1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

7 bang của Mỹ thách thức sắc lệnh di trú của Tổng thống Trump

(Dân trí) - Các vụ kiện đã được đệ trình tại các bang Washington, Virginia, Massachusetts, Hawaii, New York, Michigan và California nhằm chống lại lệnh cấm nhập cảnh gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump.


Người biểu tình phản đối sắc lệnh di trú của Tổng thống Trump tại Los Angeles (Ảnh: EPA)

Người biểu tình phản đối sắc lệnh di trú của Tổng thống Trump tại Los Angeles (Ảnh: EPA)

Sắc lệnh của ông Trump, được ký hôm 27/1, đã cấm nhập cảnh tạm thời đối với các công dân từ 7 quốc gia Hồi giáo, gồm Iran, Iraq, Syria, Sudan, Somalia, Libya và Yemen. Sắc lệnh cũng tạm thời ngừng chương trình người tị nạn của Mỹ.

Các cuộc chiến pháp lý đang diễn ra tại 7 bang của Mỹ khi những người phản đối lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Donald Trump quyết đưa vụ việc ra tòa.

Washington

Một thẩm phán liên bang tại thành phố Seattle đã tạm thời chặn lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump. Thẩm phán James Robart ngày 3/2 đã yêu cầu ngừng thực thi sắc lệnh di trú của ông Trump trên phạm vi toàn quốc theo đề nghị của bang Washington và Minnesota.

Các luật sư của chính phủ liên bang cho rằng các bang không có cơ sở để thách thức sắc lệnh di trú và rằng quốc hội đã trao cho tổng thống quyền đưa ra các quyết định dưa trên cơ sở an ninh quốc gia và tiếp nhận người nhập cư. Nhưng Tổng chưởng lý bang Washington Bob Ferguson, người đã đệ đơn kiện sắc lệnh của Tổng thống Trump hôm 30/1, nói lệnh cấm nhập cảnh là phi pháp và vi hiến. Bang Minnesota trong tuần này cũng đã khởi kiện lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump.

Virginia

Một thẩm thán đã cho phép bang Virginia tham gia một đơn kiện nhằm thách thức sắc lệnh di trú. Theo đó, hôm 3/2, thẩm phán Leonie Brinkema đã mở rộng đáng kể quy mô của một đơn kiện mà ban đầu chỉ tập trung vào những người có thẻ xanh. Bà Brinkema đã tỏ ý sẵn sàng xem xét các vụ liên liên quan tới bất kỳ ai được cấp thị thực nhưng bị thu hồi.

Một luật sư của chính phủ Mỹ cho biết hơn 100.000 người đã bị thu hồi thị thực kể từ khi sắc lệnh có hiệu lực, nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó cho biết con số là gần 60.000 người.

Massachusetts

Một thẩm phán liên bang tại thành phố Boston đã từ chối gia hạn một lệnh cấm tạm thời theo sắc lệnh di trú của ông Trump.

Theo đó, vào cuối ngày 3/2, thẩm phán liên bang Mỹ Nathaniel Gorton đã từ chối gia hạn lệnh cấm giam giữ hay di chuyển người trong khuôn khổ sắc lệnh của ông Trump đối với người tị nạn và di cư. Điều này đồng nghĩa với việc lệnh cấm tạm thời 7 ngày, được đưa ra hôm 29/1, sẽ hết hiệu lực vào ngày 5/2.

Hawaii

Hawaii đã đệ đơn kiện tại Honolulu hôm 3/2 nhằm chấm dứt lệnh cấm nhập cảnh. Tổng chưởng lý bang Hawaii Doug Chin nói rằng sắc lệnh của ông Trump khiến các gia đình Hawaii bị ly tán và cấm người dân đi lại. Ông nói rằng sắc lệnh làm tổn hại các gia trị mà Hawaii đã nỗ lực để bảo vệ. Cũng theo ông Chin, sắc lệnh khiến các du khách nước ngoài cảm thấy không được chào đón, điều bất lợi đối với nền kinh tế vốn dựa vào du lịch của Hawaii.

New York

Hôm 2/2, thẩm phán Carol Amon tại Brooklyn đã ban hành một lệnh hạn chế tạm thời đối với sắc lệnh của Trump cho tới ngày 21/2. Phán quyết của thẩm phán Amon đã mở rộng một lệnh hạn chế tạm thời do một thẩm phán khác đưa ra hôm 28/1 và dự kiến hết hiệu lực vào ngày 11/2. Ông Amon làm vậy để các tổ chức tự do dân sự và chính phủ có thêm thời gian để phát đơn kiện đối với sắc lệnh của ông Trump. Bộ Tư pháp cho biết bộ này sẽ yêu cầu hủy bỏ vụ việc.

Michigan

Một thẩm phán liên bang tại thành phố Detroit nói rằng những người có thẻ xanh không nên bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm nhập cư. Trong khi đó, Liên đoàn nhân quyền Mỹ-Ả-rập lập luận trong một đơn kiện được công bố hồi tuần này tại Detroit rằng sắc lệnh di trú của ông Trump là trái với hiến pháp và nhắm vào các cộng đồng di cư.

California

Ba sinh viên đại học California đang thách thức sắc lệnh của Tổng thống Trump. Đơn kiện liên bang của họ, được công bố ngày 2/2 tại San Francisco, cáo buộc lệnh sắc lệnh là vi hiến và gây khó khăn cho các sinh viên. Đơn kiện cũng cho hay một sinh viên đại học Stanford giờ đây không thể tới thăm chồng mình tại Yemen, trong khi một sinh viên Cao đẳng Grossmont tại San Diego không thể tiếp tục việ học tập ở đó. Một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học California Berkeley từ Iran thì lo ngại bị mất cơ hội việc làm.

An Bình

Theo Guardian