5 lực lượng hải quân hùng mạnh nhất mọi thời đại
(Dân trí) - Khái niệm “hùng mạnh” trong hải quân chỉ mang tính chất tương đối. Mỗi lực lượng Hải quân được đề cập dưới đây đều xứng đáng là lực lượng mạnh nhất trong thời đại của họ, góp phần giúp định hình trật tự thế giới xung quanh mình, tạo thành thế giới như ta biết ngày nay.
Thuỷ quân Hy Lạp trong trận chiến Salamis (năm 480 trước CN)
Hình minh hoạ trận hải chiến Salamis. (Ảnh:NT)
Theo National Interest, thuỷ quân Hy Lạp thực ra không phải là lực lượng mạnh nhất ở thời điểm đó, nhưng vì họ đã đánh bại được thế lực hùng mạnh nhất là thuỷ quân của đế chế Ba Tư nên họ xứng đáng được tôn vinh như vậy.
Thời điểm năm 480 trước Công nguyên, đế chế Ba Tư của Xerxes Đại đế đã thống lĩnh đất liền trước khi quyết định xây dựng lực lượng thuỷ quân để thực hiện các cuộc chinh phạt bằng đường biển lần thứ 2. Lực lượng đa quốc gia này sở hữu tới 1.207 thuyền chiến 3 tầng chèo - loại thuyền mạnh nhất lúc đó.
Trong lúc đó, quân Hy Lạp dưới sự lãnh đạo của người Athen và Sparta chỉ có tổng cộng 381 chiến thuyền. Mặc dù "lép vế" về số lượng, thuỷ quân Hy Lạp đã chiến thắng oanh liệt và buộc thuỷ quân Ba Tư phải đầu hàng sau trận chiến ở Salamis.
Thuỷ quân Trung Hoa năm 1433
Hình đô đốc Trịnh Hoà và các tuyến đường ông đã đi qua. (Ảnh:NT)
Hải đội Trung Hoa ở thế kỉ 15 là lực lượng mạnh nhất trên thế giới lúc đó. Được chỉ huy bởi đô đốc Trịnh Hoà, các đoàn thuyền Trung Hoa đã tiến hành 7 cuộc thám hiểm trong và xung quanh vùng Ấn Độ Dương, điều chưa ai làm được trước đó.
Các hoàng đế đầu tiên của nhà Minh có tầm nhìn hướng ngoại và họ quyết tâm mở rộng thông thương với thế giới bên ngoài. Để thực hiện mục tiêu này, họ đầu tư rất mạnh cho các hải đội thực hiện các cuộc thám hiểm tới các vùng xa xôi. Tổng cộng đã có 7 chuyến đi với đích đến bao gồm Đông Nam Á, Ấn Độ, vùng Sừng châu Phi và Vịnh Persian.
Đến các đời vua sau này, do phải đối mặt với nội chiến liên miên nên nhà Minh không còn đầu tư vào hàng hải như trước, các chuyến đi cũng chấm dứt và họ không bao giờ có thể xây dựng được một hải đội hùng mạnh như thế nữa.
Hải quân Hoàng gia Anh năm 1815-1918
Hải quân Hoàng gia trong một trận chiến với quân Napoleon. (Ảnh:NT)
Sau cuộc chiến tranh với Napoleon, Hải quân Hoàng gia Anh trở thành lực lượng hùng mạnh nhất trên thế giới. Với tư cách là Hải quân của một đảo quốc, vai trò của nó cực kì quan trọng trong việc duy trì an ninh đường biển cho các thuộc địa của Anh, đặc biệt là ở Ấn Độ, Bắc Mỹ và châu Phi.
Hải quân Hoàng gia Anh duy trì sức mạnh thông qua chính sách “tiêu chuẩn gấp đôi”, tức là họ phải mạnh ít nhất bằng hai lực lượng mạnh nhất cộng lại. Chính sách này đã giúp họ duy trì được ưu thế so với các đối thủ và ngăn chặn bất cứ thách thức nào từ đối phương. Hải quân Hoàng gia chính là lực lượng nòng cốt trong việc giúp nước Anh có hệ thống thuộc địa trải dài khắp thế giới, vốn được ví von là “mặt trời không bao giờ lặn trên Vương quốc Anh”.
Có một điều thú vị là ngoài cuộc chiến tranh Crimea giữa liên minh các nước Tây Âu và Nga - cuộc chiến đã tiêu diệt hạm đội Hắc Hải của đế quốc Nga - Hải quân Hoàng gia Anh hiếm khi phải tham gia vào các cuộc hải chiến thực sự. Họ chủ yếu chỉ phải giải quyết những nhiệm vụ nhỏ lẻ xung quanh Vương quốc, hoặc chống lại cướp biển ở châu Phi, hoặc được huy động để mở cửa các thị trường Nhật Bản và Trung Quốc.
Hải quân đế quốc Nhật Bản năm 1941
Tàu tấn công chủ lực Yamato của Hải quân Nhật. (Ảnh:NT)
Hải quân đế quốc Nhật Bản (IJN) ở giai đoạn đầu của Thế chiến II thực sự không có đối thủ trên thế giới. Giống Anh, Nhật Bản cũng là một đảo quốc và phải nhập khẩu nguyên liệu thô từ nước ngoài. Chính điều này đã buộc Tokyo phải xây dựng một lực lượng Hải quân hùng hậu để có thể bảo vệ an ninh quốc gia cũng như các tuyến đường thương mại hàng hải huyết mạch của mình.
Khởi đầu Thế chiến II, Hải quân Nhật có 10 tàu sân bay, với 1.500 thủy thủ giỏi nhất thế giới. Đồng thời họ cũng sở hữu 12 tàu chiến, thêm vào đó là hàng loạt tàu tuần tiễu, tàu tấn công và tàu ngầm.
Các thắng lợi của Hải quân Nhật gồm có chiến thắng ở Malaya, Trân Châu cảng và quần đảo Solomon. Tuy nhiên, hàng loạt quyết định sai lầm ở thượng tầng lãnh đạo, cộng với phản ứng chậm chạp trong việc tiếp viện trên chiến trường đã che mờ vinh quang của họ, dẫn tới thất bại của Đế quốc Nhật vào năm 1945.
Trên tất cả, Hải quân Nhật năm 1941 vẫn xứng đáng được ghi nhận là một trong những lực lượng hùng mạnh nhất mọi thời đại.
Hải quân Mỹ năm 1945
Tàu sân bay USS George Washington của Hải quân Mỹ. (Ảnh:NT)
Năm 1945, Hải quân Mỹ được tận hưởng những chiến thắng vinh quang nhất ở cả hai mặt trận. Tại mặt trận Thái Bình Dương, họ buộc Nhật Bản phải hoàn trả các vùng chiếm đóng kéo dài từ Philippines tới Solomon. Trong khi đó tại mặt trận Đại Tây Dương, họ đã hoá giải mối đe doạ từ lực lượng tàu ngầm U-boat của phát xít Đức, đồng thời cùng quân Đồng minh thực hiện thành công các cuộc đổ bộ lên Bắc Phi, Ý và Pháp.
Sau trận Trân Châu cảng, Hải quân Mỹ đã nhanh chóng tăng cường lực lượng từ 790 tàu vào 12/1941 lên 6.768 chiếc vào 8/1945. Hải quân chính thức tham chiến với lực lượng mạnh chưa từng có gồm 23 tàu chiến hạng nặng, 28 tàu sân bay, 377 tàu tấn công phá huỷ và 232 tàu ngầm. Ngoài ra còn phải kể đến 71 tàu hộ tống, 2.547 tàu đổ bộ sẵn sàng trực chiến. Họ thậm chí còn có lực lượng đổ bộ của riêng mình gồm 6 đơn vị lính thuỷ đánh bộ, 5 đơn vị không quân trực tiếp chiến đấu từ Guadalcanal cho tới Okinawa.
Với lực lượng hùng mạnh như thế, thật dễ dàng lý giải tại sao Hải quân Mỹ chiến thắng liên tục kể từ sau năm 1942, dồn ép quân Nhật co cụm về phía đông cho tới khi Nhật chính thức đầu hàng. Từ đó cho đến nay, mặc nhiên Hải quân Mỹ được coi là lực lượng hùng mạnh nhất trên thế giới.
Khánh Trần
Theo National Interest