1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

7 chính sách của Trump có thể bị Biden lật ngược ngay khi nhậm chức

Minh Phương

(Dân trí) - Hầu hết những việc mà Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden cam kết làm trong ngày đầu tiên là đảo ngược hàng loạt chính sách của chính quyền tiền nhiệm Donald Trump.

7 chính sách của Trump có thể bị Biden lật ngược ngay khi nhậm chức - 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng thống đắc cử Joe Biden (Ảnh: Reuters)

Quốc hội Mỹ ngày 7/1 chính thức xác nhận ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden đắc cử. Ông Biden sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1 tới để bắt đầu một nhiệm kỳ nhiều thách thức trong bối cảnh nước Mỹ gồng mình đối phó đại dịch Covid-19 và khôi phục kinh tế.

Trong suốt chiến dịch tranh cử, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đã đưa ra hàng loạt cam kết "sẽ làm" trong ngày đầu nhiệm sở. Dưới đây là những cam kết đó.

Trình dự luật DACA lên quốc hội

Hồi tháng 6, ông Biden tuyên bố, ngay ngày đầu nhiệm sở, ông sẽ trình lên quốc hội Mỹ dự luật nhằm khôi phục chương trình bảo hộ nhập cư DACA (Quyết định hoãn trục xuất dành cho trẻ em vào Mỹ) - cho phép hàng triệu người nhập cư không có giấy tờ được đưa đến Mỹ khi còn nhỏ - ở lại nước này. Tuy nhiên, hồi tháng 11, ông Biden đã nới lỏng cam kết, tuyên bố sẽ làm điều đó trong 100 ngày đầu tiên.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Biden cũng cam kết sẽ chấm dứt các Nghị định thư Bảo vệ Người di cư (MPP) nhằm giữ người di cư ở Mexico, được gọi là chính sách "Ở lại Mexico" mà chính quyền ông Trump cho là chìa khóa trong việc chấm dứt "bắt và thả người nhập cư bất hợp pháp".

Mới đây, đội ngũ của ông Biden thừa nhận, việc đảo ngược chính sách nhập cư của chính quyền Trump sẽ mất một khoảng thời gian, mà theo ông Biden có thể là 6 tháng.

Đảo ngược lệnh cấm nhập cảnh

7 chính sách của Trump có thể bị Biden lật ngược ngay khi nhậm chức - 2
Chính sách nhập cư của Mỹ có nhiều thay đổi dưới thời Tổng thống Trump. (Ảnh: Reuters)

Ông Biden đã liên tục chỉ trích lệnh hạn chế nhập cảnh với công dân 13 quốc gia đa số theo đạo Hồi mà chính quyền Tổng thống Trump đưa ra. Chính trị gia của đảng Dân chủ cho rằng, lệnh này đã ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ, "phản bội" các giá trị của nước Mỹ và có thể bị những kẻ khủng bố lợi dụng.

"Cấm người Hồi giáo nhập cư là một sự lệch lạc về đạo đức, không có tin tình báo hay bằng chứng nào cho thấy nó giúp đất nước chúng ta an toàn hơn... Ông Biden sẽ lập tức đảo ngược lệnh cấm này", trang web chiến dịch tranh cử của ông Biden viết.

Tái gia nhập Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu

Ông Joe Biden hôm 13/12 viết trên Twitter rằng, chính quyền sắp tới của ông sẽ đưa nước Mỹ tham gia trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ngay ngày đầu nhiệm sở. Ông Biden đã chọn ông John Kerry, một trong những kiến trúc sư hàng đầu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, làm đặc phái viên về vấn đề này.

Vào tháng 6/2017, chỉ vài tháng sau khi Tổng thống Trump nhận nhiệm sở, ông tuyên bố rút Mỹ khỏi hiệp định. Ông cho rằng, hiệp định này "bất công" và bất lợi cho kinh tế Mỹ. Các thủ tục hoàn tất và Mỹ chính thức rút khỏi hiệp định vào ngày 4/11/2020 vừa qua.

Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là thỏa thuận giữa gần 200 quốc gia tình nguyện giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Theo thỏa thuận này, Mỹ phải cắt giảm gần 30% lượng khí phát thải trước năm 2025.

Ban sắc lệnh hành pháp về đeo khẩu trang bắt buộc

7 chính sách của Trump có thể bị Biden lật ngược ngay khi nhậm chức - 3
Ông Biden cam kết sẽ ban hành chính sách đeo khẩu trang bắt buộc trong 100 ngày đầu nhiệm sở. (Ảnh: AFP)

"Ngay ngày đầu tiên, tôi sẽ ký một sắc lệnh hành pháp yêu cầu đeo khẩu trang ở bất cứ nơi nào có thể", ông Biden khẳng định trên Twitter hôm 9/12.

Thừa nhận ông không có thẩm quyền yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc trong mọi tình huống, nhưng ông Biden cam kết sẽ yêu cầu đeo khẩu trang ở trong các cơ quan chính phủ, trên các phương tiện giao thông công cộng, và làm việc với các thống đốc, thị trưởng để họ đưa ra những quy định riêng tại địa phương. Đây là một trong những nỗ lực nhằm ngăn đại dịch Covid-19 lây lan- trọng tâm chính sách của ông Biden trong thời gian đầu nhiệm sở.

Mỹ hiện là tâm dịch Covid-19 lớn nhất thế với hơn 22 triệu ca mắc Covid-19, trong đó hơn 370.000 người đã tử vong.

Đảo ngược các hạn chế với người tị nạn

Ông Biden tuyên bố, ngay ngày đầu nhiệm sở, ông sẽ đảo ngược quyết định của Tổng thống Trump về việc hạn chế người tị nạn. Ông ủng hộ Thỏa thuận Flores, cho phép chỉ giam giữ trẻ em nhập cư trong 20 ngày. Trước đó, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã tìm cách cho trẻ ở cùng gia đình nhưng giam giữ vô thời hạn, và nỗ lực này đã bị thẩm phán bác bỏ vào tháng 9/2019.

Tăng thuế với người giàu

Trong chiến dịch tranh cử, ông Biden cam kết sẽ bằng mọi giá xóa bỏ chính sách cắt giảm thuế của chính quyền Tổng thống Trump. "Ngay ngày đầu nhiệm sở, Joe Biden sẽ tìm cách: xóa bỏ chính sách cắt giảm thuế của chính quyền Trump dành cho giới siêu giàu, hủy bỏ những lỗ hổng trong luật thuế và dùng tiền đó để đầu tư vào tương lai của nước Mỹ", ông Biden viết trên Twitter hồi tháng 10/2019.
Ông từng cam kết sẽ không tăng thuế với người có thu nhập dưới 400.000 USD/năm. Ngược lại, với giới siêu giàu, kế hoạch của ông là sẽ nâng mức thuế thu nhập từ 37% lên xấp xỉ 40%, thuế thu nhập doanh nghiệp cũng sẽ tăng từ 21% lên 28%.

Ký các sắc lệnh hành pháp về lĩnh vực dầu khí

Trang web chiến dịch tranh cử của ông Biden từng khẳng định rằng, trong ngày đầu nhiệm sở, ông sẽ ký một loạt lệnh hành pháp mới yêu cầu giới hạn ô nhiễm khí metal trong ngành dầu khí, bổ sung các tiêu chuẩn khắt khe về tiết kiệm nhiên liệu, bảo tồn 30% vùng đất và vùng biển của Mỹ vào năm 2030 đồng thời tái thiết lập các biện pháp bảo vệ vùng đất và vùng biển liên bang.