7 năm ròng “tá túc” trong Đại sứ quán Ecuador tại Anh của ông chủ WikiLeaks
(Dân trí) - Sau 7 năm sống nương nhờ trong cơ sở ngoại giao của Ecuador, ông chủ WikiLeaks Julian Assange, ngày hôm qua đã bị Anh bắt sau khi quốc gia Nam Mỹ rút lại quy chế tị nạn.
Ngày 11/4, cảnh sát Anh đã ập vào Đại sứ quán Ecuador tại London và bắt giữ ông Assange. Phía Anh phải chờ tới 7 năm để có thể thực hiện được việc này sau khi chính quyền Tổng thống Ecuador Lenin Moreno bất ngờ rút quy chế cho phép tị nạn đối với ông chủ WikiLeaks
Ông Assange bị cáo buộc vi phạm các điều kiện liên quan tới bảo lãnh năm 2012 ở Anh. Ngoài ra, ông cũng đang bị tình nghi đã xâm nhập vào hệ thống máy tính của Bộ Quốc phòng Mỹ, đánh cắp các thông tin mật và phải đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ về Mỹ.
Sự kiện tiền đề dẫn tới việc ông Assange phải lẩn trốn ở Đại sứ quán Ecuador là vào năm 2010 khi Thụy Điển cáo buộc ông gạ gẫm và cưỡng hiếp 2 phụ nữ. Khi đó, ông Assange đã bác bỏ những thông tin này. Ba tháng sau, Thụy Điển phát lệnh bắt giữ quốc tế với ông chủ WikiLeaks. Cuối năm, ông Assange tới sở cảnh sát London, Anh trình diện. Ông được cho tại ngoại nhờ số tiền bảo lãnh do những người ủng hộ quyên góp.
Tới cuối năm 2011, ông Assange không thể kháng cáo thành công và đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ về Thụy Điển. Tháng 6/2012, ông tới Đại sứ quán Ecuador tại Anh xin tị nạn chính trị và được chấp nhận 2 tháng sau đó dù Anh đã cảnh báo. Khi đó, ông Assange đứng trước ban công sứ quán, yêu cầu Mỹ dừng “cuộc săn phù thủy” chống lại WikiLeaks.
Từ năm 2013-2015, ông Assange tiếp tục thua trong các vụ kiện cáo để tránh bị dẫn độ về Thụy Điển. Cảnh sát Anh đã được điều động đứng gác 24/7 trước Đại sứ quán Ecuador và luôn trong tình trạng sẵn sàng bắt người nếu ông Assange ra khỏi cơ sở này.
Tới cuối năm 2015, Anh mới chính thức dừng hoạt động này và cho biết họ tiêu tốn hơn 13 triệu bảng Anh cho 3 năm trên theo dõi bên ngoài Đại sứ quán Ecuador. Ông Assange khẳng định ông sẽ không rời Đại sứ quán Ecuador vì lo bị dẫn độ về Mỹ, nơi ông có thể bị buộc tội vì vi phạm luật an ninh.
Năm 2016, Thụy Điển đã thẩm vấn ông Assange tại Đại sứ quán Ecuador. Tháng 5/2017, Thụy Điển đã xóa bỏ cuộc điều tra nhằm vào cáo buộc ông chủ WikiLeaks tấn công tình dục. Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền vào đầu năm 2017, Washington vẫn giữ nguyên quyết tâm bắt giữ ông Assange. Ông Mike Pompeo, giám đốc CIA vào thời điểm năm 2017 gọi ông WikiLeaks là mối đe dọa tới an ninh quốc gia của Mỹ.
Đầu năm 2018, Ecuador nói rằng họ đã đề nghị cấp quyền công dân cho ông Assange vào tháng 12/2017, nhưng Anh đã bác bỏ yêu cầu của Ecuador về quy chế ngoại giao cho công dân của quốc gia Nam Mỹ. Hai tháng sau đó, căng thẳng giữa ông Assange và Ecuador có dấu hiệu leo thang khi Ecuador cắt mạng internet của Assange, nói rằng ông vẫn tiếp tục làm việc cho WikiLeaks và điều này được coi là can thiệp vào nội bộ quốc gia khác.
Tới tháng 10 cùng năm, phía ông Assange cáo buộc Ecuador vi phạm “tự do và các quyền cơ bản” khi siết chặt những quy định về sinh hoạt, hoạt động thăm viếng cá nhân và yêu cầu ông phải thực hiện.
Tháng 4/2019, Ecuador đã hủy bỏ quy chế tị nạn với ông Assange, động thái mở đường cho vụ bắt giữ ngày hôm qua, đồng thời chấm dứt 7 năm lẩn trốn của ông chủ WikiLeaks tại cơ sở ngoại giao của Ecuador.
WikiLeaks là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế được sáng lập vào năm 2006 và điều hành bởi cựu nhà báo người Australia Julian Assange. Năm 2007, tổ chức này tuyên bố họ sở hữu 1,2 triệu tài liệu mật từ các chính phủ, chính đảng, tổ chức trên thế giới.
Sự kiện chấn động toàn cầu khiến WikiLeaks trở thành hiện tượng truyền thông xảy ra vào năm 2010 khi tổ chức này công bố hàng trăm nghìn tài liệu mật của Mỹ về chiến tranh tại Afghanistan và Iraq, thư tín ngoại giao… Trong suốt những năm qua, WikiLeaks đã công bố nhiều tài liệu mật của chính phủ các nước.
WikiLeaks hoạt động dựa trên các khoản tài trợ từ cộng đồng. Đội ngũ tình nguyện viên của họ không được trả lương, không có văn phòng làm việc. Ngay cả ông Assange cũng không có nhà riêng và thường di chuyển từ nước này sang nước khác và nhờ sự giúp đỡ của nhiều người. Theo giới quan sát, Assange được coi là một phần linh hồn của WikiLeaks.
Đức Hoàng
Ảnh: Reuters