1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

5 vụ tai nạn nghiêm trọng nhất lịch sử cuộc đua vũ trụ thế giới

Khánh Ngọc

(Dân trí) - Mỹ và Liên Xô đã đạt được nhiều thành tựu lớn trong cuộc chạy đua trên vũ trụ, nhưng cũng hứng chịu những tai nạn thảm khốc về người.

5 vụ tai nạn nghiêm trọng nhất lịch sử cuộc đua vũ trụ thế giới - 1

Các mảnh vỡ từ vụ nổ tàu con thoi Columbia trên bầu trời bang Texas ngày 1/2/2003 (Ảnh AP).

Sau khi Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên Sputnik vào năm 1957, Mỹ bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt với Liên Xô để giành vị thế thống trị không gian. Cuộc chạy đua này đem lại nhiều thành công lớn, như việc các phi hành gia Mỹ đặt chân lên Mặt Trăng.

Tuy nhiên, trong quá trình chinh phục vũ trụ, cả Liên Xô và Mỹ đã hứng chịu tổn thất lớn, trong đó có những vụ tai nạn chết người.

Apollo 1 - 1967

Vụ tai nạn chết người đầu tiên trong lịch sử hàng không vũ trụ Mỹ diễn ra vào ngày 27/1/1967 trong quá trình chuẩn bị cho chương trình thám hiểm không gian Apollo có người lái đầu tiên. Trong lúc thử nghiệm phóng tàu Apollo 204, ngọn lửa bùng lên trong khoang điều khiển khiến 3 phi hành gia gồm Gus Grissom, Ed White và Roger Chaffee tử vong do ngạt khói.

Soyuz 1 - 1967

Chỉ 3 tháng sau vụ cháy tàu Apollo 1, nhà du hành vũ trụ Nga Vladimir Komarov là người đầu tiên của nước này thiệt mạng khi tàu không gian Soyuz 1 lao xuống Trái Đất vào ngày 24/4/1967. Khi đó, đây là con tàu vũ trụ đầu tiên được Liên Xô xây dựng với mục tiêu khám phá Mặt Trăng.

Vụ tai nạn xảy ra khi con tàu vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm. Soyuz 1 gặp sự cố sau khi được phóng khỏi mặt đất 9 phút và ngay sau khi tàu tiến vào quỹ đạo Trái Đất. Một trong các tấm pin không thể phát điện khiến nguồn điện của tàu bị cắt và mất khả năng điều khiển. Chuyến du hành bị buộc phải hủy nhưng tàu gặp khó khăn khi quay trở lại Trái Đất, dù trên tàu không thể bật ra và phi hành gia Komarov không thể thoát ra ngoài trước khi con tàu lao xuống mặt đất tại một địa điểm ở miền đông nam nước Nga.

Soyuz 11 - 1971

5 vụ tai nạn nghiêm trọng nhất lịch sử cuộc đua vũ trụ thế giới - 2

Khu vực nơi tàu Soyuz 11 của Liên Xô đáp xuống (Ảnh: Youtube).

Vào tháng 4/1971, người Nga phóng trạm không gian đầu tiên của thế giới Salyut-1 với tham vọng "vượt mặt" Mỹ trong cuộc chạy đua không gian. Tháng 6 năm đó, 3 nhà du hành vũ trụ Nga lên tàu Soyuz 11 bắt đầu chuyến đi kéo dài 3 tuần để thực hiện các cuộc thí nghiệm và quan sát tại trạm vũ trụ.

Trên đường về vào ngày 30/6, con tàu quay trở về và hạ cánh tự động thành công. Tuy nhiên, khi những người dưới mặt đất mở cửa con tàu, 3 nhà du hành vũ trụ đã tử vong và không mặc trang phục phi hành gia. Một lỗ thông hơi đã bị hỏng và tạo khe hở khi khoang tàu tách khỏi trạm vũ trụ. Khoang tàu bị giảm áp và 3 phi hành gia thiệt mạng khoảng 30 phút trước khi tàu hạ cánh xuống mặt đất. Sau vụ tai nạn này, các chương trình vũ trụ của cả Liên Xô và Mỹ đều yêu cầu các phi hành gia mặc trang phục vũ trụ trong bất cứ công đoạn nào đề phòng xảy ra tình huống giảm áp suất như vụ việc tàu Soyuz 11.

Challenger - 1986

5 vụ tai nạn nghiêm trọng nhất lịch sử cuộc đua vũ trụ thế giới - 3

Hình ảnh tàu Challenger phát nổ năm 1986 (Ảnh: History).

Vào buổi sáng mùa đông lạnh giá ngày 28/1/1986, tàu con thoi Challenger đã nổ tung chỉ 73 giây sau khi được phóng từ Cape Canaveral. Sau đó từ độ cao khoảng 15km so với mặt đất, con tàu lao xuống Đại Tây Dương. Toàn bộ phi hành đoàn gồm 7 người trong đó có Christa McAuliffe, một giáo viên trung học được chọn tham gia sáng kiến quốc gia "Người giáo viên vũ trụ".

Sau đó, một cuộc điều tra được tiến hành phát hiện ra nhiệt độ quá lạnh có thể làm hỏng các vòng cao su chịu nhiệt, những vòng này có tác dụng tránh làm rò rỉ nhiên liệu. NASA trước đó đã biết về điều đó nhưng vẫn quyết định tiếp tục phóng tàu. Khi đó dư luận Mỹ đã rất giận dữ và chương trình tàu con thoi vũ trụ bị tạm dừng.

Columbia - 2003

Sau khi hoàn thành chuyến bay 16 ngày, tàu con thoi Columbia đang tiến vào bầu khí quyển Trái Đất và chuẩn bị hạ cánh xuống Cape Canaveral thì bi kịch xảy ra. Khoang tàu vỡ vụn và các mảnh vỡ rơi xuống Texas, khiến toàn bộ 7 phi hành gia thiệt mạng. Một miếng xốp thông hơi nhỏ đã rơi ra khỏi thùng nhiên liệu khi tàu được phóng lên và làm thủng cánh trái tàu Columbia. Trong các vụ phóng tàu con thoi trước đó, miếng xốp này cũng bị rơi nhưng không có tai nạn nào nên NASA không cho rằng đây là vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi tàu Columbia quay trở lại Trái Đất, khí nóng và khói đã thâm nhập vào phần cánh bị hỏng, khiến cánh này vỡ vụ và toàn bộ con tàu cũng bị vỡ theo.

Thảm họa Columbia khiến Mỹ dừng các chương trình không gian bằng tàu con thoi và chuyến tàu cuối cùng được NASA thực hiện diễn ra vào năm 2011.