1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bangladesh

50 người chết trong cuộc nổi loạn của lính biên phòng

(Dân trí) - Một bộ trưởng Bangladesh hôm nay 25/2 cho hay, gần 50 người thiệt mạng trong cuộc nổi loạn của lính biên phòng ở thủ đô vào hôm qua. Theo thông tin mới nhất, cuộc nổi loạn đang có chiều hướng lan rộng ra cả nước.

50 người chết trong cuộc nổi loạn của lính biên phòng - 1
Bangladesh triển khai quân đội bao vây trụ sở BDR.
 
Các binh sỹ nổi loạn đã hạ vũ khí sau khi chấp nhận lời đề nghị ân xá của chính phủ, nhưng vụ việc làm tăng thêm thách thức mà Thủ tướng Sheikh Hasina mới nhậm chức phải đối mặt. Bà Hasina giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 12 năm ngoái, đưa đất nước nghèo ở Nam Á này đến với nền dân chủ sau gần hai năm dưới sự bảo trợ của quân đội.

 

“Gần 50 người đã bị giết trong các cuộc đấu súng ở trụ sở của lực lượng Súng trường Bangladesh (BDR)”, Mohammad Quamrul Islam, Bộ trưởng phụ trách vấn đề quốc hội và luật pháp, cho biết.

 

Các quan chức Bangladesh chon hay 50 phụ nữ và trẻ em đã được sơ tán khỏi trụ sở của BDR tại thủ đô Dhaka sau khi chiến binh nổi loạn buông vũ khí.

 

Cho đến đầu giờ sáng nay, 26/2, người ta không còn nghe thấy tiếng súng nào.

 

Cuộc nổi loạn nổ ra khi các binh sỹ gặp lãnh đạo của mình để bàn về tiền lương.

 

Theo thông tin mới nhất, cuộc nổi loạn của lính biên phòng ở thủ đô Bangladesh có vẻ như đã lan rộng ra khắp nước vào ngày hôm nay. Cảnh sát và các nhân chứng cho biết có tiếng súng ở nhiều điểm gác.

Các cuộc bắn súng được nối lại vài giờ sau khi giới chức Bangladesh tuyên bố cuộc nổi loạn kéo dài 20 tiếng của lính biên phòng tại thủ đô đã kết thúc.

Chính phủ sau đó đã gửi quân đội đến BDR và Bộ trưởng nội địa Sahara Khatun đã tổ chức hai vòng đàm phán với lãnh đạo của những người nổi loạn nhằm làm giảm căng thẳng. Sau đó, lính nổi loạn đã đồng ý buông vũ khí.

 

Cuộc bắn súng lan ra cả các phố xung quanh, khiến 3 thường dân và nhiều người khác bị thương. Lửa bốc lên từ trụ sở BDR và nhiều tiếng nổ lớn vang lên. Tiếng súng tạm ngớt vào cuối giờ chiều ngày 25/2 nhưng lại tăng lên sau đó.

 

Thủ tướng Hansina gặp các binh sỹ nổi loạn

 

Đất nước với hơn 140 triệu dân, Bangladesh, đã trải qua nhiều cuộc đảo chính quân sự kể từ khi giành được độc lập vào năm 1971, nhưng cuộc đọ súng ngày hôm qua có vẻ như không mang động cơ chính trị.

 

Thủ tướng Hasina đã gặp một số binh lính nổi loạn để kết thúc vụ việc. Bộ trưởng Jahangir Kabir Nanak cho hay, bà Hasina đã đề nghị ân xá cho những người tham gia vào cuộc nổi loạn sau cuộc gặp kéo dài một tiếng đồng hồ tại dinh thự của bà. Một sỹ quan BDR cho biết, binh sỹ nổi loạn đã đồng ý buông vũ khí sau khi bà Hasina hứa sẽ đáp ứng yêu cầu của họ.

 

Khoảng 2.000 binh sỹ BDR đóng tại trụ sở của cơ quan này nhưng không rõ có bao nhiều người tham gia vào cuộc nổi loạn. Khoảng 500 binh sỹ được trang bị vũ khí và hàng trăm cảnh sát cùng các lực lượng an ninh khác đã được triển khai để dập tắt cuộc nổi loạn.

 

Cuộc nổi loạn xảy ra chỉ một ngày sau khi Thủ tướng Hasina gặp quan chức của BDR, lực lượng có nhiệm vụ chính là bảo vệ biên giới của Bangladesh, trong cuộc diễu binh hàng năm và cho biết chính phủ sẽ cố gắng hết sức để hiện đại hóa các lực lượng bán quân sự.

 

Phan Anh

Theo Retuers