1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lý do phía sau lệnh thiết quân luật bất ngờ của Tổng thống Hàn Quốc

Minh Phương

(Dân trí) - Ban bố thiết quân luật có thể là cách để Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đối phó sức ép từ phe chính trị đối lập.

Lý do phía sau lệnh thiết quân luật bất ngờ của Tổng thống Hàn Quốc  - 1

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (Ảnh: NBC).

Với nhiều người Hàn Quốc, đêm 3/12 là đêm mất ngủ khi Tổng thống Yoon Suk-yeol bất ngờ ban bố lệnh thiết quân luật khẩn cấp. Họ càng hoang mang hơn khi những lý do mà Tổng thống Yoon đưa ra khá mơ hồ, chung chung.

Tổng thống Yoon nói, đây là quyết định nhằm "bảo vệ đất nước trước các thế lực chống phá đang tìm cách làm tê liệt chức năng thiết yếu của quốc gia và trật tự hiến pháp của nền dân chủ tự do".

Ông cáo buộc đảng đối lập chính của Hàn Quốc có động thái có lợi cho Triều Tiên và có các hoạt động chống lại nhà nước, nhưng không nêu chi tiết cũng như bằng chứng.

Theo các nhà quan sát, mối đe dọa từ Triều Tiên chỉ là bề nổi, mục đích thực sự của nhà lãnh đạo Hàn Quốc có thể là dùng sức mạnh quân sự để gây sức ép với phe đối lập đang tìm cách hạ bệ ông.

Chuyên gia James Park tại Viện nghiên cứu Quincy nhận định: "Theo quan điểm của Tổng thống Yoon, tình hình chính trị bất ổn nói chung là do chiến dịch gay gắt của đảng đối lập nhằm làm suy yếu sự lãnh đạo của ông. Khi quyền lực bị đe dọa, ông Yoon dường như đã tìm ra giải pháp bằng thiết quân luật, theo đó sẽ đình chỉ quốc hội và các cuộc tụ họp chính trị khác có thể gây ra rối loạn xã hội".

Ông Yoon cáo buộc phe đối lập "uy hiếp" tiến trình quốc hội để đẩy đất nước vào khủng hoảng. Ông Yoon viện dẫn một động thái của đảng Dân chủ đối lập, đảng chiếm đa số trong quốc hội, trong tuần này nhằm luận tội một số công tố viên hàng đầu của Hàn Quốc và bác bỏ đề xuất ngân sách của chính phủ.

Tổng thống Yoon phàn nàn về việc có 22 đơn đề nghị luận tội nhằm vào các quan chức chính quyền kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 5/2022. Phe đối lập cũng đang theo đuổi nỗ lực luận tội lần thứ 10 kể từ khi quốc hội khóa 22 khai mạc vào tháng 6 năm nay. Ông gọi động thái này là "chưa từng có" trong lịch sử, cản trở nghiêm trọng chức năng của nhánh hành pháp.

Về dự luật ngân sách, ông Yoon nói cắt giảm ngân sách sẽ làm suy yếu các chức năng thiết yếu của chính phủ, bao gồm phòng chống tội phạm ma túy và các biện pháp đảm bảo an toàn công cộng. Trong khi ông đề xuất ngân sách cho năm tới là 736 tỷ USD, phe đối lập chỉ ủng hộ mức 4,5 tỷ USD.

Ngoài những vấn đề trên, gần đây, Tổng thống Yoon và Đệ nhất phu nhân cũng vướng vào một số lùm xùm. Bất chấp ông phủ nhận các cáo buộc, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông vẫn giảm đáng kể, xuống dưới 20%.

"Việc sử dụng thiết quân luật gần như một động thái nhằm cố gắng thoát ra, cả về mặt chính trị và chính sách, nhưng không thành", ông Alan Yu, cựu nhà ngoại giao Mỹ ở châu Á hiện làm việc tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ, nhận định.

Phe đối lập chiếm thế đa số ở quốc hội đã nhanh chóng bỏ phiếu thông qua nghị quyết chặn sắc lệnh thiết quân luật của Tổng thống Yoon.

Sojin Lim từ Đại học Central Lancashire, bình luận với đài ABC News rằng, quyết định của Tổng thống Yoon là một "tính toán sai lầm" và ông "khó tránh khỏi nguy cơ bị luận tội.

"Các thành viên công đoàn đã thông báo rằng họ sẽ đình công không ngừng nghỉ cho đến khi Tổng thống từ chức. Ngày càng có nhiều người tụ tập ở Seoul vào đêm qua và sáng nay để biểu tình", bà Lim nói.

Ông Park Chan-dae, một thành viên của đảng Dân chủ đối lập, tuyên bố: "Ngay cả khi thiết quân luật được dỡ bỏ, Tổng thống cũng không thể tránh khỏi nguy cơ luận tội. Ông ấy nên từ chức".

Phản ứng của cộng đồng quốc tế

Lý do phía sau lệnh thiết quân luật bất ngờ của Tổng thống Hàn Quốc  - 2

Các thành viên đảng Dân chủ đối lập dùng nội thất ở tòa nhà quốc hội để ngăn binh sĩ tiến vào bên trong (Ảnh: Reuters).

Ngay sau tuyên bố thiết quân luật của Tổng thống Hàn Quốc, Mỹ - một đồng minh quan trọng của Seoul - bày tỏ quan ngại và cho biết đang theo dõi sát tình hình.

Trung Quốc khuyến cáo người dân thận trọng, trong khi Nga nhận định tình hình ở Hàn Quốc "đáng báo động".

Một nhà ngoại giao phương Tây giấu tên nói với Reuters, tuyên bố thiết quân luật sẽ làm phức tạp thêm các cuộc thảo luận về việc Hàn Quốc tham gia nhiều nỗ lực ngoại giao đa quốc gia hơn.

"Đối với một tổng thống đã tập trung quá nhiều vào danh tiếng quốc tế của Hàn Quốc, điều này khiến Hàn Quốc trông rất bất ổn. Điều này sẽ có tác động tiêu cực đến thị trường tài chính, tiền tệ và vị thế ngoại giao của Hàn Quốc trên thế giới", Mason Richey, giáo sư tại Đại học Ngoại ngữ Hankuk, bình luận.

Kể từ khi nhậm chức vào năm 2022, Tổng thống Yoon đã nhanh chóng khiến Hàn Quốc tích cực hơn trong các hoạt động chung với Mỹ và Nhật Bản nhằm đối phó mối đe dọa từ Triều Tiên.

Ông Yoon từ lâu đã khẳng định rằng đường lối cứng rắn đối với Triều Tiên là cách duy nhất để ngăn chặn Bình Nhưỡng thực hiện các mối đe dọa hạt nhân chống lại Seoul. Ông thậm chí cảnh báo tấn công phủ đầu Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, lập trường này không được sự ủng hộ toàn diện ở trong nước, nơi phe đối lập đang tìm cách xoa dịu căng thẳng với Triều Tiên như chính sách của chính quyền tiền nhiệm Moon Jae-in.

Theo ABC News, Reuters