450.000 bộ quần áo bảo hộ sản xuất tại Việt Nam đang trên đường tới Mỹ
(Dân trí) - Chuyến hàng thứ nhất trong 2 lô hàng đầu tiên với hơn 450.000 bộ quần áo bảo hộ DuPont được sản xuất tại Việt Nam đã rời Hà Nội vào ngày 7/4 để đến Mỹ phục vụ cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam ngày 8/4 cho biết, Đại sứ quán và Chính phủ Việt Nam đã làm việc cùng nhau tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giao nhận và phê duyệt cần thiết để đẩy nhanh việc chuyển giao trang thiết bị bảo hộ cá nhân cho Mỹ.
Theo đó, chuyến hàng thứ nhất trong số 2 lô hàng đầu tiên với hơn 450.000 bộ quần áo bảo hộ DuPont được sản xuất tại Việt Nam đã rời Hà Nội vào ngày 7/4.
Bộ Y tế và Dịch vụ Dân sinh Mỹ đã ký hợp đồng với FedEx để nhanh chóng chuyển giao các bộ đồ cho Kho dự trữ chiến lược quốc gia Mỹ nhằm giải quyết nhu cầu khẩn cấp đối với trang thiết bị bảo hộ cho các nhân viên tuyến đầu ứng phó với đại dịch COVID-19 tại Mỹ.
“Chuyến hàng này sẽ giúp bảo vệ các chuyên gia y tế làm việc trên tuyến đầu chống lại COVID-19 tại Mỹ và chứng minh cho sức mạnh của quan hệ đối tác Việt - Mỹ”, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Dan Kritenbrink cho biết.
Mỹ và Việt Nam đã hợp tác rộng rãi trong cuộc chiến chống COVID-19. Kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng này, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) và Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đã hợp tác với các quan chức Việt Nam để theo dõi và ứng phó với tình hình diễn tiến của dịch bệnh COVID-19.
Ông Kritenbrink cho biết thêm, “trong 20 năm qua, Mỹ đã đầu tư hơn 706 triệu USD hỗ trợ y tế cho Việt Nam, và trong thập kỷ qua đã hỗ trợ kỹ thuật và tài chính đáng kể để ngăn chặn, phát hiện và ứng phó với các bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng và mới nổi. Các khoản đầu tư của hai nước chúng ta đang cho lại kết quả vào thời điểm quan trọng này. Mối liên hệ được thiết lập giữa các chuyên gia y tế Mỹ và Việt Nam đã trở thành công cụ khi chúng ta cùng nhau chống lại dịch bệnh này”.
Một hỗ trợ y tế bổ sung 2,9 triệu USD được công bố gần đây từ USAID sẽ giúp Chính phủ Việt Nam tăng tốc các hệ thống phòng thí nghiệm; tăng cường phát hiện trường hợp mắc bệnh và việc giám sát dựa trên sự kiện; và hỗ trợ các chuyên gia kỹ thuật để ứng phó nhanh chóng, truyền thông rủi ro và phòng ngừa và kiểm soát nhiễm bệnh.
An Bình