5 yếu tố có thể xoay chuyển cục diện chiến dịch của Nga tại Ukraine
(Dân trí) - Giới chuyên gia nhận định, có 5 yếu tố có thể làm thay đổi diễn biến hiện tại của chiến dịch quân sự mà Nga phát động tại Ukraine, hiện đã bước sang ngày thứ 8.
Ngày 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Sau 7 ngày, Nga đã giành quyền kiểm soát được một số "điểm nóng", nhưng những biến trên chiến trường khác xa so với những gì mà giới chuyên gia quân sự dự đoán ban đầu. Có những ý kiến cho rằng, Nga có thể chưa thành công trong việc triển khai chiến thuật "đánh nhanh, thắng nhanh", nhưng cũng có chuyên gia nhận định, đây có thể là tính toán của riêng Nga.
Diễn biến trên bàn đàm phán cũng khó đoán như trên chiến trường, khi chưa có dấu hiệu nào cho thấy căng thẳng có thể kết thúc bằng biện pháp ngoại giao.
Wall Street Journal dẫn lời các chuyên gia nhận định rằng, có ít nhất 5 yếu tố có thể làm xoay chuyển cục diện chiến sự hiện tại.
Năng lực chiến đấu của quân đội Nga
Diễn biến trong một tuần chiến sự chia ra làm 2 luồng ý kiến trái chiều. Một bên cho rằng Nga, sự thể hiện của Nga là chưa tương xứng so với quy mô quân đội của họ cũng như dự đoán ban đầu.
Giới quan sát phương Tây cho rằng, kịch bản tốt nhất có thể là Nga nên kết thúc chiến dịch quân sự càng nhanh càng tốt vì "mỗi ngày mà Ukraine còn kháng cự được, họ sẽ giành ưu thế về mặt chính trị. Điều này dẫn đến việc chi phí chính trị mà Nga phải trả sẽ cao hơn mỗi ngày", ông Michael Clarke, cựu giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia (RUSI), nhận định.
Tuy nhiên, sau một tuần, Nga chưa có nhiều bước tiến đáng kể trên chiến trường. Các chuyên gia cho rằng, với một quân đội hiện đại hóa trong hàng chục năm thì Nga có thể dễ dàng đối phó được với sự kháng cự của phía Ukraine trong những ngày đầu tiên.
Chuyên gia cảnh báo rằng, nếu chiến sự liên tục kéo dài, áp lực chính trị và kinh tế dồn lên Nga sẽ nặng hơn. Họ cũng phải gánh khoản chi phí, và tổn thất quân sự gia tăng.
Tuy nhiên, một khả năng được các chuyên gia đưa ra chính là, Nga cố tình làm chậm tiến độ của chiến dịch quân sự và kéo dài để tiêu hao sinh lực phía lực lượng Ukraine. Nga trước đó khẳng định, họ chỉ nhằm mục tiêu phi quân sự hóa Ukraine và nhằm mục tiêu vào quân đội nước này. Nga tuyên bố sẽ không nhằm vào dân thường và họ có thể đang thận trọng trong bước đi kế tiếp để làm giảm thiểu thương vong.
Mặt khác, Nga vẫn còn có thể sử dụng hỏa lực mạnh hơn để mở đường tiến sâu vào lãnh thổ Ukraine trong giai đoạn kế tiếp. Các chuyên gia nhận định rằng, họ chưa thể dự đoán chính xác được tính toán của quân đội Nga vào thời điểm này.
Khả năng phản kháng từ Ukraine
Theo giới quan sát, lực lượng Ukraine tới nay đã tận dụng hầu hết các khí tài quân sự họ có được trước một đối thủ mạnh và hiện đại hơn rất nhiều.
Ông Richard Shirreff, cựu phó chỉ huy quân đội Anh tại NATO cho rằng, tốc độ tác chiến có phần chậm của Nga dường như là do họ phải đối mặt với sự kháng cự mạnh mẽ từ phía Ukraine.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, Ukraine có thể sẽ không kháng cự được lâu dài vì lực lượng của họ phải bung sức tối đa vào mọi thời điểm, không được nghỉ ngơi. Trong khi đó, Nga chưa dùng hết sức lực của họ và họ vẫn có thể đưa lên tiền tuyến lực lượng dự bị để tăng đà tiến.
Phản ứng của phương Tây
Phương Tây đã bày tỏ quan điểm rõ ràng là họ không trực tiếp tham chiến ở Ukraine, đồng thời khước từ đề nghị từ Ukraine về việc lập vùng cấm bay vì lo ngại điều này có thể khiến họ vướng vào xung đột trực tiếp với Nga. Phương Tây thay vào đó cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine và tăng lực lượng ở cánh đông NATO.
Các chuyên gia nhận định, có một khả năng xảy ra là Nga có thể sẽ tiến gần về khu vực biên giới Ukraine - Ba Lan để chặn vũ khí tiếp viện của phương Tây. Hiện tại, Nga đã giành ưu thế trên toàn bộ không phận Ukraine và tuyến đường qua Ba Lan dường như trở thành tuyến đường chính để vũ khí đổ vào Ukraine.
"Vũ khí" mạnh nhất mà phương Tây có thể triển khai gây áp lực cho Nga là lệnh trừng phạt để gây khó khăn cho nền kinh tế Nga. Các lệnh trừng phạt hiện đã nhằm vào các ngân hàng Nga, các doanh nghiệp, lãnh đạo chính trị của Moscow. Các chuyên gia dự đoán, trong thời gian tới, lạm phát sẽ tăng cao do đồng nội tệ của Nga mất giá vì lệnh trừng phạt.
Các lệnh trừng phạt có thể sẽ khiến Nga nao núng tinh thần, nhưng theo các chuyên gia, nó cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp tới phương Tây. Châu Âu vẫn phụ thuộc rất lớn vào khí đốt của Nga, trong khi Moscow cũng là nhà xuất khẩu dầu mỏ và một số kim loại thô hàng đầu thế giới. Trừng phạt Nga cũng có thể làm suy giảm triển vọng tăng trưởng của phương Tây vì giá nhiên liệu tăng phi mã trong bối cảnh cả thế giới đang nỗ lực hồi phục sau đại dịch Covid-19.
Hiện người phương Tây đang ủng hộ các lệnh trừng phạt chống lại Nga, nhưng theo thời gian, khi thực sự khiến họ lâm vào khó khăn về mặt kinh tế, quan điểm này có thể sẽ thay đổi và khi đó các chính phủ phương Tây có thể sẽ là bên tiếp theo phải chịu áp lực.
Phản ứng từ trong dư luận Nga
Các chuyên gia cho rằng, đây là một ẩn số lớn khi phương Tây khó có thể hiểu được ý kiến của dư luận Nga trước những động thái của chính phủ. Nhưng điều khó khăn hơn là phương Tây cũng chưa hiểu rõ, liệu ý kiến của dư luận Nga có tác động quyết định lên quyết tâm của giới lãnh đạo Nga khi mở chiến dịch quân sự hay không.
Theo các chuyên gia, người Nga có thể sẽ tin rằng những khó khăn kinh tế mà họ đối mặt không phải là lỗi của chính phủ, mà là do chính sách của phương Tây.
Mặc dù vậy, nếu viễn cảnh kinh tế khó khăn trở lại, người dân Nga có thể sẽ suy giảm niềm tin vào chính phủ Tổng thống Nga Vladimir Putin - người đã mang lại ổn định cho đất nước trong suốt 20 năm qua so với thời kỳ hỗn loạn vào những năm 1990.
Thêm và đó, chiến dịch quân sự kéo dài có thể gây tổn thất về người và của, và đây cũng có thể là yếu tố tác động tới giới lãnh đạo Nga. Vì vậy, thời gian là một yếu tố mà phía Nga phải thực sự cân nhắc.
Các cuộc đàm phán hòa bình
Nga và Ukraine mới bắt đầu tổ chức hòa đàm, nhưng nhiều chuyên gia không mấy lạc quan về việc nó có thể dẫn tới một giải pháp nhanh chóng cho căng thẳng hiện tại.
Hai yếu tố lớn tác động tới kết quả của hòa đàm chính là: Sự trung lập của Ukraine và lãnh thổ của Ukraine. Nga có thể sẽ gây sức ép để Ukraine phải công nhận việc Moscow sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
Có một khả năng là Ukraine có thể sẽ bị chia làm 2 phần, miền Đông thân Nga và miền Tây thân phương Tây. Tuy nhiên, theo chuyên gia Angela Stent từ Đại học Georgetown, kịch bản này khó xảy ra vì nó sẽ có thể tạo ra một chính phủ thân phương Tây ở Ukraine, điều mà Nga khó có thể chấp nhận được.
Kết quả có khả năng xảy ra nhất là Nga có thể sẽ buộc Ukraine thay đổi hiến pháp để trao thêm quyền độc lập cho 2 vùng ly khai ở Donbass, cũng như quyền phủ quyết các động thái của chính phủ Ukraine.