6 vụ mất tích, tai nạn máy bay bí ẩn 60 năm qua
Đã hơn 2 ngày qua kể từ khi chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia cùng 239 hành khách và đoàn bay biến mất một cách bí ẩn trên đường tới Bắc Kinh sau khi rời thủ đô Kuala Lumpur, hiện vẫn chưa có dấu vết nào được tìm thấy về chiếc Boeing 777 được cho là an toàn nhất thế giới.
Trong lịch sử, những vụ tai nạn và mất tích máy bay bí ẩn đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của dư luận, các chuyên gia hàng không cũng như các nhà làm phim. Nhiều bí ẩn chỉ được biết đến sau khi tìm được chiếc hộp đen của máy bay, trong đó ghi lại dữ liệu chuyến bay và âm thanh trong buồng lái.
Khi các đội tìm kiếm và cứu hộ của các nước liên quan đang chạy đua với thời gian để tìm ra chiếc máy bay mất tích trên, chúng ta hãy nhìn lại 5 trường hợp mất tích hoặc tai nạn máy bay mà ban đầu luôn khiến các nhà điều tra phải bối rối. Một số những bí ẩn đó cho đến nay vẫn chưa được "giải mã".
Chuyến bay Air France 447 (2009)
Sau khi chiếc máy bay Airbus 330 của Air France mang số hiệu 447 biến mất trên bầu trời Đại Tây Dương trong chuyến hành trình từ Rio de Janeiro tới Paris vào năm 2009, nguyên nhân của vụ tai nạn vẫn nằm trong vòng bí ẩn trong nhiều tháng. 2 tuần sau sau vụ tai nạn, một phần xác chiếc máy bay này đã được tìm thấy vào ngày 1/6 cùng với thi thể của 228 hành khách, nhưng phải 2 năm sau phần xác chính của máy bay xấu số và hộp đen mới được tìm thấy.
Năm 2012, các nhà điều tra mới có kết luận chính thức về nguyên nhân vụ tai nạn được coi là một trong những thảm họa nghiêm trọng nhất của ngành hàng không Pháp này. Theo kết luận công bố ngày 4/7 của các nhà điều tra, nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn là do sai sót của phi công và do trục trặc trong hoạt động của các thiết bị cảm biến tốc độ trên máy bay.
Bản báo cáo điều tra và kết luận về nguyên nhân vụ tai nạn này gồm 356 trang do các nhà điều tra của Cơ quan An toàn hàng không Pháp (BEA) thực hiện trong hơn 20 tháng qua và được công bố nhằm sáng rõ trách nhiệm của các bên liên đới trong vụ tai nạn. Trong hai năm đó, các nhà điều tra cũng từng đưa ra những nhận định sơ bộ về nguyên nhân vụ tai nạn nhưng đây là lần đầu tiên BEA đưa ra bản báo cáo chính thức với gia đình các nạn nhân và các giới chức liên quan về kết luận điều tra chính thức xác định nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn.
Khi xảy ra trục trặc, cơ trưởng đã đi nghỉ và các phi công phụ chịu trách nhiệm điều khiển máy bay. Cơ trưởng đã quay trở lại buồng điều khiển nhưng không thể cứu vãn được thảm kịch. Một trong những sai sót của phi hành đoàn là cho để máy bay hướng mũi lên trên thay vì xuống dưới khi động cơ chết máy. Giả thiết về sự trục trặc trong hoạt động của thiết bị cảm biến tốc độ là nguyên nhân vụ tai nạn máy bay thảm khốc này cũng đã từng được các nhà điều tra nêu ra trong các nhận định sơ bộ trước đó.
Chuyến bay TWA 800 (1996)
Các giả thuyết về nguyên nhân chiếc máy bay mang số hiệu TWA 800 phát nổ trên không ngoài khơi bờ biển Long Island, New York, năm 1996.
Máy bay này đã phát nổ và rơi chỉ 12 phút sau khi cất cánh từ sân bay John F. Kennedy khiến 230 người thiệt mạng. Sau 4 năm điều tra, Cục an toàn vận tải quốc gia kết luận do hỏng hóc trong hệ thống điện gây tia lửa làm cháy nhiên liệu dẫn đến thảm họa. Tuy nhiên, giải thích đó mâu thuẫn với hàng trăm nhân chứng của FBI, bởi họ đã tận mắt trông thấy vệt sáng phía sau máy bay, khiến chiếc phi cơ bùng cháy như quả cầu lửa. Những báo cáo này khiến nhiều người cho rằng máy bay thực chất đã bị tên lửa bắn hạ.
Vậy ai đã bắn rơi một chiếc máy bay dân sự? Một trong những giả thiết thuyết phục nhất đó là quân đội Mỹ đã bắn nhầm trong cuộc diễn tập Hải quân thường kì diễn ra tại khu vực đảo Long Island. Ngoài ra, còn một số điều bất thường xung quanh vụ việc, trong đó có dư lượng thuốc nổ còn sót lại trên máy bay chứng tỏ rằng FBI đã làm giả bằng chứng, thay đổi thông tin trên radar trước khi công bố rộng rãi trước công chúng.
Chuyến bay USAir 427 (1994)
Chuyến bay nội địa số hiệu 427 của USAir cùng với 132 hành khách đang trên hành trình từ Chicago đến Pittsburgh thì chỉ 10 phút trước khi hạ cánh, máy bay xảy ra sự cố bất thường và rơi xuống mặt đất với vận tốc khoảng 500km/h. Toàn bộ hành khách và phi hành đoàn đã thiệt mạng. Đó là vụ tai nạn đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ. Thông thường, các nhà điều tra có thể xác định nguyên nhân vụ tai nạn trong một hoặc hai tuần, tuy nhiên vụ việc này mất đến 4 năm để xác định sự cố dẫn đến thảm họa. Các chuyên gia nghiên cứu mọi giả thiết có thể và xác định rằng sự cố trong hệ thống lái đã khiến các phi công mất kiểm soát.
Chuyến bay Flying Tiger 739 (1962)
Hơn 50 năm sau khi biến mất không một dấu vết, hiện chiếc chuyên cơ Flying Tiger 739 hay còn gọi là Super Constellation L-1049 của quân đội Mỹ vẫn đang mất tích.
Năm 1962, chuyến chuyên cơ vận tải quân sự mang tên Flying Tiger 739 chở hàng hóa và các quân nhân từ California tới Sài Gòn, Việt Nam. Sau khi dừng để tiếp nhiên liệu tại căn cứ không quân ở đảo Guam, chiếc phi cơ Super Constellation L-1049 cất cánh và mất tích ở vùng biển Philipines sau đó.
Máy bay bị mất tích trong điều kiện thời tiết hoàn toàn bình thường, không có cuộc gọi khẩn cấp nào được ghi nhận. Sau nỗ lực tìm kiếm không thành của 4 quân binh chủng, 107 người trên máy bay coi như đã thiệt mạng. Chiếc máy bay không bao giờ được tìm thấy. Bởi không tìm thấy một bằng chứng nào, các nhà điều tra không thể kết luận nguyên nhân tai nạn của chuyến bay 739.
Chuyến bay số 7 của hãng hàng không Pan Am (1957)
Ngày 8/11/1957, chuyến bay số 7 của hãng hàng không Pan Am (Mỹ) chỉ vừa mới bắt đầu chuyến hành trình vòng quanh thế giới thì không may lao xuống biển, khiến 44 người thiệt mạng. Các mảnh vỡ đã được tìm thấy một tuần sau đó, khi tàu sân bay của hải quân Mỹ phát hiện các xác chết trôi dạt ở vùng đông bắc đảo Honolulu.
Nhà chức trách không thể xác định nguyên nhân vụ tai nạn, tuy nhiên có vài điều đáng ngờ trong vụ việc này. Thứ nhất, không một cuộc gọi cứu trợ nào được thực hiện thành công, các mảnh vụn nằm ở rất xa đường bay. Đáng nghi ngại nhất, báo cáo về kiểm tra độc tố cho thấy chất độc CO được tìm thấy trong cơ thể của các nạn nhân xấu số.
Hơn 50 năm sau, người ta vẫn truy tìm câu trả lời cho bí ẩn này. Một vài giả thiết cho rằng vụ tai nạn liên quan đến việc thù oán cá nhân của các thành viên trong phi hành đoàn, một vài ý kiến khác cho rằng vụ tai nạn là âm mưu thu lợi từ tiền bảo hiểm hoặc sự cố từ động cơ.
Theo CT
Baotintuc.vn/ABC News
Baotintuc.vn/ABC News