4 kịch bản có thể xảy ra với Tổng thống Hàn Quốc sau lệnh thiết quân luật
(Dân trí) - Sự nghiệp chính trị của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol trở nên bấp bênh sau khi ông bất ngờ ban bố lệnh thiết quân luật gây tranh cãi hồi đầu tuần.
Các đảng đối lập Hàn Quốc hôm 4/12 đã trình quốc hội nước này bản kiến nghị luận tội Tổng thống Yoon Suk-yeol với cáo buộc "phản quốc". Quốc hội dự kiến bỏ phiếu về kiến nghị này vào tối 7/12 theo giờ địa phương.
Hiến pháp Hàn Quốc bảo vệ tổng thống khỏi các vụ kiện dân sự và cáo buộc hình sự trừ khi họ bị kết tội phản quốc.
Báo Korea Herald đã phân tích 4 kịch bản có thể xảy ra sau phiên bỏ phiếu của quốc hội Hàn Quốc dự kiến vào 19h ngày 7/12 tới.
Nếu bản kiến nghị luận tội được thông qua
Bản kiến nghị luận tội tổng thống cần ít nhất 200 trong số 300 thành viên quốc hội bỏ phiếu ủng hộ để chuyển đến Tòa án Hiến pháp, nơi có thẩm quyền ra phán quyết.
Tiêu chuẩn này cao hơn so với yêu cầu số phiếu ủng hộ tối thiểu trong trường hợp đề nghị luận tội đối với các quan chức khác. Trường hợp khác chỉ cần số phiếu quá bán.
Nếu kiến nghị được thông qua, Tổng thống Yoon sẽ ngay lập tức bị đình chỉ chức vụ theo hiến pháp và Thủ tướng Han Duck-soo sẽ tạm đảm nhận vai trò lãnh đạo đất nước trong thời gian xét xử.
Tòa án Hiến pháp sau đó sẽ mở phiên tòa để ra phán quyết liệu có giữ nguyên quyết định của quốc hội hay không. Để ra phán quyết luận tội Tổng thống, bản kiến nghị cần được sự ủng hộ của ít nhất 6 trong 9 thẩm phán.
Hiện tại, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc chỉ có 6 thẩm phán do quốc hội vẫn chưa bầu được người kế nhiệm thay thế 3 thẩm phán vừa nghỉ hưu.
Một đại diện của tòa án cho biết, phiên tòa có thể được tiến hành với 6 thẩm phán hiện có, nhưng "cần phải thảo luận thêm" liệu tòa án có thể đưa ra phán quyết theo tình trạng hiện tại hay không.
Cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra trong vòng 60 ngày nếu tòa án quyết định luận tội Tổng thống Yoon.
Theo nhà bình luận chính trị Park Sang-byeong, việc Tổng thống Yoon bị luận tội sẽ là trường hợp xấu nhất đối với phe bảo thủ vì nó sẽ dẫn đến việc lãnh đạo phe đối lập chính Lee Jae-myung ra tranh cử tổng thống ngay lập tức.
Đây là một kịch bản mà lãnh đạo đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền (PPP) Han Dong-hoon muốn tránh vào lúc này.
Hiện tại vẫn chưa biết có bao nhiêu nhà lập pháp đảng cầm quyền sẽ bỏ phiếu ủng hộ đề nghị luận tội Tổng thống Yoon.
Tuy nhiên, ông Han nhắc lại lập trường của đảng là "nỗ lực ngăn chặn việc thông qua đề nghị luận tội Tổng thống Yoon" trong phiên họp toàn thể sắp tới. Đồng thời, ông nhấn mạnh Tổng thống phải rời bỏ đảng cầm quyền PPP.
Nếu bản kiến nghị luận tội không được thông qua
Nếu quốc hội không thông qua bản kiến nghị luận tội, đảng Dân chủ đối lập có thể sẽ đệ trình dự luật luận tội lần hai.
Điều này sẽ khởi động một quá trình đau đớn khác cho Tổng thống Yoon, vì phe đối lập chính có thể thông qua nhiều dự luật nhắm vào ông cũng như Đệ nhất phu nhân Kim Keon-hee và các trợ lý của ông cùng một lúc.
Nếu Tổng thống từ chức
Kịch bản Tổng thống Yoon từ chức có lẽ là tốt nhất cho đảng cầm quyền.
Luật quy định rằng nếu một tổng thống từ chức, một cuộc bầu cử mới cũng sẽ diễn ra trong vòng 60 ngày. Điều này không chỉ tạo đòn bẩy cho lãnh đạo đảng đối lập Lee Jae-myung mà còn là cơ hội để phe bảo thủ cầm quyền lấy lại niềm tin của cử tri.
"Việc từ chức có thể là kịch bản tốt nhất đối với ông Yoon, kịch bản đó sẽ giúp PPP tạo ra một câu chuyện tích cực hơn xung quanh sắc lệnh thiết quân luật của ông ấy, giúp PPP lấy lại niềm tin của người dân", nhà bình luận chính trị Park Sang-byeong phân tích.
Cải cách hiến pháp về nhiệm kỳ tổng thống
Phe đối lập đã liên tục đề xuất ý tưởng sửa đổi hiến pháp để rút ngắn giới hạn nhiệm kỳ tổng thống. Ý tưởng xoay quanh việc cho phép các tổng thống phục vụ nhiệm kỳ thứ hai, đồng thời rút ngắn thời gian của một nhiệm kỳ từ 5 năm xuống 4 năm. Điều đó có nghĩa là thời gian tối đa mà một người có thể làm tổng thống là 8 năm.
Nếu cải cách được thực hiện thì nhiệm kỳ tổng thống hiện tại của ông Yoon sẽ kết thúc vào tháng 5/2026 thay vì tháng 5/2027. Ông sẽ phải tranh cử tổng thống trong một cuộc tái tranh cử.