1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

38 phút hoảng loạn của người Hawaii vì báo động tên lửa

(Dân trí) - Người dân và khách du lịch tại Hawaii đã trải qua 38 phút hoảng loạn và sợ hãi khi nhận được thông báo khẩn cấp về nguy cơ tấn công của tên lửa đạn đạo sau một loạt động thái thử tên lửa trước đó của Triều Tiên.

Tin nhắn cảnh báo tên lửa gửi tới điện thoại của người dân Hawaii vào sáng 13/1 (Ảnh: BI)
Tin nhắn cảnh báo tên lửa gửi tới điện thoại của người dân Hawaii vào sáng 13/1 (Ảnh: BI)

Người dân và khách du lịch ở Hawaii tỉnh giấc vào buổi sáng ngày 13/1 với một thông báo khẩn đáng sợ xuất hiện trên màn hình điện thoại của họ. Thông báo có nội dụng: “Mối đe dọa tên lửa đạn đạo đang tới gần Hawaii. Hãy tìm nơi trú ẩn ngay lập tức. Đây không phải cuộc diễn tập”.

Rốt cuộc, không có tên lửa nào xuất hiện và cảnh báo được đưa ra cũng là giả. Thống đốc Hawaii David Ige sau đó nói rằng cảnh báo khẩn cấp xuất hiện do một nhân viên vô tình bấm nhầm nút trong lúc đổi ca trực tại Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Hawaii.

Kể từ khi xuất hiện cảnh báo giả thứ nhất cho tới khi giới chức Hawaii đưa ra cảnh báo đính chính thứ hai, trong đó khẳng định “không có bất kỳ mối đe dọa hay mối nguy hiểm nào đối với bang Hawaii”, người dân sống trên hòn đảo này đã trải qua 38 phút hoảng loạn. Họ lo sợ về cái chết, tìm kiếm nơi trú ẩn và vội vã liên lạc với người thân.

Một phóng viên từ bang Texas đã có mặt tại Honolulu, Hawaii vào thời điểm cảnh báo khẩn cấp được đưa ra. Cô chia sẻ trên mạng xã hội Twitter một loạt tin nhắn hoảng loạn mà cô nhận được từ những người bạn và gia đình của mình. Cô nói rằng “mẹ và chị gái” đã khóc.

Nỗi lo sợ thể hiện qua những tin nhắn mà người thân gửi cho nhau khi xuất hiện thông báo khẩn cấp (Ảnh: BI)
Nỗi lo sợ thể hiện qua những tin nhắn mà người thân gửi cho nhau khi xuất hiện thông báo khẩn cấp (Ảnh: BI)

“Tên lửa ở Hawaii”, “Con yêu hãy tìm nơi trú ẩn”, “Nếu con thức giấc hãy gọi cho mẹ luôn nhé”,… là một loạt tin nhắn mà nữ phóng viên đã nhận được.

Matt LoPrestt cũng chia sẻ với CNN về việc anh và gia đình phải ẩn nấp bên trong nhà tắm khi nhận được tin nhắn cảnh báo tên lửa.

“Tôi ngồi trong bồn tắm với các con và chúng tôi cùng cầu nguyện… Hiện giờ tôi rất tức giận. Tại sao chúng tôi phải mất tới 38 phút để nhận một thông báo giả. Điều đó hoàn toàn không thể chấp nhận được”, Matt nói.

Một nhà sản xuất của kênh MSNBC cũng chia sẻ trên Twitter những tin nhắn mà cô nhận được từ một người bạn có người thân bị mắc kẹt trên đường vào thời điểm thông báo khẩn cấp xuất hiện.


Người dân hoảng hốt đi sơ tán (Ảnh: Twitter)

Người dân hoảng hốt đi sơ tán (Ảnh: Twitter)

“Thật là một sự hỗn loạn khủng khiếp khi mọi người lao ra khỏi xe và bỏ chạy trong khi mắt vẫn nhìn lên bầu trời. Một người anh em vẫn đang ở sân bay và mọi người đều lo lắng”, nội dung một tin nhắn cho biết.

Đại tá nghỉ hưu Mike Staskow đã kể lại với New York Times về tình thế tiến thoái lưỡng nan vì không biết phải chạy đi đâu hay làm gì trong tình huống khẩn cấp.

“Tôi đã hình dung tất cả các kịch bản trong đầu, nhưng tôi không biết phải đi đâu, không có nơi nào để đi”, ông Mike nói.

Tra cứu Google

Biển hiệu với nội dung Không có mối đe dọa nào xuất hiện ở Oahu, Hawaii sau thông báo khẩn cấp về tên lửa (Ảnh: Reuters)
Biển hiệu với nội dung "Không có mối đe dọa nào" xuất hiện ở Oahu, Hawaii sau thông báo khẩn cấp về tên lửa (Ảnh: Reuters)

Trong lúc cấp bách, người dân Hawaii bắt đầu “cầu cứu” Internet để tìm kiếm những lời khuyên an toàn. Một người đã tìm cách liên lạc với phóng viên khoa học Dave Mosher của hãng tin Business Insider - người từng viết những bài báo về cách sống sót trong các vụ tấn công hạt nhân.

“Chồng tôi và tôi đã chạy ra ngoài bãi biển vì chúng tôi sợ rằng ngôi nhà có thể đổ sập nếu chúng tôi ở trong đó. Giống như vụ (khủng bố) 11/9 vậy. Sau đó tôi đã tra cứu trên Google với nội dung “cách ẩn nấp bom hạt nhân an toàn” và bài báo do ông viết là bài đầu tiên tôi nhìn thấy. Trong vài giây, tôi đã đọc được rằng chúng tôi nên ở trong nhà và chúng tôi nhanh chóng nghe theo lời khuyên này”, một người dân viết thư điện tử gửi Dave Mosher.

Hệ thống Cảnh báo Khẩn cấp được giới chức trên toàn nước Mỹ sử dụng để cung cấp thông tin quan trọng tới người dân. Mỹ lắp đặt hệ thống này ở bang Hawaii nhằm đối phó với mối đe dọa từ một vụ tấn công của tên lửa đạn đạo. Hệ thống này được kích hoạt gần đây sau hàng loạt vụ thử tên lửa của Triều Tiên, trong đó có tên lửa có tầm bắn đủ vươn tới Mỹ.

Bình luận viên mạng xã hội của Washington Post Gene Park cũng chia sẻ về những tin nhắn mà anh nhận được từ những người bạn ở Hawaii trong 38 phút kinh hoàng sau tin nhắn khẩn cấp.

“Một người dân cho biết anh ấy đã gọi cho vợ và con trai. Lúc đó vợ con anh đang ở Nhật Bản. Anh ấy đã gửi lời chào tạm biệt và nói với họ rằng anh ấy yêu họ biết nhường nào”, Gene Park viết trên Twitter.

“Một người bạn của tôi ở Hawaii đã nhận được thông báo khẩn cấp và anh ấy phải nhanh chóng đưa ra quyết định về việc sẽ dành những giây phút cuối cùng của cuộc đời trên Trái Đất này với thành viên nào trong gia đình, vì tất cả họ đang ở cách xa nhau. Anh ấy đã phải đưa ra một lựa chọn khó khăn khi quyết định trở về nhà ngay lập tức với những đứa con bé nhất”, Gene Park viết thêm.

Vài giờ sau khi xác nhận tin nhắn khẩn cấp là giả, giới chức Hawaii coi đây là vụ việc nghiêm trọng và quyết tâm điều tra để làm rõ nguyên nhân xảy ra sự cố nhầm lẫn này. Họ cũng đảm bảo rằng sẽ không bao giờ để chuyện tương tự như vậy lặp lại.

“Chúng tôi đã thay đổi quy định để đảm bảo rằng, sẽ không chỉ để một người chịu trách nhiệm về việc đưa ra thông báo khẩn cấp. Thay vào đó, sẽ có ít nhất 2 người tham gia vào quá trình đưa ra thông báo”, Thống đốc David Ige cho biết.

Thành Đạt

Theo BI