1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ai Cập: Bạo loạn làm 278 người chết, Phó tổng thống từ chức

(Dân trí) - Tính đến cuối ngày hôm qua, 278 người đã thiệt mạng sau các vụ đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình tại Ai Cập. Phó Tổng thống tạm quyền Mohamed ElBaradei đã tuyên bố từ chức để phản đối sử dụng vũ lực.

Trong khi đó, Thủ tướng Ai Cập Hazem Beblawi đã lên tiếng bảo vệ chiến dịch giải tán người biểu tình đẫm máu của cảnh sát tại Cairo.

Cảnh sát Ai Cập đã mạnh tay giải tán người biểu tình
Cảnh sát Ai Cập đã mạnh tay giải tán người biểu tình

Ông Beblawi khẳng định việc giải tán những người ủng hộ cựu Tổng thống Mohammed Morsi là một quyết định khó khăn.

Chính phủ nước này cũng tuyên bố tình trạng khẩn cấp và cho biết 235 dân thường đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ khắp cả nước.

Bộ trưởng nội vụ Mohammed Ibrahim khẳng định cảnh sát “đã xử trí một cách chuyên nghiệp” với người biểu tình, và 43 nhân viên thực thi pháp luật đã bị sát hại trong lúc thực thi nhiệm vụ.

Trong khi đó, phong trào Anh em Hồi giáo thì khẳng định hơn 2.000 người đã thiệt mạng trong vụ bạo lực ngày hôm qua.

Phóng viên các hãng thông tấn tại Cairo cũng đưa ra nhiều con số thương vong khác nhau, tuy nhiên các con số này không thể kiểm chứng một cách độc lập.

Cảnh sát hiện đã giành quyền kiểm soát các khu trại của người biểu tình tại Cairo và có tin nhiều nhân vật lãnh đạo chủ chốt của Anh em Hồi giáo đã bị bắt.

Phó tổng thống Mohammed ElBaradei từ chức

Trong một bài phát biểu trên truyền hình, ông Beblawi bày tỏ lấy làm tiếc về con số người thiệt mạng và cho biết tình trạng khẩn cấp sẽ được gỡ bỏ sớm nhất có thể.

Biện pháp này, dự định kéo dài một tháng, sẽ áp đặt một lệnh giới nghiêm tại Cairo và nhiều tỉnh khác từ 19 giờ ngày hôm trước tới 6 giờ sáng ngày hôm sau. Ngoài ra, lực lượng chức năng được quyền bắt giữ những kẻ bị xem là nguy hiểm cho trật tự cộng cộng; quân đội sẽ giúp cảnh sát duy trì an ninh; người dân bị hạn chế đi lại và các biện pháp giám sát thông tin và truyền thông cũng được áp dụng.

Hơn 278 người đã chết và bị thương chỉ riêng trong ngày 14/8
Hơn 278 người đã chết và bị thương chỉ riêng trong ngày 14/8

Bộ trưởng nội vụ Mohammed Ibrahim thì lên tiếng cáo buộc những người ủng hộ ông Morsi đã dựng lên những “pháo đài” và “bắn súng hơi” vào lực lượng cảnh sát. Ông khẳng định những nhóm tội phạm có vũ trang đã đột nhập vào khu vực biểu tình và nhiều đạn dược đã bị thu giữ từ những người này.

Trước tình trạng bạo lực, Phó tổng thống Ai Cập Mohammed ElBaradei đã tuyên bố từ chức khỏi chính phủ lâm thời để phản đối việc sử dụng vũ lực.

“Tôi không thể tiếp tục gánh vác trách nhiệm cho những quyết định tôi không đồng ý và tôi lo sợ hậu quả của những quyết định đó. Tôi không thể gánh vác trách nhiệm khi có một giọt máu rơi”, ông ElBaradei tuyên bố.

Mỹ, Nga, EU lên án bạo lực

Tiếp sau những phản ứng đầu tiên từ Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và một số quốc gia phương Tây, trong ngày hôm qua Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã khẳng định việc leo thang bạo lực là “tổn hại nghiêm trọng” cho các nỗ lực hàn gắn chính trị tại Ai Cập.

Dù vậy, chính quyền của Tổng thống Obama cho thấy sẽ không có thay đổi trong chính sách ngoại giao với Ai Cập, hay cảnh báo về hậu quả rõ ràng nào trước tình trạng bạo lực hiện nay. Từ khi ông Morsi bị phế truất, Washington luôn tránh tuyên bố hành động lật đổ ông Morsi của quân đội là một cuộc đảo chính quân sự.

Phát biểu tại Bộ ngoại giao, ông Kerry đã lên án tình trạng bạo lực và việc tái áp đặt luật tình trạng khẩn cấp. Ông xem đó là việc làm “đáng trách” và hối thúc các nhà lãnh đạo lâm thời của Ai Cập xuống thang và xoa dịu tình hình.

“Đây là một tổn hại nghiêm trọng cho sự hòa giải và hy vọng của người dân Ai Cập về một tiến trình chuyển tiếp hướng tới dân chủ”, ông Kerry phát biểu với các phóng viên. “Đây là một thời khắc then chốt với tòan thể người dân Ai Cập. Con đường hướng tới bạo lực chỉ làm gia tăng bất ổn và thiệt hại về kinh tế”.

Phát ngôn viên của người phụ trách chính sách đối ngoại của EU bà Catherine Ashton thì tuyên bố: “Sự đối đầu và bạo lực không phải con đường hướng về phía trước”.

Nga cũng lên tiếng “kêu gọi tất cả các lực lượng chính trị cho thấy sự kiềm chế và bình tĩnh để tránh làm bạo lực leo thang và gây tổn thất thêm về sinh mạng”.

Bộ trưởng ngoại giao Italia Emma Bonino cho biết bà thấy buồn sâu sắc bởi các sự kiện tại Ai Cập. “Tôi kêu gọi tất cả những ai liên quan đến Ai Cập làm tất cả những gì trong quyền hạn của mình để chấm dứt ngay bạo lực và tránh một cuộc “tắm máu”. Các lực lượng vụ trang phải kiềm chế tối đa và mọi người phải tránh khơi mào cho bạo lực”.

Thanh Tùng
Tổng hợp