1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ông Biden tính cắt bỏ kế hoạch hạt nhân 1.000 tỷ USD của ông Trump

Đức Hoàng

(Dân trí) - Tổng thống đắc cử Joe Biden được cho đang cân nhắc việc cắt bỏ chương trình hiện đại hóa hạt nhân trị giá 1.000 tỷ USD do chính quyền Tổng thống đương nhiệm Donald Trump đề xuất.

Ông Biden tính cắt bỏ kế hoạch hạt nhân 1.000 tỷ USD của ông Trump - 1

Tổng thống đắc cử Joe Biden (Ảnh: Reuters)

Truyền thông Mỹ ngày 29/12 dẫn nhiều nguồn tin từ văn phòng chuyển giao quyền lực và cố vấn bên ngoài của ông Biden đưa tin, Tổng thống đắc cử đang cân nhắc việc cắt bớt nội dung trong chương trình hiện đại hóa hạt nhân của Mỹ do ông Trump đưa ra.  

Theo báo cáo, ông Biden và đội cố vấn sẽ xem xét chương trình trị giá 1.000 tỷ USD và đánh giá xem liệu việc phát triển vũ khí hạt nhân mới có đảm bảo được khoản chi phí đã lên kế hoạch hay không, đồng thời cân nhắc cụ thể việc giảm chi tiêu của Lầu Năm Góc trong chiến lược hiện đại hóa hạt nhân.

Các nguồn tin cũng nói rằng ông Biden có thể sẽ đảo ngược nỗ lực của chính quyền Trump trong việc phát triển đầu đạn hạt nhân mới.

Thông tin này được đăng tải trong bối cảnh hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng giữa Mỹ và Nga là "START mới" sẽ hết hạn vào đầu năm 2021, dự kiến là 16 ngày sau khi ông Biden tuyên thệ nhậm chức (20/1/2021). Nguồn tin nói rằng chính quyền mới của ông Biden có thể sẽ "bật đèn xanh" cho việc kéo dài thỏa thuận thêm một thời gian ngắn nữa và có thể tiếp cận Moscow với "những cuộc đàm phán có ý nghĩa hơn".

Theo các nguồn tin, trong nhiệm kỳ 1, chính quyền Trump dường như đã nỗ lực trong việc tăng cường kho vũ khí hạt nhân của Mỹ thông qua phát triển thêm khí tài mới. Trong khi đó, ông Biden dường như theo đuổi hướng đi khác biệt, tập trung nhiều vào nỗ lực kiểm soát vũ khí.

Giới quan sát cho rằng bất cứ động thái cắt bỏ lớn nào với chương trình hạt nhân Mỹ có thể sẽ làm gia tăng quan ngại trong giới chính trị gia "diều hâu" của đảng Cộng hòa - ám chỉ những người có quan điểm cứng rắn - cùng với những đảng viên Dân chủ tin rằng việc mở rộng kho vũ khí hạt nhân là rất quan trọng cho an ninh quốc gia Mỹ.

Hồi đầu tuần, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng việc gia hạn "START mới" sẽ mang lại lợi ích an ninh cho cả Moscow và Washington.

Ông Biden, một người ủng hộ không phổ biến vũ khí hạt nhân, hồi tháng 3 từng cho biết ông sẽ "theo đuổi việc gia hạn hiệp ước START mới, một mỏ neo của sự ổn định chiến lược giữa Mỹ và Nga, và sử dụng nó làm nền tảng cho việc kiểm soát vũ khí ".

Dù "START mới" đã sắp hết hiệu lực, nhưng hiện thời chính quyền Trump và Nga vẫn chưa thể đạt được tiếng nói chung trong việc gia hạn thỏa thuận này.