1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

4 lý do khiến cuộc phản công của Ukraine chưa đạt kết quả như kỳ vọng

Lê Ngọc Thống

(Dân trí) - Kể từ ngày 4/6, Ukraine đã mở chiến dịch "tổng phản công" được dự đoán từ lâu và Phương Tây mong đợi, nhưng kết quả cho tới nay vẫn còn khiêm tốn.

4 lý do khiến cuộc phản công của Ukraine chưa đạt kết quả như kỳ vọng - 1

Quân đội Ukraine ở gần Lyman, Donetsk (Ảnh: AFP).

Quân đội Ukraine đã thọc sâu được vào chiến tuyến Nga ở một số khu vực, trong khi quân Nga cũng chủ động mở rộng để đe dọa một số vùng hậu phương quan trọng của Ukraine, như tại Kupyansk. 

Có thể nói, thế trận chung của quân đội Ukraine, như Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố với CNN là "tiến công bị chững lại do các bãi mìn". Nguyên tắc của một đòn tấn công vào trận tuyến của đối phương là nếu không dứt điểm, phe tấn công sẽ bị tổn thất lớn từ "ngoài hàng rào kẽm gai" và như vậy bị coi như không thành công, chưa nói đến hậu quả của diễn biến tiếp theo là sẽ bị phản kích.

Ở góc nhìn quân sự, khách quan thì không nhiều người đặt cược vào cửa thắng của Ukraine nhưng vì sao Kiev vẫn hạ quyết tâm mở chiến dịch phản công? Rõ ràng có áp lực chính trị.

Chiến dịch quân sự mà bị chi phối bởi áp lực chính trị thì sẽ gặp khó về nghệ thuật tác chiến. Đây cũng là một trong những hạn chế của Ukraine trong cuộc đối đầu này.

Chính trị gây áp lực lên nghệ thuật tác chiến?

Để chuẩn bị một chiến dịch quân sự thì việc chọn mục tiêu mang tính quyết định. Nếu bên tấn công đánh sập mục tiêu có tính tử huyệt, điều này sẽ làm sụp đổ hệ thống phòng ngự của đối phương.

Tại tuyến phòng ngự dài hơn 1.000km của Nga thì hướng Zaporozhia - Melitopol - Azov dường như là tử huyệt, nếu Ukraine kiểm soát được, sẽ cắt đứt Crimea ra khỏi Nga.

Tuy nhiên, Nga cũng hiểu được điều này nên đã tập trung xây dựng tuyến phòng ngự có chiều sâu từ tháng 9 năm ngoái.

Báo Telegraph của Anh cho biết, các binh sĩ Ukraine thừa nhận rằng, họ không thể chọc thủng tuyến phòng thủ "đáng kinh ngạc" của quân đội Nga. Đồng thời, tình báo Anh đánh giá, mạng lưới phòng thủ này được đánh giá là một trong những hệ thống công sự lớn và kiên cố nhất trong lịch sử thế giới.

Về lực lượng, ngoài quân đoàn cận vệ 58, Nga còn có lực lượng Chechnya và nhiều đơn vị khác. Thế nhưng, vì sao Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine lại chọn mục tiêu này? Có lẽ, Ukraine không còn nhiều thời gian - một thực tế khách quan mà cả phương Tây hiện nay đều công nhận.

Điều này có nghĩa rằng Ukraine không có thời gian cho những "mục tiêu khác dễ dàng hơn", nơi họ có thể đạt được một số thành công, nhưng những thành công này sẽ bị giảm xuống thành một số khu định cư ít giá trị ở trung tâm Donbass, hoặc thành một thứ không có giá trị chiến lược, chẳng hạn như việc chiếm giữ của một ngôi làng Nga ở vùng Belgorod.

Kiev không còn cách nào khác ngoài việc cố gắng giành lấy một kết quả tích cực mà họ có thể gọi là chiến thắng, để xoa dịu đồng minh và đối tác phương Tây, những người đang dần cạn kiệt sự ủng hộ.

Cách duy nhất để Ukraine đạt được chiến thắng to lớn và tương đối "nhanh chóng" như vậy trong toàn bộ chiến dịch phản công là phương án phá hủy cây cầu Crimea, có thể giáng một đòn chí mạng vào huyết mạch của Nga, chỉ bằng một số động tác rất nhỏ.

Không có sự kết hợp khả thi nào khác của việc chiếm giữ hoặc tấn công ở Donbass có thể có tác động như vậy.

Hôm 9/7, lại xảy ra một cuộc tập kích bằng tên lửa bất thành vào cầu Crimea. Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc vụ việc do Ukraine thực hiện bằng tên lửa phòng không S-200 hoán cải thành vũ khí tấn công mặt đất.

Với một mục tiêu chính trị đặt ra như vậy, buộc Quân đội Ukraine không có lựa chọn mục tiêu nào khác, mở đòn tấn công trong một thời gian ngắn để hy vọng xoay đổi cục diện chiến trường.

4 lý do khiến cuộc phản công của Ukraine chưa đạt kết quả như kỳ vọng - 2

Đoàn xe tăng thiết giáp Ukraine bị Nga phá hủy tại mặt trận Zaporizhia (Ảnh: cắt từ video của Bộ Quốc phòng Nga).

Thế phòng ngự của Nga

Biết chắc hướng Kherson và Zaporizhia là hai hướng quan trọng, bảo vệ Crimea từ xa, kể từ khi đảm nhiệm chức vụ Phó Tư lệnh chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, tướng Sesgey Surovikin đã quyết định rút lực lượng về những nơi hiểm yếu để phòng ngự. Ví dụ rút khỏi hữu ngạn Dnieper tại Kherson về phòng ngự ở tả ngạn.

Nói chung, những khu vực quan trọng nhất như Kherson, Zaporizhia…, quân Nga đang trong thế phòng ngự, ngoại trừ "cối xay thịt Bakhmut".

Theo nguyên tắc tác chiến thông thường, để giành chiến thắng, bên tấn công phải có lực lượng gấp 3 đến 5 lần bên phòng thủ về con người, về hỏa lực phải áp đảo, vượt trội.

Trong khi đó Nga hoàn toàn làm chủ không phận tác chiến nhờ chiếm ưu thế tuyệt đối về không quân, về UAV, tác chiến điện tử và pháo binh. Mặt khác chiến trường diễn ra trên địa hình thảo nguyên, không có tác dụng cho quân tấn công lợi dụng địa hình địa vật.

Trận đồ khó phá

Trận địa phòng ngự của Nga được xây dựng hơn 10 tháng qua bởi tướng Surovikin đã chứng tỏ dường như khó xuyên thủng.

Người ta nói nhiều về "phòng tuyến Surovikin", nhưng đúng ra đó là một "trận đồ Surovikin" tạo ra một hệ thống phòng ngự vận hành được cài đặt trên nền tảng công nghệ vũ khí trang bị tiên tiến, kết hợp giữa bố trí các bãi mìn với những khu vực hỏa lực và điểm săn xe tăng.

Cho đến lúc này Bộ Tổng tham mưu Quân đội Ukraine chưa có cách hóa giải "trận đồ Surovikin", khiến cho Zaporizhia trở thành một "máy xay" đối với xe tăng Leopard 2 Đức, xe chiến đấu bộ binh Bradley, xe thiết giáp chở quân Stryker của Mỹ.

Lực lượng xung kích của Ukraine hoặc sa vào bãi mìn, hoặc sa vào khu vực hỏa lực mà Nga đã chọn sẵn, thiệt hại nặng.

4 lý do khiến cuộc phản công của Ukraine chưa đạt kết quả như kỳ vọng - 3

Ảnh vệ tinh cho thấy hàng rào phòng thủ của Nga ở vùng Zaporizhia, miền Nam Ukraine ngày 11/4 (Ảnh: Reuters).

Lực của Nga mạnh hơn

Thế bao giờ cũng lấy lực làm cơ sở và do lực quyết định, nhưng ở thế có lợi thì một lực nhỏ cũng có thể chuyển hóa thành lực lớn và ngược lại, một lực lớn nếu ở vào thế bất lợi hoặc bị mất thế cũng dễ bị suy yếu.

Từ thế phòng ngự có lợi, Nga bố trí các bãi mìn cố định đủ loại và không chỉ thế triển khai các bãi mìn cơ động. Từ lợi thế về hỏa lực như pháo binh, Nga xây dựng bố trí các "khu vực hỏa lực", tức khi đối phương đã vào khu vực đó sẽ bị tập kích cấp tập hoặc bị không quân ném bom, bắn phá.

Do đó, những nơi mà Nga rút đi sẽ được coi là "khu vực hỏa lực", một chiến thuật từng phát huy hiệu quả cao tại Syria.

Với 4 vấn đề nêu trên, khó dự đoán rằng Ukraine sẽ thắng, sẽ đạt được mục tiêu mà đòn tổng phản công đã đặt ra.

Đến nay, mục tiêu chính trong chiến dịch phản công giai đoạn 2 của Kiev chưa rõ ra sao, trong khi lực lượng dự bị chiến dịch đã tung ra gần hết nhưng kết quả chưa có triển vọng ở bất kỳ hướng tấn công nào.

Về phía Nga, hệ thống phòng ngự của họ chủ động hơn. Với lực lượng dự bị hùng hậu, quân Nga đang phòng ngự cơ động, kéo giãn đội hình tấn công của quân đội Ukraine và sẵn sàng tung những đòn tấn công quyết định.

Có thể nói trên 2 hướng quan trọng nhất, Kherson và Zaporizhia, sức tấn công của Ukraine khó phát triển tiếp.

Tuy vậy, dường như Ukraine đang dồn lực lượng để giành lại Bakhmut. Họ đã đạt được một số bước tiến, giành lại được nhiều vị trí trên cả sườn bắc và nam, nhưng về cơ bản để đánh bật hoàn toàn quân Nga ra khỏi thành phố không hề dễ dàng.

Hôm 9/7, trong cuộc phỏng vấn với truyền hình ABC, Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng những bước tiến chậm hơn so với những gì ông và các tướng lĩnh của mình mong muốn, nhưng cho biết các lực lượng Ukraine đã nắm thế chủ động.

"Tất cả chúng tôi đều muốn làm điều đó nhanh hơn, bởi vì mỗi ngày kéo dài thêm đồng nghĩa với những tổn thất mới của người Ukraine. Chúng tôi đang tiến lên. Chúng tôi không bị mắc kẹt", ông nói. Ông đồng thời lưu ý rằng quân đội đã vượt qua giai đoạn chững lại trong những tháng trước, "tất cả chúng ta đều muốn thấy cuộc phản công hoàn thành trong thời gian ngắn hơn. Nhưng thực tế là vậy. Hôm nay, thế chủ động đang nghiêng về phía chúng tôi".

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine