30 triệu đàn ông Trung Quốc đối mặt nguy cơ ế vợ
(Dân trí) - Cuộc thống kê dân số mới nhất cho thấy Trung Quốc đang dư thừa 30 triệu đàn ông độc thân, một thách thức mà giới chuyên gia nhận định là khó có thể giải quyết "một sớm, một chiều".
SCMP đưa tin, việc người Trung Quốc thích sinh bé trai hơn bé gái trong nhiều năm qua đã khiến nước này hiện thừa ra 30 triệu đàn ông độc thân.
Theo thống kê dân số công bố cuối tuần trước, trong 12 triệu trẻ em ra đời năm ngoái, tỷ lệ bé trai so với bé gái là 111,3/100. Trong đợt thống kê năm 2010, tỷ lệ này 118,1/100. Con số trung bình toàn cầu là 105 bé trai /100 bé gái.
Theo chuyên gia Stuart Gieten-Basten từ Đại học Khoa học Công nghệ Hong Kong, các con số trên phản ánh sở thích và mong muốn của các gia đình Trung Quốc đối với con trai hiện vẫn đang nhiều hơn con gái.
"Bình thường ở Trung Quốc, đàn ông thường cưới phụ nữ trẻ tuổi hơn họ rất nhiều, nhưng khi dân số già đi, số đàn ông lớn tuổi tiếp tục tăng lên, làm tình hình trở nên phức tạp hơn. Ngoài ra, ngày càng nhiều phụ nữ muốn kéo dài cuộc sống độc thân".
Bjourn Alpermann, giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Julius Maximilian, Đức, cho biết vào thời điểm những đứa trẻ sinh năm ngoái đến tuổi kết hôn, sẽ có sự thiếu hụt rất lớn về các cô dâu.
"Trong số 12 triệu trẻ sinh ra vào năm ngoái, 600.000 bé trai sẽ không thể tìm được bạn đời bằng tuổi khi lớn lên", ông Alpermann cảnh báo.
Jiang Quanbao, một giáo sư nhân khẩu học tại Đại học Xian Jiaotong, cho biết: "Theo ước tính, từ năm 1980 đến năm 2020, ở Trung Quốc có khoảng 30 triệu đến 40 triệu nam giới được sinh ra nhiều hơn nữ giới, vì vậy sẽ xảy ra tình trạng thiếu cô dâu".
Ông Jiang cho hay, chính sách một con mà Trung Quốc áp dụng từ năm 1979 tới năm 2016 đã làm bùng nổ việc các gia đình Trung Quốc tìm cách sinh con trai khi họ chỉ có một cơ hội để sinh đẻ.
Ngoài ra, các thống kê của Trung Quốc chỉ ra tỷ lệ sinh nở của nước này trung bình là 1,3, thấp hơn nhiều mức 2,1 cần thiết để duy trì dân số ổn định.
Cai Yong, một giáo sư nhân khẩu học tại Đại học North Carolina (Mỹ), cho biết, đàn ông từ các tầng lớp xã hội thấp hơn là nhóm gặp nhiều khó khăn nhất trong việc tìm vợ.
"Họ gần như sinh sống ở nông thôn và không được hưởng sự giáo dục (tương đồng với nhóm trên thành phố)", giáo sư Cai nói.
Trong khi đàn ông độc thân ở một số nước trên thế giới có thể ra nước ngoài tìm vợ, ông Cai cho biết, quy mô của tình trạng thiếu cô dâu ở Trung Quốc cho thấy đây không phải là một vấn đề có thể giải quyết dễ dàng.
"Khi chúng ta nói về 20-30 triệu đàn ông tìm vợ, con số đó có khi còn lớn hơn cả dân số của một số quốc gia", giáo sư Cai nhấn mạnh.