mỹ nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống al-Assad.
Hiện nay, mặc dù các nhà lãnh đạo EU đã sẵn sàng cùng Mỹ can thiệp quân sự vào Syria nhưng không khỏi lo lắng về sự sa lầy vào một cuộc chiến mới không có thời hạn trong bối cảnh phải gồng mình đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế.
Vào thời điểm quan trọng hiện nay, các nhà Lãnh đạo EU luôn tỏ thái độ ủng hộ quan điểm của Washington về vấn đề Syria nhưng một số quốc gia thành viên EU vẫn đặt câu hỏi đối với lãnh đạo EU là liệu sự can thiệp quân sự của họ có đạt kết quả như tính toán? EU có phải đối phó với thực trạng hỗn loạn và chi phí tốn kém khi can thiệp quân sự vào Syria? Cuộc chiến tại Syria có tạo ra sự bất ổn định tại khu vực và đẩy làn sóng tỵ nạn từ Syria sang các quốc gia EU và càng làm rối ren tình hình vốn đã hỗn loạn hiện nay trong khu vực và EU hay không? Sự lo lắng của dân chúng EU là điều dễ hiểu và cũng là suy tư của dân chúng yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Theo Đỗ Hưng(P/v TTXVN tại Bỉ)
Báo Tin tức